Thừa Thiên – Huế hiện có khoảng hơn 9.500 hecta đất nghĩa trang. Đây là con số đặc biệt lớn so với nhiều tỉnh, thành phố khác trong cả nước.
Các chuyên gia về quy hoạch phát triển đô thị khuyến cáo, địa phương cần quy hoạch sắp xếp lại diện tích này để có quỹ đất dành cho không gian phát triển kinh tế – xã hội, đẩy mạnh vận động người dân chuyển dần sang hình thức hỏa táng, chấm dứt việc mai táng tự do.
Dự án chậm tiến độ vì vướng đất nghĩa trang
Dự án tuyến đường bộ ven biển qua tỉnh Thừa Thiên – Huế và cầu qua cửa biển Thuận An được khởi công vào năm 2022. Đây là dự án giao thông lớn nhất khu vực ven biển Thừa Thiên – Huế, được kỳ vọng tạo ra bước nhảy vọt về hạ tầng để phát triển vùng đầm phá, ven biển của tỉnh. Tuy nhiên, dự án này đang có nguy cơ chậm tiến độ do vướng mắc về công tác đền bù, di dời mồ mả của người dân.
Theo Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố Huế, có khoảng 900 ngôi mộ của người dân ở xã Hải Dương và phường Thuận An chưa đồng ý với phương án di dời mà phía chính thành phố đưa ra về giá hỗ trợ đền bù, vị trí di dời.
Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố Huế Bùi Ngọc Chánh cho biết, xã Hải Dương có 600 ngôi mộ bị ảnh hưởng bởi dự án có tới 30 lăng mộ kiến trúc phức tạp, được người dân đầu tư xây dựng lớn, trung bình khoảng 1 tỷ đồng/lăng mộ. Nếu áp giá kịch trần theo quy định của Nhà nước hiện nay chỉ được phép hỗ trợ từ 250 – 300 triệu đồng/lăng mộ, điều này rất khó trong việc vận động các gia đình, dòng tộc đồng ý di dời. Mặt khác, vị trí di dời về nghĩa trang tập trung cách nơi cũ khoảng 25km, không thuận lợi cho việc hương khói, chăm sóc nên người dân chưa đồng ý di dời theo quy hoạch.
Nghĩa địa dày đặc hai bên tuyến đường Ngự Bình, thành phố Huế. Ảnh: Mai Trang/TTXVN
Nhiều năm qua, thành phố Huế loay hoay tìm giải pháp, nguồn lực thực hiện Dự án Công viên Văn hóa Ngự Bình bởi phải giải phóng mặt bằng hơn 38 hecta đất nghĩa trang, với khoảng hơn 176.700 lăng mộ các loại. Theo Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố Huế, dự án này cần khoảng hơn 1.000 tỷ đồng cho công tác giải phóng mặt bằng và gần 56 hecta đất để bố trí di dời các phần mộ trên. Do nguồn lực đầu tư quá lớn, thành phố đang nghiên cứu chia nhỏ theo từng giai đoạn từng bước thực hiện di dời, sắp xếp, cải tạo cảnh quan tại đây.
Huyện Phú Vang có lợi thế sở hữu những bãi biển đẹp và vùng đầm phá rộng lớn để xây dựng khu du lịch nghỉ dưỡng. Tuy nhiên, việc hình thành nhiều nghĩa trang ở vùng ven biển ảnh hưởng đến kêu gọi đầu tư. Hiện nay, tỉnh đã thống nhất danh mục định hướng xúc tiến đầu tư các dự án trên địa bàn huyện với tổng quy mô trên 2.000 hecta. Để thực hiện được những dự án này, ước tính địa phương cần di dời khoảng 110.000 lăng mộ với 107 hecta.
Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Vang Lê Hữu Ngọc cho biết, người dân địa phương không có tập quán cải táng. Từ rất lâu, họ lựa chọn những mảnh đất thuận tiện đi lại, thậm chí ngay trong khuôn viên nhà ở để chôn cất người thân. Cứ thế, các nghĩa địa nhỏ lẻ dần xuất hiện, nằm phân tán xen kẽ trong khu dân cư, đất nông nghiệp, lâm nghiệp. Thực trạng này dần trở thành vấn đề nhức nhối của địa phương trong việc đảm bảo nguồn nước sinh hoạt, ảnh hưởng tới cảnh quan môi trường, kêu gọi đầu tư.
Nhiều nghĩa trang tập trung đang lấp đầy nhanh chóng
Công ty Cổ phần môi trường và công trình đô thị Huế (HEPCO) được giao quản lý hai nghĩa trang nhân dân của tỉnh, với hơn 184 hecta nhưng hiện chỉ còn trên 9 hecta chưa sử dụng. Nghĩa trang nhân dân phía Bắc mở rộng (phường Hương Hồ, thành phố Huế) giai đoạn 2 hiện còn hơn 1 hecta (tương đương khoảng 1.784 ô mộ các loại). Nghĩa trang nhân dân phía Nam mới (xã Thủy Phù, thị xã Hương Thủy) hiện còn trên 8 hecta (tương đương khoảng 12.218 ô mộ các loại).
Huyện Phú Vang (Thừa Thiên – Huế) có gần 2.340 hecta đất nghĩa địa và nhiều trong số đó nằm trên các tuyến đường trọng điểm của huyện. Ảnh: Mai Trang/TTXVN
Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Môi trường và công trình đô thị Huế Lê Vĩnh Thắng cho biết, số lượng mộ an táng, cải táng tại các nghĩa trang do Công ty quản lý là khoảng 7.000 mộ/năm. Tổng số ô mộ còn lại tại hai nghĩa trang này khoảng 14.000 ô mộ. Nghĩa trang nhân dân phía Bắc mở rộng chỉ đáp ứng đến quý III/2023 và Nghĩa trang nhân dân phía Nam chỉ đáp ứng đến cuối năm 2024.
Tại huyện Phú Vang, trung bình mỗi năm cần khoảng 400 lô mộ chôn cất, các nghĩa trang xen ghép tại một số xã ven biển gần như sử dụng hết. Với chủ trương không mở rộng và dự kiến đến năm 2030 đóng cửa các nghĩa trang này, địa phương hướng đến chôn cất người mất tập trung tại các nghĩa trang nhân dân.
Theo Sở Xây dựng, hiện phần lớn các nghĩa trang địa phương trên địa bàn tỉnh là phát triển tự phát, thiếu quy hoạch và quản lý, đang trở thành trở lực trong quá trình phát triển kinh tế – xã hội.
Trước thực tế các nghĩa trang tập trung hết công suất hoạt động, tỉnh Thừa Thiên – Huế đã phê duyệt Nhiệm vụ quy hoạch chi tiết xây dựng Nghĩa trang nhân dân phía Nam (xã Phú Sơn, thị xã Hương Thủy) quy mô 100 hecta, dự kiến bố trí khoảng 150.000 ô mộ các loại; Nghĩa trang nhân dân phía Bắc (phường Hương Hồ, thành phố Huế) quy mô 20 hecta, dự kiến bố trí khoảng 30.000 ô mộ các loại nhằm phục vụ liên huyện trong việc chôn cất, cải táng, di dời mồ mả thực hiện các dự án. Tuy nhiên đến nay tiến độ triển khai xây dựng mở rộng hai nghĩa trang trên diễn ra chậm.
Theo Trưởng Phòng Phát triển đô thị và Hạ tầng kỹ thuật (Sở Xây dựng) Trương Nguyễn Thiện Nhân, chủ trương của tỉnh hiện nay là từng bước di dời các nghĩa trang nhỏ lẻ tự phát vào khu vực nghĩa trang tập trung theo quy hoạch; hạn chế tình trạng kéo dài hệ thống nghĩa địa dọc bờ biển; kêu gọi đầu tư các công viên nghĩa trang có hạ tầng đồng bộ, đảm bảo văn minh và vệ sinh môi trường nhằm đáp ứng quá trình phát triển kinh tế, xã hội cũng như đáp ứng tiêu chí của một đô thị lớn trong tương lai.
