Gần 1 năm sau trận lũ quét kinh hoàng xảy ra tại xã Tà Cạ và thị trấn Mường Xén, huyện biên giới Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An, hàng chục hộ dân mất nhà cửa hoàn toàn vẫn sống trong cảnh vất vưởng, bất an. Đáng nói là sắp đến mùa mưa, nhưng nhiều hộ vẫn phải ‘đánh đu’ trong những ngôi nhà tạm, ngay vùng tâm lũ vừa đi qua.
Chúng tôi trở lại tâm lũ Tà Cạ, chứng kiến những vết tích vẫn còn nguyên vẹn. Dòng suối Huồi Giảng cạn trơ, nhấp nhô những khối đá, cây cối ngổn ngang. Những ngôi nhà đổ xập, đất đá vùi lấp quá nửa, phía trên là những dãy núi lộ rõ vết nứt kéo dài. Ngồi bên ngôi nhà mới được dựng tạm, bà Lô Thị Tâm vẫn chưa hết bàng hoàng khi nhớ lại trận lũ kinh hoàng ập đến, san lấp 3 ngôi nhà của mẹ con bà và hàng chục nhà dân. Thế nhưng, điều bất an hơn cả với bà là mùa mưa sắp đến mà chưa biết ở đâu.
“Đi họp họ nói phải đi không cho ở đây nữa, từ 2-6 tháng có nơi thì đi, nhưng mãi đến giờ vẫn chưa có, mọi khi không có nhà ở, đi ở trọ, giáp tết không biết sao thì bảo con về sửa lại nhà để ở”, bà Tâm nói.
Bà Tâm có 2 người con mất đi nhà cửa do lũ quét, đang phải đi ở nhờ nhà trường. Không có sự lựa chọn, bà cũng như hàng chục hộ dân khác đang phải “đánh đu” với “tử thần” bên dòng suối Huồi Giảng. Điều đáng nói là hiện nay, phía trên đỉnh núi khu vực tâm lũ này xuất hiện nhiều vết nứt lớn, nguy cơ trôi trượt xuống nhà dân bất kỳ lúc nào. Thế nhưng, đi đâu, đi thế nào, đang là bài toán với người dân khi đã tay trắng sau lũ quét.
Bà Lô Thị Tâm bất an nhưng vẫn phải dựng nhà tạm sinh sống ở vùng tâm lũ
“Nhà nước nói xây khu tái định cư nhưng đến giờ chưa thấy, chưa biết ở mô, đi mô. Nhà em ở đây tạm cho qua tết, vì đợt đó là cuối năm. Mùa mưa sắp đến rồi, nhà em cũng lo chứ, nhưng đi mô thì chưa thấy nhà nước nói chi”.
“Họ nói di dời nhưng chưa làm, chưa biết khi mô đi. Bửa tết là không có nơi ở phải đi ở trọ. Giờ ở tạm lại, nhưng mưa quá, nước về thì phải đến nhà anh em ở”, người dân nói.
Cảnh tượng ngổn ngang giữa vùng lũ
Còn nhớ ngay khi lũ xảy ra, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung đã tức tốc có mặt ở vùng lũ để thăm hỏi, chỉ đạo công tác cứu hộ, khắc phục mưa lũ. Vì sự an nguy của người dân, ông chỉ đạo đơn vị chức năng, chính quyền địa phương phải rà soát các khu vực dân cư, nơi có nguy cơ sạt lở, lũ ống, lũ quét để kịp thời di dời dân cư và tính toán những vị trí để quy hoạch tái định cư cho người dân. Thế nhưng, đến thời điểm này việc thực hiện tái định cư vẫn đang trong giai đoạn làm thủ tục.
Người dân biết ở đây nguy hiểm nhưng họ không có sự lựa chọn tốt hơn
Trao đổi với phóng viên VOV, ông Thò Bá Rê, Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn khẳng định, mùa mưa đang đến rất gần, rất cần 1 quyết sách đúng theo tinh thần khẩn cấp: “Hiện đang xúc tiến làm khu tái định cư. Lúc đầu huyện xác định khoảng 6-9 tháng thì xong khu tái định cư, nhưng triển khai thì đến bây giờ phụ thuộc vào văn bản các ngành thẩm định. Tại thời điểm này chưa thể khẳng định lúc nào làm được vì huyện không quyết định được thời gian”.
Những ngôi nhà bên dòng suối sẽ rất nguy hiểm khi mùa mưa đang đến gần
Theo chính quyền địa phương hàng trăm hộ dân bị hư hỏng, mất nhà, giờ đang đi ở trọ và đánh đu tại vùng lũ vừa đi qua
Mặc dù người dân không được phép tiếp tục sinh sống ở vùng tâm lũ bản Hòa Sơn, thế nhưng sau trận lũ quét năm 2022, hàng trăm hộ dân bị hư hỏng nhà cửa, hàng chục hộ dân mất nhà hoàn toàn, giờ không biết đi đâu. Mùa mưa năm 2023 đang đến gần, chính quyền, ngành chức năng tỉnh Nghệ An cần có quyết sách kịp thời, theo đúng tinh thần cấp bách, để người dân không bị “bỏ quên”.
Sỹ Đức/VOV1
Theo VOV.VN
Ảnh: Vùng tâm lũ Kỳ Sơn sau gần 1 năm vẫn hoàng tàn đổ nát
Xem bài viết gốc tại đây:
https://vov.vn/xa-hoi/nguoi-dan-nghe-an-bat-an-dung-nha-sinh-song-giua-tam-lu-post1014062.vov