Công ty TNHH Thương mại Lê Dũng Linh ở tỉnh Quảng Bình ngang nhiên bạt núi, phá rừng để làm điểm trung chuyển trâu bò vừa bị cơ quan chức năng xử phạt và đề nghị khắc phục hậu quả.
UBND huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình vừa ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH Lê Dũng Linh, địa chỉ ở phường Quảng Thọ, thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình do vi phạm trong lĩnh vực đất đai và buộc công ty này trả lại mặt bằng đã lấn chiếm cho cộng đồng bản Cha Lo, xã Dân Hóa.
Ngoài xử phạt Công ty TNHH Lê Dũng Linh số tiền 30 triệu đồng, UBND huyện Minh Hóa còn yêu cầu doanh nghiệp khắc phục hậu quả, trả lại mặt bằng nhằm đảm bảo việc sử dụng đất đúng mục đích, trả lại hơn 1.600m2 đất đã lấn chiếm cho cộng đồng bản Cha Lo, xã Dân Hóa, huyện Minh Hóa quản lý. Công ty TNHH Lê Dũng Linh phải nghiêm chỉnh chấp hành, nếu quá thời hạn 10 ngày không tự nguyện chấp hành sẽ bị cưỡng chế theo quy định của pháp luật.
Trước đó, Đài TNVN đã phản ánh, tại khu vực khu cách ly, trạm trung chuyển trâu, bò của Công ty TNHH Lê Dũng Linh, doanh nghiệp này đã tự ý san gạt, lấn đất. Phần đất bị lấn thuộc địa phận bản Cha Lo, xã Dân Hóa, huyện Minh Hóa. UBND xã Dân Hóa đã phối hợp Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Cha Lo, Ban Quản lý cửa khẩu quốc tế Cha Lo thuộc Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Quảng Bình, Trạm Kiểm lâm La Trọng tổ chức kiểm tra khu vực này. Đối chiếu các quy định, UBND xã Dân Hóa, huyện Minh Hóa xác định, trong quá trình hoạt động, Công ty TNHH Lê Dũng Linh đã tự ý san gạt, lấn sang khu vực đất xung quanh với diện tích 1.600m2, trong đó có 452m2 thuộc quy hoạch đất rừng sản xuất đã được giao cho cộng đồng dân cư bản Cha Lo quản lý, số diện tích còn lại 1.148m2 nằm ngoài quy hoạch lâm nghiệp để mở rộng khu cách ly, xây dựng trạm trung chuyển trâu, bò tại xã biên giới Dân Hóa.
Ông Phạm Tiến Duật, Phó Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Quảng Bình cho biết: “Xử phạt và phải hoàn trả lại đất để người dân trồng cây. Ban Quản lý Khu kinh tế nắm về quy hoạch chi tiết đã được phê duyệt tại khu vực biên giới. Hiện trạng ở vị trí đó là rừng sản xuất sau đó quy hoạch sang thương mại dịch vụ, còn địa phương tìm hiểu xem phần đất bị lấn là đất giao thông hay là đất trồng rừng. Trước đây, doanh nghiệp này từng xin phép xã để xử lý phần sạt lở ở đó nhưng rồi phải trả lại cho người dân trồng cây, chứ không phải mở rộng ra để đầu tư xây dựng”.
Thanh Hiếu/VOV- Miền Trung
Theo VOV.VN
Ảnh: Doanh nghiệp tự ý san gạt đồi, phá rừng để lấn chiếm đất.
Xem bài viết gốc tại đây: