(Phapluatmoitruong.vn) – Ngày 29/6, ông Lê Văn Sử – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đã chủ trì Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Nghị định số 98/2018/NĐ-CP trên địa bàn tỉnh.
Theo ông Sử, tỷ lệ liên kết chuỗi trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ thủy sản phải đạt tối thiểu 25%; lúa đạt từ 15 – 20%, chuối đạt từ 05 – 07% và rau màu đạt 03%; gỗ đạt 20% diện tích khai thác; heo xuất chuồng đạt 54% tổng đàn. Đây là kế hoạch phát triển hợp tác liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Cà Mau giai đoạn 2022 – 2025.
Trong 5 năm qua, tỉnh Cà Mau chưa có dự án kế hoạch liên kết được phê duyệt theo các hình thức của Nghị định số 98. Tuy nhiên, các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân trên địa bàn tỉnh đã thực hiện liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm ở một số ngành hàng. Cụ thể có 07 Công ty chế biến xuất khẩu thủy sản đã hỗ trợ vùng nuôi, hộ dân thực hành nuôi tôm rừng bền vững có trách nhiệm theo các tiêu chuẩn quốc tế. Qua đó đã thực hiện liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm trên diện tích hơn 22.600 ha tôm – rừng và 565 ha tôm – lúa. Có 25 chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa gạo với diện tích gần 6.500 ha, tiêu thụ khoảng 28.250 tấn lúa, bằng 5,2% so sản lượng toàn tỉnh.
Riêng ngành hàng gỗ tiếp tục duy trì 02 liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với diện tích 128 ha, sản lượng gỗ liên kết và tiêu thụ đạt 26.000 m3 (chiếm 3,1% diện tích và 6,32 diện tích khai thác của toàn tỉnh). Liên kết trong chăn nuôi, tiêu thụ heo hiện có 8 doanh nghiệp, 02 trại nuôi tập trung tham gia, quy mô gần 29.000 con, chiếm hơn 16% tổng đàn heo của tỉnh. Trong đó có 04 doanh nghiệp được hỗ trợ chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn với tổng kinh phí trên 15 tỷ đồng. Riêng ngành hàng cua liên kết chuỗi vẫn còn bỏ ngỏ.
Mô hình tôm rừng đem lại hiệu quả kinh tế cho nông sản Cà Mau.
Tại Hội nghị, đại diện các HTX, doanh nghiệp nêu rõ vướng mắc trong việc thực thi Nghị định 98/2018 là thiếu thông tin và chưa rõ quy định trình tự thủ tục nộp và thẩm định kế hoạch liên kết, dự án liên kết, phương thức hỗ trợ. Bên cạnh đó, quy trình, thủ tục, hồ sơ thực hiện hỗ trợ liên kết chuỗi rườm rà, phức tạp, đó là còn chưa kể phải có vốn đối ứng khiến doanh nghiệp, HTX ngán ngại đăng ký tham gia thụ hưởng chính sách hỗ trợ.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử chỉ đạo, để đẩy mạnh hợp tác liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trong thời gian tới, cần hơn nữa truyền thông và cải thiện phương thức triển khai chính sách ưu đãi liên kết tiêu thụ nông sản; Tập trung hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng cho HTX về năng lực quản trị, tiếp cận ứng dụng công nghệ và kỹ năng nắm bắt chính sách; Các đơn vị có liên quan phụ trách các ngành hàng và UBND cấp huyện cần chủ động phối hợp, trao đổi thông tin với các HTX, doanh nghiệp nhằm chọn ra chủ trì liên kết để hướng dẫn thủ tục tiếp cận các nguồn hỗ trợ theo quy định.
Huy Diệu – Phan Lâm
(Theo Môi trường và Đô thị điện tử)
Ảnh: Quang cảnh Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Nghị định số 98/2018/NĐ-CP.