Khu định cư bỏ hoang và ước vọng lên bờ của dân vạn chài sông Lam

Hàng chục năm nay, dự án khu định cư mẫu Khe Mừ (huyện Thanh Chương, Nghệ An) vẫn án binh bất động. Còn đối với hàng chục hộ dân vạn chài, ước muốn lên bờ, ổn định cuộc sống vẫn đang rất xa vời.

Nhếch nhác khu tái định cư mẫu

Tháng 12/2009, UBND tỉnh Nghệ An có quyết định phê duyệt tiểu dự án “Xây dựng mẫu các khu định cư cho hộ dân vạn chài trên sông Lam và vùng đặc biệt khó khăn huyện Thanh Chương”. Dự án do Chi cục Phát triển nông thôn (Sở NN&PTNT Nghệ An) làm chủ đầu tư với nguồn vốn gần 80 tỷ đồng, từ ngân sách Trung ương và tỉnh hỗ trợ hàng năm.

Với mục tiêu xây dựng 2 khu định cư tại Khe Mừ (xã Thanh Thủy) và Triều Dương (xã Thanh Lâm), dự án này sẽ đưa 165 hộ dân dân vạn chài lên sống, ổn định sản xuất và sinh hoạt, nâng cao đời sống, góp phần xóa đói giảm nghèo.

Tuy nhiên, sau hơn chục năm, khu tái định cư Khe Mừ vẫn dở dang. Năm 2020, dự án này tiếp tục được bố trí khoảng 5 tỷ đồng để sửa sang lại nhà văn hóa, đường, điện… nhưng vẫn án binh bất động.

Hình ảnh hoang hóa ở khu tái định cư Khe Mừ.

Hình ảnh hoang hóa ở khu tái định cư Khe Mừ.

Mặc dù hệ thống đường, điện đã hoàn thành nhưng khu vực nhà văn hóa, điểm trường học… ở Khe Mừ trở thành nơi phóng uế của gia súc, cây cối mọc um tùm xung quanh khu vực.

Còn tại khu tái định cư Triều Dương, tuy đã có nhiều hộ dân vào sinh sống nhưng khu vực nhà văn hóa, điểm trường học lại bị bỏ hoang, vô cùng lãng phí. Một số kính cánh cửa bị đập vỡ nát, tung tóe, cảnh tượng vô cùng nhếch nhác.

Hình ảnh nhếch nhác, hư hỏng tại khu tái định cư Triều Dương

Hình ảnh nhếch nhác, hư hỏng tại khu tái định cư Triều Dương

Tái lấn chiếm để trồng cây

Điều đáng nói, tại khu tái định cư Khe Mừ, trong thời gian qua nhiều hộ dân đã tái lấn chiếm đất dự án để trồng keo, đào bới mương hào…

Các hộ dân dùng máy xúc để đào mương hào, hố trồng cây ở khu tái định cư Khe Mừ.

Các hộ dân dùng máy xúc để đào mương hào, hố trồng cây ở khu tái định cư Khe Mừ.

Báo cáo của UBND xã Thanh Thủy cho biết, qua rà soát có 8 hộ gia đình đã tái lấn chiếm đất của dự án làng chài để trồng keo. Địa phương đã yêu cầu các hộ dừng ngay việc tái lấn chiếm.

Ông Trình Văn Nhã, Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương thông tin, theo báo cáo của chủ đầu, các hạng mục đã hoàn thành (như điện, đường, nhà văn hóa… ). Nhưng đang vướng chưa thể bàn giao được vì chia đất sản xuất cho các hộ dân.

Những chiếc lều tạm bợ, không che nổi nắng mưa.

Những chiếc lều tạm bợ, không che nổi nắng mưa.

“Đối với các hộ tái lấn chiếm để trồng cây, UBND huyện đã chỉ đạo chính quyền địa phương nhanh chóng kiểm tra, xử lý”, ông Nhã thông tin.

Chi cục trưởng Chi cục PTNT Nghệ An Lê Văn Lương cho hay: “Dự án đã thi công xong các hạng mục theo thiết kế phê duyệt và được các sở, ngành chấp thuận công tác nghiệm thu hoàn thành. Hiện tại, chi cục đang phối hợp với UBND huyện Thanh Chương tiến hành hoàn thiện các thủ tục để bàn giao, đưa vào sử dụng”.

Theo thông tin từ UBND huyện Thanh Chương, năm 2020, đã rà soát và có 105 hộ đủ điều kiện được tái định cư tại Khe Mừ. Tuy nhiên, đến thời điểm này (tháng 4/2023 – PV) vẫn chưa có hộ dân nào được vào ở. Còn tại khu tái định cư Triều Dương, từ năm 2015 – 2019 đã tiến hành di dời theo kế hoạch 43 hộ, tuy nhiên sau khi nhận đất, nhiều gia đình “cửa đóng then cài” để đi làm ăn xa, chỉ còn khoảng 20 hộ sinh sống.

Ước vọng an cư

Đã hàng chục năm trôi qua, nhiều hộ dân vạn chài tại xóm Chi Phú, xã Thanh Chi (huyện Thanh Chương) vẫn tạm trú dọc bờ đê sông Lam để sống, mưu sinh qua ngày.

Mong mỏi của người dân sớm được tái định cư, ổn định cuộc sống.

Mong mỏi của người dân sớm được tái định cư, ổn định cuộc sống.

Một số hộ dân ở thôn Minh Đức (xã Võ Liệt) đã xây dựng nhà kiên cố dọc bờ sông.

Một số hộ dân ở thôn Minh Đức (xã Võ Liệt) đã xây dựng nhà kiên cố dọc bờ sông.

Ông Nguyễn Viết Hậu (SN 1968) cho hay: “Các hộ dân chúng tôi thuộc diện được tái định cư vào Khe Mừ, qua một số lần chính quyền địa phương khảo sát và có tổ chức vào đó tham quan, nhưng đến nay dự án vẫn “nằm im””.

Sống hàng chục năm trên sông nước, 4 người con của vợ chồng ông Nguyễn Viết Minh (SN 1952) và Nguyễn Thị Loan (SN 1954) đã lập gia đình, ổn định cuộc sống ở nơi khác. Hiện tại ông, bà sinh sống trong chiếc lều tạm bên bờ đê sông Lam, vô cùng chật chội.

“Giờ tuổi đã cao, không chài lưới trên sông được nên chỉ phụ thuộc vào con cái. Người dân chúng tôi được biết, đường, điện, nhà văn hóa… trong khu tái định cư đã làm xong nhưng không hiểu sao vẫn chưa được vào ở”, ông Minh chia sẻ.

Vợ chồng ông Minh, bà Loan hàng chục năm trời vẫn chưa được tái định cư.

Vợ chồng ông Minh, bà Loan hàng chục năm trời vẫn chưa được tái định cư.

Anh Nguyễn Viết Hậu cho biết, phải dựng lều tạm để thuận lợi cho con cái học hành.

Anh Nguyễn Viết Hậu cho biết, phải dựng lều tạm để thuận lợi cho con cái học hành.

Bà Nguyễn Thị Hà (SN 1968, trú thị trấn Thanh Chương) có 3 con trai, 2 người đã lập gia đình. Nhiều năm qua, mấy mẹ con, bà cháu phải sống ở căn nhà dựng tạm dọc bờ sông.

“Gia đình đã đăng ký để vào khu tái định cư từ rất lâu rồi nhưng đến nay vẫn chưa thấy động tĩnh gì. Cuộc sống chài lưới, làm thuê mưu sinh trên sông nước vất vả đủ bề”, bà Hà bộc bạch.

Cuộc sống của người dân vạn chài cứ trôi theo từng con nước.

Cuộc sống của người dân vạn chài cứ trôi theo từng con nước.

Do chờ đợi quá lâu nên các hộ dân vạn chài đã xây dựng nhà ở gần bờ sông Lam, một số ít đã mua đất nơi khác để ở.

Nhiều hộ vạn chài ở huyện Thanh Chương vẫn đang hàng ngày chài lưới, mưu sinh, cái nghèo vẫn cứ đeo bám mãi. Với họ, ước muốn để lên bờ định cư, ổn định cuộc sống, đổi đời vẫn đang rất xa vời.

Việt Hòa – Báo VietnamNet

Theo VietnamNet

Ảnh: Các hộ vạn chài dựng nhà, lều tạm trú bên dòng Lam (huyện Thanh Chương).

Xem bài viết gốc tại đây:

https://vietnamnet.vn/khu-dinh-cu-bo-hoang-va-uoc-vong-len-bo-cua-dan-van-chai-song-lam-2132624.html