Hàng vạn người dân ‘khát’ nước sạch

Hàng chục xã ở Hà Nội vẫn đang trong tình trạng thiếu nước sạch, hiện mới có khoảng 85% người dân khu vực nông thôn được tiếp cận nước sạch

Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2025, 100% hộ dân được cung cấp nước sạch. Trong khi ở nội thành, hệ thống nước sạch đã được cấp đến 100% hộ dân thì tại nhiều vùng nông thôn ngoại thành, hàng vạn người dân hiện vẫn chưa được sử dụng nước sạch từ nguồn cấp nước tập trung.

Nhiều xã thiếu nước sạch trầm trọng

Đại diện Sở Xây dựng TP Hà Nội cho biết tính đến hết năm 2022, tổng nguồn nước sạch tập trung cung cấp cho thành phố đạt khoảng 1.530.000 m3/ngày đêm. Con số này đáp ứng được nhu cầu sử dụng nước của 100% dân cư đô thị và hoàn thành phủ mạng cấp nước khu vực nông thôn cho khoảng 27 xã (tăng thêm khoảng 5% với quy mô khoảng 60.000 hộ dân với khoảng 240.000 người so với năm 2021), tại các khu vực: 7 xã huyện Đông Anh, 5 xã huyện Phú Xuyên, 7 xã huyện Chương Mỹ, 3 xã huyện Sóc Sơn, 4 xã huyện Ứng Hòa, 1 xã huyện Ba Vì; nâng tổng số người dân khu vực nông thôn được tiếp cận nước sạch lên khoảng 85%.

Tuy nhiên, hiện Hà Nội còn 149 xã chưa có nước sạch, trong đó 121 xã đã giao nhà đầu tư nhưng chưa thực hiện, 28 xã chưa có nhà đầu tư đề xuất dự án. Việc triển khai các dự án tại những khu vực nông thôn còn gặp khó khăn do chi phí đầu tư lớn, song người dân đấu nối, sử dụng ít nên không bảo đảm cân đối thu – chi. Một số địa phương còn thiếu nước sạch như: Sóc Sơn còn 18 xã, Thạch Thất còn 11 xã, Đông Anh còn 4 xã, Phúc Thọ còn 9 xã, Ba Vì còn 4 xã…

So với các huyện, thị xã khác trên địa bàn Hà Nội, tỉ lệ người dân được sử dụng nước sạch từ nguồn cấp tập trung tại huyện Sóc Sơn là thấp hơn rất nhiều. Tính đến tháng 3-2023, toàn huyện chỉ có khoảng 30% tổng số hộ dân được sử dụng nước sạch từ nguồn cấp nước tập trung. Ông Nguyễn Xuân Thắng, Trưởng Phòng Quản lý đô thị huyện Sóc Sơn, cho biết hiện nay người dân nhiều xã của huyện đang trong tình trạng thiếu nước sạch trầm trọng. Nguyên nhân là do 18 xã, thị trấn chưa được lựa chọn nhà đầu tư cấp nước sạch.

Nâng dần tỉ lệ cấp nước sạch

Đại diện Sở Xây dựng khẳng định trong năm 2023, sở tập trung đôn đốc, chỉ đạo các đơn vị cấp nước đầu tư mạng cấp nước cho khoảng 45 xã tại các huyện, nâng tỉ lệ người dân khu vực nông thôn được tiếp cận nước sạch đạt khoảng 90%.

Ông Lê Văn Du, Phó trưởng Phòng Hạ tầng kỹ thuật Sở Xây dựng TP Hà Nội, cho biết để mở rộng mạng cấp nước cho các địa phương còn lại, hoàn thành mục tiêu đến năm 2025 đưa nước sạch tới 100% địa bàn nông thôn, Sở Xây dựng đã tham mưu UBND thành phố giao Sở Kế hoạch và Đầu tư thu hồi 2 dự án và điều chỉnh 1 dự án. Với các xã chưa kết nối mạng cấp nước, 9 đơn vị đang thực hiện 11 dự án mở rộng mạng cấp nước. Trong đó có 1 dự án do UBND huyện Ba Vì triển khai, cấp nước cho khu vực miền núi các xã: Ba Vì, Khánh Thượng, Minh Quang.

Địa bàn 21 xã còn lại của huyện Ứng Hòa và 26 xã của huyện Mỹ Đức do Công ty CP Nước sạch Hà Nam đầu tư mở rộng mạng cấp nước, kết nối nguồn cấp bổ sung từ tỉnh Hà Nam. 21 xã còn lại của huyện Thường Tín do Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội đầu tư mạng cấp nước, đấu nối bổ sung thay thế nguồn nước ngầm cho các trạm cấp hiện có. 10 xã còn lại của huyện Thanh Oai do Công ty CP Viwaco triển khai, phối hợp với Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Đông khớp nối đồng bộ với hệ thống mạng cấp nước hiện có trong khu vực. Còn 11 xã của huyện Chương Mỹ và 2 xã của huyện Quốc Oai do tiếp giáp, đan xen với hệ thống cấp nước của Công ty CP Môi trường đô thị Xuân Mai đang quản lý, đầu tư nên đơn vị đề xuất điều chỉnh dự án mở rộng vùng cấp nước cho các xã trên.

“Hiện Sở Kế hoạch và Đầu tư đã tiếp nhận hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư dự án, đang thẩm định, trình UBND thành phố phê duyệt theo quy định để các đơn vị mở rộng vùng cấp nước cho khu vực thực hiện” – ông Du cho hay.

Với các khu vực đã giao cho nhà đầu tư, Sở Xây dựng TP Hà Nội sẽ tiếp tục đôn đốc đẩy nhanh tiến độ hoàn thành dự án, nhằm tăng tỉ lệ bao phủ hệ thống mạng cấp nước khu vực nông thôn. Trong giai đoạn 2023-2025, Hà Nội xác định hoàn thành 2 dự án phát triển nguồn nước sạch, gồm: Dự án Nhà máy Nước mặt sông Hồng (công suất 300.000 m3/ngày đêm) và dự án Nhà máy Nước mặt sông Đà giai đoạn 2, nâng công suất từ 300.000 m3/ngày đêm lên 600.000 m3/ngày đêm. Đồng thời, thành phố triển khai hệ thống cấp nước Xuân Mai, dự án nâng công suất Nhà máy Nước Bắc Thăng Long – Vân Trì và nghiên cứu dự án đầu tư nâng công suất Nhà máy Nước mặt sông Đuống.

Tại huyện Sóc Sơn, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết trong số 18 xã chưa được cấp nước sạch của huyện này, thành phố đã chỉ đạo cấp nước sớm trong năm 2023 cho 11 xã, 7 xã còn lại sẽ phải đấu thầu rồi mới tổ chức thi công nên sẽ cần thêm thời gian để nước sạch đến được với người dân.

Sẽ tăng giá nước sạch

Sở Xây dựng TP Hà Nội cho biết giá nước sạch được thành phố áp dụng 10 năm nay vẫn chưa được điều chỉnh đang là vướng mắc lớn nhất khiến nhiều nhà đầu tư bỏ cuộc, chậm triển khai các dự án cấp nước sạch…. Đây cũng là nguyên nhân khiến kế hoạch phủ mạng cấp nước tới khu vực nông thôn không đạt mục tiêu giai đoạn 2016-2020.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho rằng từ năm 2013 đến nay tiền nước không tăng. Nhiều doanh nghiệp không mặn mà với đầu tư nước sạch. Do đó sắp tới, thành phố sẽ tính toán lại giá nước sạch, trong đó ưu tiên về giá 10 m3 đầu tiên, đặc biệt là cho người nghèo. Các trường hợp khác dùng nhiều nước sạch thì phải trả giá cao hơn.

Đông Hồ – Báo NLĐ

Theo Người Lao Động

Ảnh: Nhà máy nước mặt sông Hồng được đầu tư gần 3.700 tỉ đồng, liên tục chậm tiến độ, chưa hẹn ngày hoạt động. Ảnh: HỮU HƯNG

Xem bài viết gốc tại đây:

https://nld.com.vn/ha-noi/hang-van-nguoi-dan-khat-nuoc-sach-20230504204736297.htm