Vận động theo hình thức hỏa táng
Theo Sở Xây dựng, nhiều địa phương của tỉnh có diện tích đất nghĩa trang rất lớn như huyện Phú Lộc 1.475 hecta, huyện Phú Vang gần 2.340 hecta, huyện Quảng Điền hơn 1.490 hecta, huyện Phong Điền trên 1.990 hecta. Đặc biệt, ở nhiều địa phương diện tích đất nghĩa trang thậm chí còn lớn hơn đất ở của người dân. Thực tế đó đặt ra bài toán đối với tỉnh trong việc tìm giải pháp tổng thể, căn cơ cho vấn đề này, nhất là kiên trì vận động người dân thay đổi nhận thức, dần chuyển qua hình thức hỏa táng.
Thừa Thiên – Huế đang phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025. Theo quy định, những thành phố lớn phải có tỷ lệ người dân sử dụng hình thức hỏa táng sau khi mất chiếm khoảng 30%. Đây là tiêu chí khó, đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.
Trưởng Phòng Phát triển đô thị và Hạ tầng kỹ thuật Trương Nguyễn Thiện Nhân cho biết, hỏa táng là hình thức mai táng văn minh, tiết kiệm, ngày càng trở nên phổ biến. Về mặt khoa học, hỏa táng đem lại nhiều lợi ích như góp phần giải quyết thực trạng quỹ đất sản xuất ngày càng bị thu hẹp, giảm sức ép cho các nghĩa trang, giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường, dịch bệnh… Tuy nhiên, trên thực tế, về quan niệm nhận thức và tâm linh còn nhiều vấn đề cần tiếp tục phân tích, tuyên truyền, vận động. Một trong những hình thức vận động hiệu quả là có chính sách khuyến khích người dân thay đổi thói quen, tập quán, cách làm vốn đã tồn tại lâu đời trong đời sống xã hội.
Tại Thừa Thiên – Huế, công nghệ hỏa táng mới được áp dụng vào cuối năm 2022 tại cơ sở An Lạc Viên nằm trong khu vực Nghĩa trang nhân dân phía Nam, do Công ty Cổ phần Hợp Lực đầu tư với 2 lò hỏa táng/6 lò theo quy hoạch. Từ khi đi vào hoạt động, cơ sở hỏa táng này mới thực hiện được gần 100 ca, là tỉ lệ rất thấp.
Thừa Thiên – Huế kêu gọi xã hội hóa đầu tư thực hiện các dự án công viên nghĩa trang, trong đó có bố trí quỹ đất xây dựng cơ sở hỏa táng như: Công viên Vườn địa đàng (tại phường Thủy Dương và xã Thủy Bằng, thị xã Hương Thủy) do Công ty Cổ phần Nhật Tiến Huế làm chủ đầu tư quy mô khoảng 26 hecta; Công viên nghĩa trang (ở phường Hương An, thị xã Hương Trà) do Công ty Cổ phần VIF An Lộc làm chủ đầu tư, quy mô khoảng 48 hecta. Tuy nhiên, hiện nay, nhà đầu tư chưa triển khai thủ tục xây dựng cơ sở hỏa táng theo quy hoạch, lý do bởi nhu cầu sử dụng dịch vụ thấp.
Để tăng tỷ lệ người dân lựa chọn hình thức hỏa táng sau khi mất đòi hỏi quá trình tuyên truyền, vận động lâu dài, bền bỉ. Các địa phương cần phát huy vai trò của người đứng đầu họ tộc, Hội Người cao tuổi, tổ chức tôn giáo cũng như có chính sách hỗ trợ khuyến khích sử dụng dịch vụ hỏa táng. Có như vậy, bài toán “quy hoạch đất nghĩa trang” trong quá trình đô thị hóa của Thừa Thiên – Huế mới có thể giải quyết căn cơ.
Đỗ Trưởng – Mai Trang (TTXVN)
Theo Tin tức TTXVN
Ảnh: Dự án Công viên văn hóa Ngự Bình (thành phố Huế) “đứng bánh” vì thiếu nguồn lực giải phóng mặt bằng hơn 38 hecta diện tích đất nghĩa địa, với khoảng hơn 176.700 lăng mộ các loại. Ảnh: Mai Trang/TTXVN
Xem bài viết gốc tại đây: