Sau 13 năm, dự án giải tỏa nghĩa trang Bình Hưng Hòa vẫn chưa thực hiện xong do khó tìm thân nhân các ngôi mộ. Do đó, địa phương đang tính đến phương án bốc mộ theo diện vắng chủ.
Đầu tháng 5, bà Kim Anh (58 tuổi, ngụ quận Tân Phú, TP.HCM) cùng 2 con đến nghĩa trang Bình Hưng Hòa (quận Bình Tân) thăm người cha chồng đã khuất, với lỉnh kỉnh bánh trái, hoa và vàng mã.
Ngôi mộ đã được chôn cất hơn 20 năm, là một trong hơn 53.000 ngôi mộ được an táng tại nghĩa trang lớn nhất TP.HCM. Bà Anh đã nghe thông tin giải tỏa nghĩa trang để làm công viên, trường học hơn 10 năm trước và từng nhiều lần nói chuyện với chồng về phương án thủy táng hài cốt của bố hoặc đem hỏa thiêu gửi tro cốt vào chùa, nhưng gia đình chưa đưa ra quyết định cuối cùng.
Trong lần tới viếng mộ này, người phụ nữ bất ngờ khi thấy hàng trăm ngôi mộ ở lối vào khu văn phòng của ban quản lý đã được di dời, một số công nhân đang phá bỏ cổng nghĩa trang.
“Nhà nước tính phương án di dời thế nào thì gia đình làm theo. Tôi mong có phương án hợp lý về nơi an nghỉ của bố tôi sau này để gia đình được yên lòng”, bà Kim Anh cho biết.
Giải tỏa nghĩa trang
Không chỉ nơi an nghỉ của người đã khuất, nằm lọt thỏm giữa nghĩa trang Bình Hưng Hòa còn là một xóm trọ với khoảng hơn 10 hộ dân sinh sống hàng chục năm tại đây. Họ chủ yếu là lao động phổ thông, một số hộ sống bằng nghề buôn bán ve chai, hàng rong hoặc bẫy chim, thú.
Lối đi vào xóm trọ là một con đường đất, 2 bên không có nhà dân, chỉ thấy rải rác mộ phần trên những khu đất trống, hoặc được phủ kín một phần bởi cỏ dại và rác thải. Trẻ em từ xóm trọ vẫn vô tư đạp xe, chơi đá bóng, rượt đuổi trong những khoảng đất trống xen kẽ những ngôi mộ.
“Dạo này nhiều mộ được di dời, chỉ có mộ vô danh mới còn lại nhiều. Ở đây lâu năm, lần đầu tôi chứng kiến cảnh tượng này. Tôi thuê trọ trong khu nghĩa trang, nếu nơi này bị giải tỏa, tôi đành rời qua chỗ khác nhưng chắc giá sẽ cao hơn ở đây”, ông T., một cư dân của xóm trọ nói.
Hơn 300.000 người dân sống xung quanh nghĩa trang Bình Hưng Hòa. Ảnh: Chí Hùng.
Từ năm 2010, TP.HCM có chủ trương giải tỏa nghĩa trang Bình Hưng Hòa để phục vụ cho việc chỉnh trang đô thị, giảm ô nhiễm môi trường. Việc giải tỏa được kỳ vọng sẽ cải thiện môi trường sống cho hơn 300.000 người dân tại các khu vực xung quanh nghĩa trang như phường Bình Hưng Hòa, Bình Hưng Hòa A (quận Bình Tân) và phường Tân Quý, Sơn Kỳ, Phú Thọ Hòa (quận Tân Phú).
Dự án di dời có kinh phí đầu tư lớn, lên đến gần 2.500 tỷ đồng, chia thành 3 giai đoạn. Hiện nay, do còn nhiều khó khăn và vướng mắc nên việc di dời vẫn chưa thực hiện xong.
Trả lời câu hỏi của Zing, đại diện UBND quận Bình Tân cho biết có hơn 53.000 mộ bị ảnh hưởng trong dự án. Tính đến tháng 4, địa phương đã vận động thân nhân bốc hơn 29.000 mộ (đạt 55,2% kế hoạch), còn lại hơn 24.000 mộ chưa bốc.
Địa phương kiến nghị TP.HCM có chủ trương bốc mộ theo diện vắng chủ. Lãnh đạo UBND quận Bình Tân |
Lãnh đạo quận Bình Tân giải thích đặc thù dự án chủ yếu thực hiện công tác bốc mộ di dời, số lượng mộ phải di dời lớn. Dự án gặp khó khi thân nhân các mộ ở nhiều tỉnh thành trong cả nước, một số đã di cư sang nước ngoài nên công tác tìm kiếm thân nhân gặp nhiều khó khăn.
“Quận đã triển khai nhiều biện pháp tuyên truyền như đăng tải thông tin trên báo chí, làm clip phóng sự phát trên các đài truyền hình. Tuy nhiên đến nay vẫn còn mộ không tìm thấy thân nhân”, lãnh đạo quận Bình Tân cho hay.
Thời gian tới, UBND quận Bình Tân sẽ tăng cường công tác tuyên truyền trên các phương tiện đại chúng để tìm thân nhân đến bốc mộ. Bên cạnh đó, địa phương cũng kiến nghị TP.HCM chủ trương bốc mộ theo diện vắng chủ.
Lãnh đạo quận Bình Tân cũng cho biết căn cứ vào tình hình thực tế, quận đang phối hợp với các sở, ngành của TP điều chỉnh quy hoạch nghĩa trang theo hướng để xây dựng các công trình công cộng như công viên cây xanh, trường học.
“Không nên đô thị hóa tới đâu liền di dời mộ chỗ đó”
Trao đổi với Zing, KTS Ngô Viết Nam Sơn cho biết cần có kế hoạch bài bản khi tính đến chuyện giải tỏa nghĩa trang Bình Hưng Hòa. “Phải tìm hiểu được thực trạng ở các nghĩa trang. Ngày xưa, những ngôi mộ thường có giấy mua bán, thậm chí sở hữu vĩnh viễn. Do đó, địa phương cần đưa ra các biện pháp mang tính pháp lý minh bạch, rõ ràng để giải quyết”, ông Sơn nhận định.
Theo vị KTS, dự án nghĩa trang Bình Hưng Hòa có diện tích lớn, được xây dựng lâu năm nên đòi hỏi chính quyền cần có phương án đền bù giải tỏa hợp lý. Đồng thời, địa phương cần chỉ ra được sẽ sử dụng phần diện tích đất vào việc quy hoạch nào trong tương lai.
Chuyên gia cho biết với những ngôi mộ không có giấy tờ, không tìm được thân nhân thì chính quyền nên xây ngôi chùa có tháp cốt, sau đó tiến hành đưa người mất vào trong đó thờ phụng. Ảnh: Chí Hùng.
Ông Sơn cho rằng cần thống kê và tìm được các ngôi mộ có pháp lý để tìm thân nhân, thương lượng phương án di dời. Với những ngôi mộ không có pháp lý, không có giấy tờ, không tìm được thân nhân thì biện pháp tốt nhất là xây một ngôi chùa có tháp cốt bên trong, rồi đưa người mất vào trong tháp cốt, tiến hành thờ phụng.
Theo ông Sơn, một số nơi đang thực hiện giải tỏa nghĩa trang không đúng cách khi vừa giải tỏa xong liền biến nơi đó thành khu đô thị. Bởi đất trong nghĩa trang bị ô nhiễm, muốn đưa vào sử dụng cho mục đích sinh hoạt thì phải xử lý môi trường trước thì mới xây nhà ở được.
Nên quy hoạch nghĩa trang thành công viên, rồi để đó 5-10 năm thì phần đất sẽ tự làm sạch. KTS Ngô Viết Nam Sơn |
Nếu muốn xử lý đất nhanh thì cần dùng hóa chất, tuy nhiên việc này vừa tốn kém, cũng tiềm ẩn nguy cơ xử lý không sạch, gây ảnh hưởng đến người dân. Chuyên gia cho rằng cách đơn giản nhất là quy hoạch nghĩa trang thành công viên, để 5-10 năm thì phần đất sẽ tự làm sạch.
“Tôi cho rằng quy hoạch nghĩa trang thành trường học cũng không hợp lý, nên biến thành công viên sẽ tốt hơn. Việc quy hoạch nghĩa trang đòi hỏi phải có kế hoạch bài bản”, ông Sơn nói.
Vị KTS cũng thiết nghĩ các nhà quản lý đô thị ở Việt Nam cần có kế hoạch xa hơn trong việc quy hoạch nghĩa trang. Bởi ở các địa phương đang có xu hướng đưa nghĩa trang ra ngoại thành, đến khi đô thị hóa ra đến ngoại thành thì lại tiến hành giải tỏa. Điều này về lâu dài sẽ gây ảnh hưởng đến người dân, cũng gây khó khăn cho chính quyền khi lại phải thêm công tác giải tỏa.
Ông Sơn lấy dẫn chứng từ nước ngoài, chuyện xây dựng nghĩa trang được tính đến tồn tại lâu dài, phần đất nghĩa trang cách ly hoàn toàn với khu dân cư. Một số nghĩa trang trở thành điểm văn hóa tâm linh nổi tiếng, điển hình như nghĩa trang Père-Lachaise ở thủ đô Paris (Pháp).
“Trong tương lai có thể thấy thấy rõ quỹ đất dành cho nghĩa trang có hạn, nên khuyến khích việc hỏa thiêu người mất thay cho chôn. Bên cạnh đó, các công trình tháp cốt cao tầng đã có nhiều ở nước ngoài, nhưng ở Việt Nam vẫn chưa thấy”, ông Sơn nói, đồng thời gợi mở có thể tính đến phương án bán chỗ chôn có thời hạn sử dụng nhất định trong nghĩa trang.
Vân Trang – Anh Nhàn – Tạp chí Zing News
Theo Zing News
Xem bài viết gốc tại đây:
https://zingnews.vn/vi-sao-kho-di-doi-53000-ngoi-mo-o-nghia-trang-lon-nhat-tphcm-post1430135.html