Dự án Đầu tư xây dựng Cảng hàng không Phan Thiết – Bình Thuận, hạng mục hàng không dân dụng do Công ty cổ phần Rạng Đông làm chủ đầu tư theo hình thức BOT đang đối diện nguy cơ ‘đứt gánh giữa đường’.
Duyệt lại chủ trương đầu tư
Theo thông tin của Báo Đầu tư, Sở Giao thông – Vận tải (GTVT) tỉnh Bình Thuận vừa kiến nghị UBND tỉnh Bình Thuận xem xét báo cáo các bộ, ngành liên quan về khả năng chấm dứt trước thời hạn đối với Hợp đồng BOT số 2741/HĐ.BOT-UBND về việc triển khai Dự án Đầu tư xây dựng Cảng hàng không Phan Thiết – Bình Thuận (Dự án Cảng hàng không Phan Thiết), hạng mục hàng không dân dụng mà tỉnh này ký với nhà đầu tư – Công ty cổ phần Rạng Đông (Công ty Rạng Đông) vào ngày 20/9/2016.
Trước đó, vào cuối tháng 4/2023, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận đã có buổi làm việc với Chủ tịch HĐQT Công ty Rạng Đông về Dự án Cảng hàng không Phan Thiết, hạng mục hàng không dân dụng. Tại cuộc họp này, Chủ tịch HĐQT Công ty Rạng Đông cơ bản thống nhất việc chấm dứt hợp đồng dự án sau gần 7 năm theo đuổi, triển khai thi công.
Cảng hàng không Phan Thiết nằm tại xã Thiện Nghiệp, phía Đông Bắc TP. Phan Thiết, cách trung tâm Thành phố khoảng 19 km, cách khu du lịch Hàm Tiến, Mũi Né chỉ khoảng 8 km. Vị trí cảng rất thuận lợi trong việc tiếp cận các trục giao thông chính của tỉnh, cũng như tuyến Quốc lộ 1.
Dự án Cảng hàng không Phan Thiết được Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương đầu tư vào tháng 9/2014, trước ngày Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công – tư (PPP) có hiệu lực thi hành (ngày 1/1/2021). Dự án gồm 2 hạng mục: Dự án Cảng hàng không Phan Thiết, hạng mục hàng không dân dụng (đầu tư theo hình thức BOT, do UBND tỉnh Bình Thuận quyết định đầu tư) và Dự án Đầu tư khu bay quân sự (do Bộ Quốc phòng đầu tư).
Tháng 9/2016, Dự án Cảng hàng không Phan Thiết, hạng mục hàng không dân dụng được phê duyệt là sân bay cấp 3C, công suất 1 triệu lượt hành khách/năm, nhà đầu tư được lựa chọn là Công ty Rạng Đông.
Theo Hợp đồng BOT số 2741/HĐ.BOT-UBND, tổng mức đầu tư Dự án là 1.548 tỷ đồng, thời gian xây dựng là 3 năm, dự kiến khởi công năm 2015, hoàn thành vào năm 2018. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai Dự án, nhà đầu tư đã có văn bản đề xuất điều chỉnh quy hoạch và quy mô Cảng hàng không Phan Thiết nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư, khai thác của sân bay, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.
Trên cơ sở đề xuất này, UBND tỉnh Bình Thuận và Bộ Quốc phòng đã báo cáo và được Thủ tướng Chính phủ thống nhất chủ trương nâng cấp Cảng hàng không Phan Thiết từ cấp 4C lên cấp 4E, kéo dài đường cất hạ cánh từ 2.400 m lên 3.050 m, quy mô xây dựng phù hợp quy hoạch định hướng đến năm 2030, yêu cầu phát triển ngành hàng không và nhiệm vụ quốc phòng.
Ngày 23/2/2018, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 236/QĐ-TTg phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển GTVT hàng không giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Bộ GTVT cũng đã phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết Cảng hàng không Phan Thiết giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 tại Quyết định số 1925/QĐ-BGTVT ngày 29/8/2018.
Cụ thể, sân bay Phan Thiết được điều chỉnh từ sân bay cấp 4C, đường cất hạ cánh dài 2.400 m, công suất khai thác 500.000 lượt hành khách/năm lên thành cảng hàng không quốc nội cấp 4E, đường cất hạ cánh dài 3.050 m, nhà ga hành khách có công suất thiết kế 2 triệu lượt hành khách/năm.
Những thay đổi lớn này không chỉ làm tăng quy mô đầu tư hơn 3 lần (4.812 tỷ đồng), mà còn khiến Dự án Cảng hàng không Phan Thiết phải thực hiện chủ trương đầu tư, khởi nguồn cho những khó khăn, vướng mắc nằm ngoài tầm kiểm soát của nhà nhà đầu tư.
Lãnh đạo UBND tỉnh Bình Thuận cho biết, Hợp đồng BOT Dự án Cảng hàng không Phan Thiết, hạng mục hàng không dân dụng được UBND tỉnh Bình Thuận ký kết với nhà đầu tư – Công ty Rạng Đông từ ngày 20/9/2016. Thời điểm phê duyệt điều chỉnh quy hoạch Cảng hàng không Phan Thiết cấp 4E là năm 2018.
Theo quy định tại khoản 1, Điều 76 về quy định chuyển tiếp của Nghị định số 63/2018/NĐ-CP ngày 4/5/2018 của Chính phủ về đầu tư theo hình thức PPP, có hiệu lực từ ngày 19/6/2018, thì “dự án đã được cấp có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư (bằng văn bản riêng hoặc trong quyết định phê duyệt quy hoạch, kế hoạch), phê duyệt đề xuất dự án, chấp thuận sử dụng phần vốn đầu tư của Nhà nước trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành, thì không phải thực hiện trình tự quyết định chủ trương đầu tư theo quy định của Nghị định này”, mà chỉ tiến hành điều chỉnh Báo cáo Nghiên cứu khả thi dự án.
Sau khi nhà đầu tư hoàn chỉnh hồ sơ điều chỉnh Báo cáo Nghiên cứu khả thi dự án theo ý kiến của các bộ, ngành liên quan, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Thuận có Báo cáo Kết quả thẩm định số 6289/BC-SKHĐT ngày 25/12/2020 trình UBND tỉnh Bình Thuận phê duyệt.
Tuy nhiên, từ đầu năm 2021, Luật PPP có hiệu lực thi hành. Theo quy định tại Khoản 1, Điều 18, Luật PPP, do Dự án điều chỉnh quy hoạch từ sân bay cấp 4C thành cảng hàng không cấp 4E làm thay đổi quy mô đầu tư, tăng tổng mức đầu tư trên 10%, nên phải thực hiện điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án.
Ngày 2/4/2021, UBND tỉnh Bình Thuận có Tờ trình số 1085/TTr-UBND trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định điều chỉnh Báo cáo Nghiên cứu tiền khả thi dự án để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án theo quy định của Luật PPP.
Hồ sơ điều chỉnh chủ trương đầu tư này sau đó đã được Hội đồng Thẩm định liên ngành thẩm định 2 lần và Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có Thông báo số 44/TB-BKHĐT ngày 14/7/2022 thông báo kết luận cuộc họp thẩm định.
Lo ngại phương án tài chính
Tại Thông báo số 44/TB-BKHĐT về kết luận của Hội đồng Thẩm định liên ngành thẩm định điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Cảng hàng không Phan Thiết, hạng mục hàng không dân dụng theo hình thức BOT, có tới 10 nhóm vấn đề mà UBND tỉnh Bình Thuận phải rà soát, giải trình, nhưng phương án tài chính và khả năng huy động vốn của nhà đầu tư được lựa chọn vẫn là những điểm cấn cá nhất.
Theo hồ sơ điều chỉnh của UBND tỉnh Bình Thuận, tổng vốn đầu tư Dự án (cả 2 giai đoạn) là 4.812,789 tỷ đồng, trong đó, vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư là 1.180 tỷ đồng (chiếm 24,6%).
Qua xem xét Báo cáo Tài chính năm 2021 (được kiểm toán) của Công ty Rạng Đông, Hội đồng Thẩm định liên ngành nhận thấy, nguồn vốn chủ sở hữu mà nhà đầu tư này có thể huy động chỉ khoảng 521 tỷ đồng. Bên cạnh đó, nguồn vốn ngắn hạn của Công ty Rạng Đông cũng chủ yếu là phần phải thu và hàng tồn kho.
“Khả năng để có đủ nguồn vốn đối ứng cho Dự án là chưa chắc chắc, đề nghị nhà đầu tư làm rõ thêm”, Thông báo số 44 nêu rõ.
Không chỉ vướng về phần vốn chủ sở hữu, việc huy động vốn tín dụng để thực hiện Dự án BOT Cảng hàng không Phan Thiết cũng được Hội đồng Thẩm định liên ngành yêu cầu làm rõ.
Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), vốn vay từ tổ chức tín dụng để thực hiện Dự án mà nhà đầu tư dự kiến trong giai đoạn I là 2.787 tỷ đồng, thời gian vay vốn 15 năm, trong đó 9 năm đầu khai thác công trình không có khả năng trả nợ.
Tại Công văn 3769/NHNN-TD, NHNN ghi nhận việc Ngân hàng VietinBank đã có Xác nhận cung cấp tài chính số 600-XNCCTC202201 ngày 11/5/2022. Cụ thể, ngân hàng này đồng ý cung cấp tài chính hoặc làm đầu mối cung cấp tài chính cùng các tổ chức tín dụng khác với số tiền tối đa là 2.787 tỷ đồng, song với điều kiện: tại thời điểm cấp tín dụng, Công ty Rạng Đông và khoản tín dụng đáp ứng đầy đủ các điều kiện cấp tín dụng theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, điểm lo ngại mà NHNN đưa ra cảnh báo là thời gian hoàn vốn sau điều chỉnh của Dự án lên tới 44 năm, trong khi nhà đầu tư tư nhân chưa có kinh nghiệm quản lý, khai thác và các yếu tố liên quan đến doanh thu/chi phí khai thác trong thời gian dài rất khó dự báo, dẫn đến rủi ro cho các bên liên quan.
Được biết, tính khả thi về phương án tài chính cũng được Bộ GTVT nêu ra khi góp ý hồ sơ điều chỉnh Dự án BOT Cảng hàng không Phan Thiết.
Ông Lê Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết, theo nội dung tính toán các chỉ tiêu tài chính và kế hoạch trả nợ vay, dòng tiền 9 năm đầu (2025 – 2035) sau khi đưa công trình vào khai thác bị âm. Vì vậy, Bộ GTVT đề nghị UBND tỉnh Bình Thuận cân nhắc thêm các phương án để đảm bảo tính khả thi về tài chính như tăng vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư, tăng phần vốn góp của địa phương hoặc kết hợp cả 2 phương án trên.
Cùng với ý kiến của Hội đồng Thẩm định liên ngành, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Phó thủ tướng Lê Văn Thành tại buổi làm việc với tỉnh Bình Thuận (Thông báo số 289/TB-VPCP ngày 19/9/2022, Thông báo số 298/TB-VPCP ngày 24/9/2022 của Văn phòng Chính phủ), do quy mô Dự án thay đổi lớn, tổng mức đầu tư tăng cao, nên cần xem xét lại việc lựa chọn nhà đầu tư để thực hiện Dự án theo quy mô mới và theo quy định hiện hành.
Bên cạnh đó, do tại thời điểm ký kết hợp đồng, các bên không thể lường trước được sự thay đổi quy hoạch dẫn đến quy mô đầu tư thay đổi lớn, tổng mức đầu tư dự án tăng rất cao, dẫn đến phải thực hiện lại hầu như tất cả các thủ tục đầu tư…
Theo một chuyên gia, việc nhà đầu tư đã thống nhất đề nghị UBND tỉnh Bình Thuận báo cáo cấp có thẩm quyền cho phép chấm dứt hợp đồng trước thời hạn Dự án Cảng hàng không Phan Thiết, hạng mục hàng không dân dụng theo hình thức hợp đồng BOT theo quy định tại điểm đ, khoản 2, Điều 52, Luật PPP là hợp lý, để sớm giải phóng trách nhiệm của các bên trong việc thực hiện Hợp đồng BOT số 2741.
“Vấn đề quan trọng nhất hiện nay là việc sớm triển khai các thủ tục dừng Hợp đồng BOT số 2741 và triển khai lựa chọn nhà đầu tư mới thay thế, nhằm sớm hoàn thành Dự án Cảng hàng không Phan Thiết vào năm 2023 theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ”, vị chuyên gia này đánh giá.
Theo Thông báo số 289/TB-VPCP ngày 19/9/2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu UBND tỉnh Bình Thuận đẩy nhanh tiến độ xây dựng Cảng hàng không Phan Thiết và đầu tư cảng biển du lịch, trong đó lưu ý, nhà đầu tư nhà ga dân dụng sân bay Phan Thiết phải được lựa chọn công khai, minh bạch, đúng quy định, bảo đảm uy tín, năng lực hoàn thành công trình trong năm 2023.
Tiếp đó, tại Thông báo số 298/TB-VPCP ngày 24/9/2022, Phó thủ tướng Lê Văn Thành giao UBND tỉnh Bình Thuận khẩn trương giải trình ý kiến của Hội đồng Thẩm định liên ngành về điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Cảng hàng không Phan Thiết, hạng mục hàng không dân dụng. Đồng thời, rà soát năng lực của nhà đầu tư, trong trường hợp cần thiết, xem xét lựa chọn nhà đầu tư khác có đủ năng lực để thay thế, khởi công Dự án vào đầu năm 2023 để bảo đảm hoàn thành đồng bộ với hạng mục đường cất hạ cánh của Cảng hàng không do Bộ Quốc phòng thực hiện.
Bảo Như – Báo Đầu Tư
Theo Đầu Tư
Ảnh: Mô hình Dự án Cảng hàng không Phan Thiết.
Xem bài viết gốc tại đây:
https://baodautu.vn/du-an-bot-cang-hang-khong-phan-thiet-nguy-co-dut-ganh-giua-duong-d191218.html