Hàng loạt nhà nghỉ, khách sạn được xây dựng trên đất thuộc quyền quản lý của các Bộ, ngành, cơ quan Nhà nước tại khu du lịch Đồ Sơn đang xuống cấp nghiêm trọng.
Hoang phí đất công
Không ai phủ nhận rằng tạo hóa ban tặng cho Đồ Sơn có cảnh quan đẹp nhất nhì cả nước. Ít có điểm du lịch nào có sự hòa quyện thiên nhiên rừng – biển đẹp đến vậy. Không phải ngẫu nhiên cả thế kỷ trước người Pháp chọn Đồ Sơn để quy hoạch điểm nghỉ dưỡng biển đầu tiên cả nước.
Thế nhưng một đặc trưng nhất của Đồ Sơn là hệ thống cơ sở lưu trú thuộc hàng… “cổ lỗ sĩ” nhất trong các điểm du lịch cả nước. Không khó để nhận thấy Đồ Sơn là “cái bánh” của thời bao cấp khi mà mỗi bộ, ngành đều “nhận chỗ” 1 khu đất để xây dựng nhà nghỉ, khách sạn. Hệ thống cơ sở lưu trú tại Đồ Sơn hiện xuống cấp. Các nhà nghỉ, khách sạn được xem là lớn ở đây đều thuộc quyền quản lý của các bộ, ngành. Chính vì vậy phòng ốc cũ kỹ, xuống cấp, phong cách phục vụ của đội ngũ nhân viên mang đậm dấu ấn bao cấp, không đáp ứng được nhu cầu nghỉ dưỡng của du khách.
30/4 – 1/5 là dịp được xem là du khách đổ về Đồ Sơn đông nhất năm. Năm nay cũng vậy, dịp này du khách đổ về Đồ Sơn thậm chí cao hơn nhiều so với năm trước. Cụ thể là tăng 222,2% so với cùng kỳ năm 2022 vì Đồ Sơn đã đưa vào hoạt động khu khách sạn 5 sao tại Khu du lịch Đồi Rồng nhưng lượng khách lưu trú cũng chỉ đạt trên 40%.
Khi bãi tắm không còn là thế mạnh vì phù sa thì các điểm tham quan khác ở Đồ Sơn cũng lại hết sức mờ nhạt. Một số ít điểm du lịch tâm linh như: chùa Hang, đền Bà Đế, chùa – tháp Tường Long,… còn thưa thớt du khách mỗi dịp đầu xuân. Còn lại những điểm tham quan di tích như: Dinh Bảo Đại, Bến tàu không số,… thì gần như vắng bóng du khách. Nổi tiếng là casino Đồ Sơn tại khu 3 trước đây cũng hút khá nhiều du khách, nhưng công trình này hiện đang bị hoang phế.
Theo thống kê của UBND quận Đồ Sơn, hiện khu du lịch Đồ Sơn có khoảng 134 cơ sở lưu trú du lịch. Trong số đó, chủ yếu là các cơ sở lưu trú thuộc quản lý của 11 cơ quan, đơn vị thuộc các Bộ, ngành sử dụng đất vào mục đích làm nhà nghiệp dưỡng nghiệp vụ, có kết hợp khai thác kinh doanh, dịch vụ có sở hạ tầng, tổng diện tích là 134.524m2. 15 đơn vị, an ninh quốc phòng sử dụng đất làm nhà điều dưỡng, phục vụ cán bộ ngành và liên kết đầu tư nhà hàng, nhà nghỉ trong khu du lịch Đồ Sơn với diện tích 489.067m2. Tất cả các khu đất của các đơn vị, bộ ngành trên đều được đánh giá là đất vàng, nằm án ngữ ở các vị trí đắc địa tại khu I, II, III ngay sát bờ biển.
Khu đất do Bộ Xây dựng quản lý nằm sát bờ biển tại khu du lịch Đồ Sơn
Cụ thể, khu đất của Bộ Xây dựng (khu I, phường Hải Sơn) rộng 8.555m2. Trên khu đất có 1 khối nhà, gồm 1 dãy nhà 3 tầng và 1 dãy nhà 4 tầng liền nhau, được xây dựng từ năm 1977. Hiện đã xuống cấp nghiêm trọng và bị bỏ hoang nhiều năm.
Trung tâm Hội nghị và Đào tạo cán bộ công đoàn của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng nằm tại khu I, phường Hải Sơn với diện tích 26.250m2. Khu A có 2 khối nhà, gồm 1 dãy nhà 4 tầng và 1 dãy nhà 2 tầng được xây dựng khoảng năm 1982, hiện đã xuống cấp nghiêm trọng, bỏ hoang cây cuối mọc um tùm. Khu B có 1 dãy nhà 2 tầng, trong đó tầng 1 được cho thuê làm nhà hàng bán hải sản, tầng 2 bỏ hoang và đã xuống cấp nghiêm trọng. Toàn bộ khu đất còn lại bị bỏ hoang, không đầu tư, sử dụng từ ngày giao đất đến nay.
Theo ghi nhận, tại khu đất của Văn phòng Thành ủy Hải Phòng cũng tồn tại một công trình mang tên khách sạn Hoa Biển, nhà hàng Vạn Phong, Vạn Vân, Vạn Hoa… nhưng tất cả đều trong tình trạng xập xệ, xuống cấp nghiêm trọng. Thậm chí nhà hàng Vạn Vân còn được căng dây xung quanh để cảnh báo nguy hiểm, không cho người ngoài vào vì ngói, trần nhà rơi từng mảng xuống nền nhà. Nhà hàng Vạn Hoa chỉ để lại 1/10 gian nhà tận dụng làm khu massage, tắm thảo dược, còn lại ngoài hoang hóa thì cũng đã xuống cấp nghiêm trọng.
Tại Khu du lịch Bến Nghiêng (phường Vạn Hương) của Bộ Chỉ huy quân sự TP. Hải Phòng, trong khoảng diện tích chưa đầy 2.000m2 có tới 10 nhà nghỉ, khách sạn… nhưng gần như tất cả đều đã dừng hoạt động và bị bỏ hoang, chỉ còn lại duy nhất 1 nhà nghỉ Thiên Thanh còn hoạt động nhưng cũng chỉ mang tính cầm chừng vào cuối tuần, còn tuyệt nhiên không một bóng người.
Những công trình xuống cấp tại khu vực Bến Nghiêng, Đồ Sơn
Cũng theo thống kê của UBND quận Đồ Sơn, trong số những cơ sở trên có 19 cơ sở kinh doanh không hiệu quả gây lãng phí tài nguyên đất và các dự án, công trình được giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án mà không sử dụng đất hoặc tiến độ đưa đất vào sử dụng chậm thuộc thẩm quyền của TP. Hải Phòng quản lý, tổng diện tích 866.437m2. Trong đó có 7 khu đất do các bộ, ngành quản lý sau khi thoái vốn Nhà nước với diện tích 122.505m2; 8 dự án, công trình được giao đất, thuê đất thực hiện dự án mà không sử dụng đất 12 tháng liên tục với diện tích 16.111m2; 4 dự án, công trình được giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án mà tiến độ đưa đất vào sử dụng chậm 24 tháng theo quy định có diện tích 727.829m2.
Nhà đầu tư đến rồi… lại đi
Từ lâu, đã có không ít nhà đầu tư muốn xây dựng những khách sạn 5 sao ở Đồ Sơn. Thế nhưng, các nhà đầu tư cứ đến rồi lại đi mà không một câu trả lời. Không phải vì Đồ Sơn không có tiềm năng phát triển du lịch, nhưng dường như ở đây được xem là vùng “đất dữ” khi có quá nhiều các đơn vị… giữ đất.
Theo UBND quận Đồ Sơn, hiện các bộ ngành Trung ương vẫn đang sử dụng đất kết hợp với kinh doanh dịch vụ, hoặc cho các hộ gia đình, cá nhân để kinh doanh. Tuy nhiên, do việc đầu tư các công trình đã từ rất lâu, từ thời bao cấp đến nay, lại không được tu sửa thường xuyên nên đã xuống cấp, một số khu đất còn bị bỏ hoang, không được đầu tư, sử dụng từ ngày được giao đất đến nay, gây ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị khu du lịch, không đáp ứng được nhu cầu vui chơi, giải trí của khách du lịch.
Không khó để bắt gặp những công trình hư hỏng, xuống cấp tại Đồ Sơn
Một thực tế éo le ở Đồ Sơn là quỹ đất phát triển du lịch rất ít nhưng các dự án du lịch “chiếm đất” tràn lan. Việc xoay đâu cũng vướng đất của các bộ, ngành Trung ương, điều đó đồng nghĩa với việc Hải Phòng không thể lập quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Đồ Sơn. Do đó, khu du lịch này cũng không thể thu hút được các nhà đầu tư chiến lược, mặc dù trong suốt nhiều năm qua, TP. Hải Phòng đã nỗ lực tìm mọi cách mời gọi các nhà đầu tư.
Do đó, để du lịch Đồ Sơn lấy lại vị trí của mình, UBND quận Đồ Sơn đã nhiều lần đề xuất TP. Hải Phòng, Chính phủ xem xét, chỉ đạo các bộ, ngành chuyển giao các tài sản về thành phố quản lý và có hướng đầu tư, phát triển xây dựng cơ sở hạ tầng phụ vụ du lịch.
Đối với đất do các tổ chức sử dụng còn để hoang hóa, không đưa vào sử dụng, đề nghị UBND TP. Hải Phòng kiểm tra, lập hồ sơ, xử lý vi phạm theo quy định, tiến hành các thủ tục thu hồi đất đối với các dự án chậm đưa đất vào sử dụng, để hoang hóa TP. Hải Phòng cần sớm có quyết sách để quy hoạch lại Đồ Sơn. Không thể để tình trạng “cát cứ đất vàng” rồi để đó; đơn vị nào không có tiềm lực, không có khả năng đầu tư, hoạt động dịch vụ kém hiệu quả nên giao lại phần đất đó cho Nhà nước để Nhà nước bàn giao lại cho TP. Hải Phòng quy hoạch.
Có lẽ, sẽ phải rất lâu và rất khó để cởi bỏ chiếc áo quản lý đất công tại Đồ Sơn theo tư duy “nhận rồi để đó” như những “hòn đá tảng” ghì chặt sự phát triển của Đồ Sơn.
An Nhiên – Báo Công Thương
Theo Công Thương
Ảnh: Những nhà hàng xuống cấp, hoang phế tại Đồ Sơn nằm trong khu đất của Văn phòng Thành ủy Hải Phòng quản lý
Xem bài viết gốc tại đây: