6 nhóm giải pháp tháo gỡ khó cho phát triển nhà ở xã hội

Hệ thống pháp luật về nhà ở xã hội về cơ bản đã được ban hành tương đối đầy đủ, nhiều sự đổi mới có tính đột phá để thúc đẩy việc phát triển nhà ở xã hội trên cả nước.

Nghị quyết về thí điểm một số chính sách nhằm đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội và nhà lưu trú công nhân khu công nghiệp, có hiệu lực đến khi Luật Nhà ở (sửa đổi) được thông qua và có hiệu lực (dự kiến ngày 1/7/2024).

Hiện nay, Bộ Xây dựng đang đề xuất xây dựng Nghị quyết với 6 nhóm chính sách lớn, cần thí điểm. Cụ thể,

Một là, chính sách về đất đai để xây dựng nhà ở xã hội.

Hai là, chính sách lựa chọn chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội.

Ba là, chính sách về quyền và ưu đãi chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội.

Bốn là, chính sách về xác định giá bán, giá cho thuê, giá cho thuê mua nhà ở xã hội không phải do Nhà nước đầu tư xây dựng.

Năm là, chính sách về đối tượng và điều kiện được thụ hưởng chính sách nhà ở xã hội.

Sáu là, chính sách về phát triển nhà lưu trú công nhân khu công nghiệp.

Trên cơ sở đó, Bộ Xây dựng đề nghị Chính phủ chấp thuận cho phép cơ quan này nghiên cứu xây dựng hồ sơ, dự thảo Nghị quyết của Quốc hội theo trình tự, thủ tục rút gọn, thông qua tại kỳ họp Quốc hội gần nhất.

Thực hiện các chủ trương của Đảng về chính sách nhà ở xã hội, nhiều văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách liên quan đến phát triển nhà ở xã hội đã được Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ ngành, địa phương ban hành.

Đến nay, hệ thống pháp luật về nhà ở xã hội về cơ bản đã được ban hành tương đối đầy đủ, nhiều sự đổi mới có tính đột phá để thúc đẩy việc phát triển nhà ở xã hội, đặc biệt là các cơ chế chính sách ưu đãi hỗ trợ cho việc phát triển nhà ở xã hội để giải quyết nhu cầu bức thiết về nhà ở của các đối tượng chính sách xã hội, bao gồm đối tượng là người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị.

Tính đến nay, sau gần 13 năm triển khai thực hiện chính sách nhà ở xã hội, các chính sách nhà ở xã hội đã được ban hành tại Luật Nhà ở năm 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành còn một số bất cập, vướng mắc ngay trong quy định và trong triển khai thực hiện.

Do vậy, việc xây dựng Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số chính sách đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội và nhà lưu trú công nhân khu công nghiệp là cần thiết để tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về nhà ở; đẩy mạnh nguồn cung nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp khu vực đô thị, nhà ở cho công nhân khu công nghiệp gắn với việc thực hiện Đề án Đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030.

Đồng thời, góp phần tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, giúp thị trường phát triển ổn định, lành mạnh hơn.

Nhiều vướng mắc cần tháo gỡ

Theo quy định, dự án nhà ở thương mại tại các đô thị từ loại III trở lên phải dành 20% quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội, dẫn đến hầu hết các địa phương không bố trí quỹ đất để phát triển dự án nhà ở xã hội độc lập.

Tuy nhiên, Bộ Xây dựng cho rằng quy định này dẫn đến việc bố trí quỹ đất không phù hợp với chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của địa phương; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; quy hoạch đô thị… dẫn đến quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội trong thời gian qua thiếu nhiều so với nhu cầu và không tạo sự chủ động cho địa phương.

Bên cạnh đó, việc các dự án nhà ở xã hội phải dành tối thiểu 20% diện tích nhà ở để cho thuê và chủ đầu tư chỉ được bán sau 5 năm đưa vào sử dụng, trên thực tế có nhiều dự án không cho thuê được phần diện tích này, dẫn đến tình trạng các căn hộ để cho thuê này để không, lãng phí.

Các ưu đãi cho chủ đầu tư như miễn tiền sử dụng đất, giảm 50% thuế, được dành 20% tổng diện tích đất ở (hoặc diện tích sàn xây dựng) để kinh doanh nhà ở thương mại (hoặc sàn kinh doanh thương mại), được vay vốn với lãi suất ưu đãi… không thực chất vì chủ đầu tư không được hưởng, mà là người dân được hưởng do theo quy định không được tính các khoản ưu đãi của Nhà nước vào giá bán, giá cho thuê, giá cho thuê mua nhà ở xã hội.

Theo Bộ Xây dựng, hiện nay tại các khu vực đô thị cả nước có hơn 1,7 triệu người khó khăn về nhà ở và 1,7 triệu công dân có nhu cầu ổn định chỗ ở. Từ nay đến năm 2030, cả nước cần 2,4 triệu căn nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.

Qua tính toán, đề án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, tổng số căn hộ các địa phương hoàn thành khoảng 1.062.200 căn. Trong đó, giai đoạn 2021-2025 sẽ hoàn thành khoảng 428.000 căn; trong giai đoạn tiếp theo từ năm 2025-2030, hoàn thành khoảng 634.200 căn.

Tại cuộc họp về Đề án Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà khẳng định Đảng, Nhà nước, Chính phủ rất quan tâm đến vấn đề nhà ở cho người dân. Hiến pháp năm 2013 quy định về “quyền có nơi ở hợp pháp”, “quyền sở hữu về nhà ở” của người dân và “Nhà nước có chính sách phát triển nhà ở tạo điều kiện để mọi người có chỗ ở”. Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều cuộc họp, đặc biệt với các địa phương, doanh nghiệp có nhu cầu nhà ở cho công nhân, doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà ở xã hội.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh việc thực hiện Đề án không chỉ gói gọn ở con số 1 triệu căn nhà ở xã hội, vì hiện nay còn hàng chục triệu người có nhu cầu về nhà ở. Mục tiêu dài hạn, tổng thể của Đề án là phải nâng cao thứ hạng của Việt Nam trong bảo đảm quyền tiếp cận nhà ở của người dân. Trong từng giai đoạn, cần đề ra mục tiêu cụ thể như xây ký túc xá cho sinh viên, nhà ở xã hội cho công nhân khu công nghiệp, nhà ở cho nhóm người yếu thế… Từ đó, đưa ra các giải pháp, chính sách, phân bổ nguồn lực ưu tiên, phù hợp.

Lan Anh – Tạp chí KTMT

Theo Kinh tế Môi trường

Ảnh: Đề án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, tổng số căn hộ các địa phương hoàn thành khoảng 1.062.200 căn.

Xem bài viết gốc tại đây:

https://kinhtemoitruong.vn/6-nhom-giai-phap-thao-go-kho-cho-phat-trien-nha-o-xa-hoi-76723.html