Thị xã Cửa Lò (Nghệ An) vừa ‘chốt’ phương án quản lý hoạt động xe điện phục vụ du lịch.
Tuy nhiên, trước phương án mới, toàn bộ xe điện ở đây có nguy cơ biến thành “sắt vụn” vì không đủ điều kiện hoạt động.
Chính quyền gấp gáp vì quy định cũ
Nhằm đáp ứng nhu cầu vận chuyển khách tham quan du lịch, từ năm 2011 – 2015, UBND TX Cửa Lò (Nghệ An) đã trình xin UBND tỉnh Nghệ An và Thủ tướng Chính phủ cho chủ trương thí điểm quản lý hoạt động xe điện 4 bánh phục vụ khách du lịch.
Sau thời gian thí điểm, từ năm 2016 đến nay, TX Cửa Lò được UBND tỉnh Nghệ An đồng ý cho phép xây dựng quy chế quản lý xe điện từng năm một, với số lượng xe hoạt động là 558 xe (tập trung chủ yếu ở phường Nghi Thủy với 400 xe).
Cuối tháng 12/2022, các chủ xe điện ở Cửa Lò bỗng nhận được thông báo phương án quản lý xe điện mới từ chính quyền địa phương. Trong đó, yêu cầu các chủ xe điện phải đăng ký, đăng kiểm đảm bảo theo Thông tư 86/2014 của Bộ GTVT và Thông tư 58/2020 của Bộ Công an về việc quy trình cấp, thu hồi đăng ký, biển số phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.
Trong phương án này, UBND TX Cửa Lò cho rằng, hiện nay một số xe điện đã cũ, xuống cấp do thời gian hoạt động quá lâu, không đảm bảo an toàn và mỹ quan.
Vẫn còn tình trạng xe điện dừng, đỗ sai quy định, lái xe không mặc đồng phục, không đeo thẻ, chèo kéo khách, nâng giá cước… Trong khi đó, trước mùa du lịch, các chủ xe đều được địa phương tổ chức tập huấn và phổ biến quy định hoạt động.
Với hạ tầng giao thông và bãi đỗ xe điện hiện có, TX Cửa Lò dự kiến chỉ bố trí tối đa được phép hoạt động 300 xe/ngày. Các xe hoạt động phải đủ điều kiện đăng ký, đăng kiểm theo quy định.
Sau khi tiến hành rà soát, Cửa Lò dự tính chỉ có khoảng 171/558 xe có thể đăng ký, đăng kiểm. Số còn lại 387 xe không đủ điều kiện về giấy tờ nên chính quyền địa phương sẽ yêu cầu mua xe mới nếu người dân có nhu cầu.
Ông Phùng Minh Hồng (trú tại khối Đoàn Kết, phường Nghi Thủy) cho biết, trước năm 2016, người dân mua xe điện để kinh doanh thông qua 2 doanh nghiệp tư nhân quản lý, khai thác. Tuy nhiên, do hoạt động xe điện thời điểm này còn chưa đồng bộ, xảy ra nhiều bất cập nên sau đó được bàn giao về UBND TX Cửa Lò trực tiếp quản lý.
Tuy nhiên, sau khi về địa phương quản lý, ông Hồng cũng như nhiều chủ xe khác không được công ty trả lại giấy tờ như đăng ký, đăng kiểm liên quan đến xe. Theo ông Hồng, nhiều gia đình phải vay mượn ngân hàng để mua xe điện với giá trị cao (từ 150 – 200 triệu đồng/xe).
Ngoài ra, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, trong 2 năm đã làm gián đoạn hoạt động du lịch biển Cửa Lò, các hộ dân rất khó khăn nếu phải bố trí một khoản tiền lớn để mua xe mới, giao động từ 200 – 350 triệu đồng/xe đủ điều kiện đăng kiểm.
“Hiện nay, phía thị xã đưa ra yêu cầu phải đăng ký, đăng kiểm mới được hoạt động, trong khi mùa du lịch đang đến gần, nhiều chủ xe sẽ không kịp xoay xở”, ông Hồng than thở.
Ông Hoàng Văn Tuấn (trú tại phường Nghi Thủy, TX Cửa Lò) cho rằng, từ nay đến mùa du lịch chỉ còn hơn 2 tuần nữa, chính quyền địa phương và cơ quan chức năng nên tạo điều kiện cho người dân đăng ký, đăng kiểm xe bị thất lạc giấy tờ và có lộ trình cụ thể để chủ xe thay thế xe mới.
Theo ông Tuấn, vì xe điện không có giấy tờ nên khó bán lại, nếu bán lại giá cũng rất rẻ vì loại xe này chỉ được hoạt động ở những khu du lịch, không được lưu thông trên đường phố. Trong khi đó, hầu hết các gia đình này đều xem xe điện là kế sinh nhai, nguồn thu nhập quan trọng để nuôi con cái ăn học.
Mùa du lịch vắng bóng xe điện
Nhiều chủ xe đang rất lo lắng và mong muốn TX Cửa Lò có phương án giãn thời gian để người dân tìm lại hồ sơ để đi đăng ký, đăng kiểm hoặc mua xe mới.
Gần đây nhất, ngày 23/3, UBND TX Cửa Lò có Công văn số 444/UBND-ĐT do Chủ tịch Doãn Tiến Dũng ký, hướng dẫn lộ trình thực hiện công tác quản lý hoạt động xe điện trên địa bàn.
Theo đó, TX Cửa Lò yêu cầu “Dừng hoạt động đối với xe không đủ điều kiện (chưa đăng ký, đăng kiểm theo quy định) trên các tuyến đường bắt đầu kể từ ngày 20/4”.
Trước đó, tại các buổi tiếp công dân, trả lời đơn thư của người dân, ông Dũng cũng cho ý kiến với những xe điện 4 bánh không đủ các giấy tờ theo quy định thì không có cơ sở để cơ quan chức năng, đơn vị liên quan thực hiện việc đăng ký, đăng kiểm.
Trường hợp nếu 558 xe điện không đủ điều kiện đăng ký, đăng kiểm có nhu cầu mua xe mới thì sẽ liên doanh, góp vốn 2 hộ gia đình mua 1 xe mới, tổng số xe hoạt động không quá 300 xe.
Trao đổi với Báo GD&TĐ, ông Hoàng Minh Thọ, Phó phòng Quản lý đô thị TX Cửa Lò cho biết, từ năm 2016 đến nay, trên địa bàn có 558 xe không được đăng kiểm theo quy định, nhưng vẫn chạy trên các tuyến đường. Mỗi năm, các chủ xe điện đóng thuế hơn 3 triệu đồng/xe.
Hàng năm, TX Cửa Lò đều xin phép UBND tỉnh Nghệ An cho phép xe điện hoạt động. Tuy nhiên, năm 2023 này Cửa Lò quyết định “chốt” phương án quản lý hoạt động xe điện nhằm đảm bảo an toàn, đi vào nền nếp, phù hợp với điều kiện hạ tầng kỹ thuật và tạo sự phát triển cho du lịch.
Theo ông Thọ, vừa qua đơn vị cùng người dân chọn ra 7 xe điện “đẹp nhất” trong số 171 xe có đủ giấy tờ, hồ sơ đưa đi đăng kiểm nhưng không xe nào đạt yêu cầu.
Liên quan đến việc, vì sao đã có các thông tư, hướng dẫn của Bộ GTVT và Bộ Công an từ lâu nhưng đến nay mới yêu cầu các chủ phương tiện xe điện đăng ký, đăng kiểm? Ông Thọ giải thích, do từ trước đến nay xe điện ở Cửa Lò đang hoạt động “thí điểm”, dẫn đến lượng xe điện tăng nhanh. Ngoài ra, do vướng 2 năm ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 nên địa phương chưa triển khai phương án quản lý.
Dẫu biết việc đưa hoạt động vận tải xe điện vào “khuôn khổ” là việc nên làm từ lâu, nhưng mùa du lịch đang cận kề, nếu toàn bộ gần 600 xe điện ở Cửa Lò dừng hoạt động sẽ gây ảnh hưởng đến hoạt động du lịch cũng như ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng trăm hộ dân.
Phạm Tâm – Báo GD&TĐ
Theo Giáo dục & Thời đại
Ảnh: Hoạt động xe điện tại Cửa Lò đã có từ lâu nhưng đến nay chính quyền địa phương mới yêu cầu chủ xe đăng ký, đăng kiểm.
Xem bài viết gốc tại đây:
https://giaoducthoidai.vn/xe-dien-du-lich-tai-cua-lo-nguy-co-bien-thanh-sat-vun-post632320.html