Vật liệu làm cao tốc: Lúng túng cấp phép khai thác mỏ đặc thù

Cấp phép khai thác giúp nhà thầu cao tốc Bắc – Nam chủ động, song vướng nhất việc thu hồi mặt bằng mỏ vật liệu chưa có hướng dẫn cụ thể.

Ngăn nguy cơ trục lợi vật liệu làm cao tốc

Cấp phép khai thác mỏ vật liệu trực tiếp là giải pháp đột phá giúp nhà thầu chủ động, cao tốc Bắc – Nam cũng tránh phát sinh tổng mức đầu tư.

Tuy nhiên, quá trình cụ thể hóa cơ chế này vẫn còn nút thắt khiến các địa phương loay hoay.

Lượng lớn vật liệu trông chờ mỏ mới

Ba tháng kể từ ngày khởi công gói thầu đầu tiên (XL1), Ban điều hành dự án cao tốc Bắc – Nam đoạn Quảng Ngãi – Hoài Nhơn vẫn cấp tập luân phiên nhau cùng chủ đầu tư “gõ cửa” cơ quan chức năng địa phương để hoàn thiện thủ tục xin cấp phép các mỏ vật liệu đất đắp theo cơ chế đặc thù.

Đại diện Ban điều hành cho biết, gói thầu cần khoảng hơn 5.000.000m3 đất đắp và khoảng 300.000m3 cát. Để đáp ứng tiến độ, nhà thầu sẽ phải huy động khối lượng đất đắp từ các mỏ thương mại gần 1.000.000m3.

Khoảng hơn 3.700.000m3 sẽ được lấy từ các mỏ vật liệu chỉ định, cấp phép cho nhà thầu khai thác trực tiếp.

Trên cơ sở đề xuất của chủ đầu tư và nhà thầu, hiện Quảng Ngãi đã cấp chủ trương cho nhà thầu khảo sát, lập hồ sơ được 6 mỏ đất. Hồ sơ của 3/6 mỏ đã được nhà thầu nộp vào hệ thống một cửa của Sở TN&MT tỉnh Quảng Ngãi.

Theo đại diện Công ty CP đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả, quá trình tìm nguồn vật liệu và thủ tục cấp phép mỏ chỉ định gặp một số khó khăn nhất định. Trong đó, các mỏ thương mại trữ lượng còn lại rất thấp.

Trong thời gian chờ cấp mỏ theo cơ chế đặc thù, nhà thầu dự kiến huy động khối lượng vật liệu từ mỏ thương mại, điều phối từ nền đào sang nền đắp.

Yêu cầu đặt ra đến tháng 12/2024, phải hoàn thành thi công nền đường, đòi hỏi chậm nhất đến tháng 5/2023, nguồn đất từ các mỏ đặc thù phải được khơi thông.

Chia sẻ rõ hơn, đại diện Ban QLDA 2 (chủ đầu tư dự án đoạn Quảng Ngãi – Hoài Nhơn) cho biết, theo tính toán, nhu cầu đất phục vụ thi công dự án khoảng 11.500.000m3. Riêng gói thầu XL1 cần 5.400.000m3.

Khảo sát cho thấy, tổng công suất khai thác của các mỏ đất thương mại tại địa phương chưa đến 4.000.000m3. Do đó, nguồn đất từ các mỏ cấp theo cơ chế đặc thù đóng vai trò quyết định đến tiến độ dự án.

Tại đoạn Vạn Ninh – Cam Lộ, đại diện ban điều hành cho biết, tổng nhu cầu đất đắp cho dự án là gần 6.000.000m3.

Khối lượng đất dự kiến sẽ được lấy từ các mỏ cấp theo cơ chế đặc thù cho nhà thầu tại gói thầu XL1 khoảng 1.200.000m3; gói thầu XL2 cần thêm khoảng 1.100.000m3. Trong khi theo tiến độ chi tiết đăng ký, tháng 6/2024, công tác thi công nền phải hoàn thành.

Thông tin về tình hình tại dự án Vạn Ninh – Cam Lộ, đại diện Ban QLDA đường Hồ Chí Minh cho biết, tỉnh Quảng Bình đã chấp thuận 9 mỏ có trữ lượng 4.200.000m3, tỉnh Quảng Trị đã chấp thuận 8 mỏ có trữ lượng 7.540.000m3.

Số lượng như vậy là đáp ứng yêu cầu. Thời điểm hiện tại, nhà thầu, chủ đầu tư đã trình hồ sơ khai thác 4/9 mỏ đất lên Sở TN&MT địa phương.

Loay hoay thủ tục giải phóng mặt bằng

Rốt ráo phối hợp với chủ đầu tư, nhà thầu trong khơi thông nguồn vật liệu, song về công tác xây dựng khung giá đền bù mỏ vật liệu chỉ định, ông Nguyễn Đức Trung, Q.Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Quảng Ngãi nhận định, khó khăn nhất là việc thu hồi mặt bằng mỏ vật liệu vẫn chưa có cơ sở, hướng dẫn cụ thể.

Tìm hiểu của PV, vướng mắc tỉnh Quảng Ngãi đang gặp phải cũng là nút thắt tại hầu hết các địa phương có 12 dự án thành phần đi qua hiện nay.

Một lãnh đạo Cục Quản lý đầu tư xây dựng, Bộ GTVT cho biết, triển khai Nghị quyết số 18 của Chính phủ, Bộ TN&MT đã có văn bản số 1411 ngày 18/3/2022, hướng dẫn các địa phương về hồ sơ, thủ tục đăng ký khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường.

Tuy nhiên, các địa phương vẫn lúng túng trong việc triển khai do chưa rõ thủ tục thu hồi đất đối với các mỏ hay nhà thầu sử dụng đất thông qua hình thức nhận chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng đất.

Tiếp tục tháo gỡ vướng mắc trên, Bộ TN&MT đã chủ trì làm việc với Bộ GTVT và có Thông báo số 167 ngày 25/11/2022, trong đó nêu rõ: Đối với các khu mỏ đất khai thác làm vật liệu xây dựng thông thường phục vụ dự án thuộc các hạng mục của Dự án được phê duyệt theo quy định thì thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất theo quy định tại Khoản 1 Điều 62 Luật Đất đai, các địa phương sẽ tổ chức thực hiện thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo quy định, kinh phí được sử dụng từ nguồn kinh phí giải phóng mặt bằng của dự án.

“Mặc dù vậy các địa phương vẫn chưa rõ, các mỏ đất khai thác làm vật liệu xây dựng thông thường có thuộc hạng mục của dự án hay không”, vị này cho hay.

Trực tiếp tham gia nhiều buổi làm việc GPMB mỏ vật liệu, theo đại diện Tổng công ty Tư vấn thiết kế GTVT – TEDI, nếu theo định hướng của Bộ TN&MT, tổng mức đầu tư dự án cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2 sẽ vượt lên rất lớn khi phát sinh chi phí bồi thường cho cả diện tích khai thác mỏ và diện tích GPMB làm đường công vụ tiếp cận mỏ. Việc này có thể phải xin ý kiến của Quốc hội, phát sinh thời gian, tiến độ dự án khó đảm bảo.

“Trường hợp sử dụng vốn ngân sách địa phương, các tỉnh, thành có dự án đi qua cũng chưa đồng ý do các vị trí mỏ nằm ở khu đồi núi, không theo đúng quy hoạch, không phục vụ lợi ích của địa phương”, vị này tiết lộ.

Chia sẻ thêm, Q.Giám đốc Sở TN&MT Quảng Ngãi Nguyễn Đức Trung khẳng định, thủ tục cấp phép đối với mỏ chỉ định không có gì khó do tỉnh Quảng Ngãi đã thí điểm một số mỏ từ năm 2022.

Mặc dù vậy, để có cơ sở triển khai, đẩy nhanh tiến độ, đơn vị thi công được chỉ định mỏ phải gửi hồ sơ về Sở TN&MT và có đề nghị hướng dẫn, hỗ trợ hoàn tất hồ sơ.

“Việc cấp phép sẽ được tinh giản một số thủ tục nhưng phải có hồ sơ. Sở TN&MT Quảng Ngãi sẽ hỗ trợ tối đa nhà thầu, rút ngắn 1/2 thời gian về cấp phép mỏ phục vụ thi công cao tốc so với quy định chung khi các vướng mắc hiện nay được khơi thông”, ông Trung khẳng định.

Địa phương cố gắng bố trí mỏ vật liệu

Ông Nguyễn Văn Thành, Trưởng phòng Khoáng sản (Sở TN&MT tỉnh Hà Tĩnh) cho biết, theo báo cáo từ chủ đầu tư, nguồn vật liệu thi công 3 dự án thành phần qua Hà Tĩnh gồm hơn 2.000.000m3 đá xây dựng, hơn 1.000.000m3 cát và hơn 11.000.000m3 đất đắp.

Căn cứ nhu cầu trên, tỉnh đã có văn bản thống nhất nguồn vật liệu phục vụ dự án với tổng số 42 khu vực mỏ khoáng sản.

Trong đó, có 28 mỏ đã được cấp giấy phép khai thác khoáng sản hoặc đã đấu giá thành công quyền khai thác khoáng sản.

Theo đề xuất của Ban QLDA Thăng Long, sẽ có 5 mỏ phục vụ đất đắp được cấp phép cho các nhà thầu khai thác trực tiếp.

Tại Bình Định, phục vụ dự án thành phần Quảng Ngãi – Hoài Nhơn, qua giới thiệu của địa phương, chủ đầu tư đã khảo sát 21 mỏ đất đắp, trữ lượng khoảng 23.100.000m3, cơ bản đáp ứng yêu cầu. Riêng 25 mỏ đá, trữ lượng khoảng 47.800.000m3, cơ bản đáp ứng đủ như đề nghị của chủ đầu tư.

Ngoài ra, có 31 mỏ cát đã được cấp phép đang khai thác, tuy nhiên, so với nhu cầu như đề nghị của các chủ đầu tư còn thiếu 800.000m3.

Tại khu vực ĐBSCL, UBND tỉnh Hậu Giang cho biết, tỉnh có mỏ cát san lấp trên lòng sông Hậu với chiều dài qua địa bàn tỉnh khoảng 8km. Địa phương đã cấp 5 giấy phép với tổng trữ lượng khai thác hơn 2.000.000m3, đã khai thác khoảng 200.000m3. Khối lượng còn có thể khai thác khoảng 2.500.000m3.

Tại Quảng Ngãi, nơi triển khai thi công dự án cao tốc Quảng Ngãi – Hoài Nhơn, nhu cầu đất đắp cần khoảng hơn 12.000.000m3, cát cần khoảng hơn 1.100.000m3 và đá khoảng 7.000.000m3. Tỉnh đã đưa vào quy hoạch 26 mỏ đất đắp với trữ lượng khoảng 12.000.000m3, 7 mỏ cát với trữ lượng khoảng 2.400.000m3 và đá là 10 mỏ với trữ lượng khoảng 35.000.000m3.

Nhóm phóng viên – Báo Giao Thông

Theo Giao Thông

Ảnh: Một lượng lớn vật liệu đất đắp thi công cao tốc Bắc – Nam vẫn trông chờ vào các mỏ cấp theo cơ chế đặc thù để đảm bảo tiến độ (Trong ảnh: Thi công dự án đoạn Vạn Ninh – Cam Lộ). Ảnh: Duy Lợi

Xem bài viết gốc tại đây:

https://www.baogiaothong.vn/vat-lieu-lam-cao-toc-lung-tung-cap-phep-khai-thac-mo-dac-thu-d586423.html