UBND tỉnh Lâm Đồng yêu cầu xử các trường hợp để bên thứ 3 hoạt động dự án điện năng lượng mặt trời trong các khu công nghiệp Lộc Sơn và Phú Hội.
Ngày 16/5, UBND tỉnh Lâm Đồng yêu cầu Sở Công thương chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Xây dựng căn cứ các quy định hiện hành, xem xét đề nghị của Ban quản lý các Khu công nghiệp tỉnh về các trường hợp để bên thứ 3 hoạt động dự án điện năng lượng mặt trời trong Khu công nghiệp Lộc Sơn.
Sau khi kiểm tra, các cơ quan kể trên đề xuất UBND tỉnh xem xét, xử lý các trường hợp để bên thứ 3 hoạt động dự án điện năng lượng mặt trời trong Khu công nghiệp Lộc Sơn và cả Khu công nghiệp Phú Hội.
Chỉ đạo này của UBND tỉnh diễn ra sau khi tiếp nhận báo cáo số 35/BC-KCN ngày 28/4 về kết quả kiểm tra và đề xuất hướng xử lý các trường hợp để cho bên thứ 3 hoạt động dự án điện năng lượng mặt trời trong Khu công nghiệp Lộc Sơn của Ban quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Lâm Đồng. Đây cũng là vấn đề Báo Đầu tư phản ánh tại loạt bài viết: “Ai dọn rác điện mặt trời?”.
Báo cáo của Ban quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Lâm Đồng cho thấy, tại Khu công nghiệp Lộc Sơn chỉ có 1 doanh nghiệp (Công ty TNHH Atlantic Việt Nam) hoàn thiện đầy đủ các thủ tục pháp lý cho hệ thống điện mặt trời trên mái.
Còn lại, hàng loạt doanh nghiệp đã đầu tư xây dựng nhà xưởng hợp tác, cho các doanh nghiệp khác ngoài khu công nghiệp thuê lại để đầu tư và khai thác.
Đầu tiên là Công ty cổ phần công nghệ Xanh Lộc Châu tại lô CN11 – Khu công nghiệp Lộc Sơn, TP. Bảo Lộc, tỉnh Lâm. Theo Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư lần đầu số 8330811306 ngày 4/7/2018, điều chỉnh lần 3 ngày 25/10/2022 có mục tiêu đầu tư là hình thành nhà máy sản xuất gạch nung theo công nghệ tuynel cải tiến.
Thế nhưng, Công ty cổ Phần công nghệ Xanh Lộc Châu đã hợp tác đầu tư với Công ty cổ phần INCOM Sài Gòn để sản xuất điện trên mái phục vụ cho sản xuất gạch tuynel. Công ty đã thi công lắp đặt hệ thống điện trên mái và đấu nối với Công ty Điện lực Lâm Đồng vào ngày 18/12/2020 với quy mô công suất 999,63 KWP.
Công trình hệ thống điện trên mái đã được thẩm tra kết cấu công trình và thẩm duyệt về phòng cháy chữa cháy (thuộc Công ty cổ phần công nghệ Xanh Lộc Châu) nhưng chưa được cấp phép xây dựng và điểu chỉnh bổ sung mục tiêu hệ thống điện trên mái cho ngành nghề đầu tư. Công ty này đã sử dụng điện mặt trời trên mái trong sản xuất gạch, phần dư hợp tác bán cho Công ty Điện lực Lâm Đồng.
Thứ 2 là Công ty cổ Phần Intimex Bảo Lộc, thực hiện dự án tại địa điển CN 4 – KCN Lộc Sơn, TP. Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng. Theo Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư số 1688553187 ngày 4/12/2012 với mục tiêu xây dựng nhà máy chế biến cà phê xuất khẩu.
Tuy nhiên, Công ty cổ Phần Intimex Bảo Lộc cho thuê lại mái là Công ty TNHH MTV Vĩnh Thịnh (bên thứ 3, doanh nghiệp chưa được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư vào khu công nghiệp) thuê mái nhà xưởng để lắp đặt tấm pin năng lượng tại CN4. Điều này được thể hiện qua hợp đồng thuê mái công trình số 20:002/TM-INTIMEX ngày 1/6/2020 giữa 2 Công ty này, với diện tích lắp đặt tấm pin năng lượng mặt trời khoản 4000m2, quy mô công suất 684 kWp. Hệ thống điện mặt trời trên mái đã được thẩm duyệt thiết kế về PCCC số 52/TD-PCCCPC07 ngày 19/4/2022 cho chủ đầu tư là Công ty TNHH MTV Vĩnh Thịnh.
Hệ thống điện mặt trời trên mái này đã được ký hợp đồng mua bán điện vào ngày 1/12/2020. Hệ thống điện này chưa được cấp phép xây dựng.
Thứ 3 là Công ty cổ phần Vinasolar Bảo Lộc, thực hiện dự án tại địa điển 1 phần CN 6 – Khu công nghiệp Lộc Sơn, TP. Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng. Theo Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư số 4361531112 ngày 11/9/2020, mục tiêu là sản xuất lưới thép và gia công khung kèo thép tiền chế.
Tuy nhiên, Công ty cổ phần Vinasolar Bảo Lộc đã lắp dựng tấm năng lượng trên mái nhà xưởng số 1 thuộc nhà máy cán kéo, định hình kim loại Vinasolar, công suất khai thác 1.148,4 kWp, diện tích tấm năng lượng trên mái khoảng 5.900m2, đã thực hiện đấu nối với Điện lực Lâm Đồng vị trí trạm đấu nối tại lô CN6 ngày 17/11/2020. Hệ thống điện này chưa được cấp phép xây dựng và điểu chỉnh bổ sung mục tiêu hệ thống điện trên mái cho ngành nghề đầu tư.
Công ty cổ phần Vinasolar Bảo Lộc hợp tác Công ty cổ phần JINCA Việt Nam (bên thứ 3, doanh nghiệp chưa được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư vào khu công nghiệp): đã lắp dựng tấm năng lượng trên mái nhà xưởng số 1, một phần mái nhà xưởng số 2, một phần mái nhà kho, mái nhà làm việc, mái nhà để xe, mái nhà phụ trợ thuộc nhà máy cán kéo, định hình kim loại Vinasolar thuộc Công ty cổ phần Vinasolar Bảo Lộc tại CN 6 – KCN Lộc Sơn, công suất khai thác 1.140,5kWp, diện tích tấm năng lượng trên mái khoảng 6.300m2, đã thực hiện đấu nối với Điện lực Lâm Đồng, vị trí trạm đấu nối tại lô CN6 vào ngày 24/12/2020.
Hệ thống điện mặt trời trên mái đã được thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy chữa cháy số 138/TD-PCCC ngày 22/9/2021 cho chủ đầu tư là Công ty cổ phần JINCA Việt Nam. Hệ thống điện này chưa được cấp phép xây dựng. Công ty cổ phần Vinasolar Bảo Lộc hợp tác Công ty cổ phần Resun Việt Nam (bên thứ 3, doanh nghiệp chưa được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư vào khu công nghiệp) lắp dựng tấm năng lượng trên mái nhà xưởng số 2, một phần mái thuộc nhà máy cán kéo, định hình kim loại Vinasolar thuộc Công ty cổ phần Vinasolar Bảo Lộc tại CN 6 – Khu công nghiệp Lộc Sơn, công suất khai thác 1.148,4 kWp, diện tích tấm năng lượng trên mái khoảng 6.000m2, đã thực hiện đấu nối với Điện lực Lâm Đồng, vị trí trạm đấu nối tại lô CN6 vào ngày 17/11/2020.
Hệ thống điện mặt trời trên mái đã được thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy chữa cháy số 137/TD-PCCC ngày 22/9/2021 cho chủ đầu tư là Công ty cổ phần Resun Việt Nam. Hệ thống điện này chưa được cấp phép xây dựng.
Theo Ban quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Lâm Đồng, hiện tại, các hệ thống điện mặt trời trên mái này đã xây dựng, lắp đặt xong toàn bộ các hạng mục của hệ thống, đã được thỏa thuận đấu nối vào lưới điện của Điện lực Lâm Đồng và đã ký hợp đồng mua bán điện với Công ty Điện lực Lâm Đồng.
Tuy vậy, đối với Công ty cổ phần công nghệ Xanh Lộc Châu (đã hợp tác đầu tư với Công ty cổ phần INCOM Sài Gòn để sản xuất điện trên mái phục vụ cho sản xuất gạch tuynel, còn dư thừa bán cho Công ty Điện lực Lâm Đồng), Ban quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Lâm Đồng kiến nghị xem xét “tạo điều kiện” để doanh nghiệp hoàn thiện thủ tục hồ sơ cho hệ thống điện năng lượng mặt trời trên mái theo quy định để phục vụ đúng mục tiêu dự án đầu tư.
Đối với Công ty cổ phần Intimex Bảo Lộc (đã cho Công ty TNHH MTV Vĩnh Thịnh (bên thứ 3) thuê lại mái nhả xưởng đầu tư hệ thống điện năng lượng mặt trời trên mái), Ban quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Lâm Đồng yêu cầu Công ty cổ phần Intimex Bảo Lộc thanh lý hợp đồng cho thuê lại mái nhà xưởng với bên thứ 3; đồng thời tháo gỡ toàn bộ hệ thống điện năng lượng mặt trời trên mái nhà xưởng.
Đối với Công ty cổ phần Vinasolar Bảo Lộc, Ban quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Lâm Đồng cho rằng, Công ty này đã triển khai hệ thống điện trên mái với quy mô lớn (tổng quy mô công suất điện 3.437,3 kWp), trong đó trực tiếp ký hợp đồng bán điện là 1 hợp đồng và hợp tác đầu tư với 2 Công ty khác bán điện cho Công ty Điện lực Lâm Đồng, tức là có tham gia bên thứ 3 trong dự án điện năng lượng mặt trời trên mái; sử dụng diện tích đất công nghiệp nhiều (diện tích tấm năng lượng trên mái chiếm khoảng 18.200m2).
Mặc khác, dự án chậm tiến độ thực hiện theo Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (chậm 8 tháng). Đến thời điểm hiện nay, mục tiêu chính của dự án đầu tư tại khu công nghiệp vẫn chưa thực hiện. Trong khi đó, Công ty đã lắp đặt hoàn thành hệ thống điện năng lượng mặt trời trên mái và đấu nối, hợp đồng mua bán điện từ tháng 12/2020. Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Lâm Đồng đề xuất UBND tỉnh giao cơ quan này rà soát các quy định để xem xét thu hồi dự án đầu tư của Công ty cổ phần Vinasolar Bảo Lộc theo quy định của pháp luật.
Nhiệt Băng – Báo Đầu Tư
Theo Đầu Tư
Ảnh: Tại Khu công nghiệp Lộc Sơn, tỉnh Lâm Đồng có nhiều doanh nghiệp lắp hệ thống điện mặt trời trên mái. Ảnh: P.V
Xem bài viết gốc tại đây: