Chủ tịch UBND thành phố giao chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã rà soát, đánh giá chất lượng, xem xét sớm đầu tư mới các nhà vệ sinh công cộng…
UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Công văn số 752 về tăng cường công tác quản lý, duy trì và đầu tư xây dựng các nhà vệ sinh công cộng trên địa bàn thành phố.
Theo đó qua phản ánh của các cơ quan thông tấn, báo chí, số lượng nhà vệ sinh công cộng trên địa bàn các quận còn thiếu, nhiều nhà vệ sinh công cộng có dấu hiệu xuống cấp, hư hỏng, không thể sử dụng, chất lượng công tác duy trì, vận hành chưa được bảo đảm…, xảy ra không ít phiền toái và bức xúc cho người dân, khách du lịch.
Để khắc phục tình trạng nói trên, Chủ tịch UBND thành phố giao chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã, trước hết là các quận nội đô và các huyện chuẩn bị chuyển thành quận: Chỉ đạo kiểm tra, rà soát, đánh giá chất lượng và kịp thời chỉnh trang, duy tu, duy trì các nhà vệ sinh công cộng hiện có trên địa bàn theo phân cấp quản lý; Đề xuất phương án quản lý, duy tu, duy trì bảo đảm hiệu quả, vệ sinh môi trường, văn minh đô thị; Rà soát, xem xét sớm đầu tư mới các nhà vệ sinh công cộng tại các khu vực cần thiết trên địa bàn bảo đảm hiệu quả, thân thiện môi trường, đúng quy định.
Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Sở: Xây dựng, Quy hoạch – Kiến trúc, Kế hoạch và Đầu tư, Văn hóa và Thể thao và các đơn vị có liên quan thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn UBND các quận, huyện, thị xã thực hiện tốt công tác duy tu, duy trì, quản lý các nhà vệ sinh công cộng hiện có, lắp đặt các nhà vệ sinh lưu động phục vụ các dịp lễ, Tết, các sự kiện chính trị, văn hóa diễn ra trên địa bàn; Đầu tư mới các nhà vệ sinh công cộng bảo đảm các tiêu chuẩn về vệ sinh môi trường thân thiện, cảnh quan đô thị; Tổng hợp các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, tham mưu đề xuất, báo cáo UBND thành phố xem xét, chỉ đạo.
Sở Thông tin và Truyền thông, các cơ quan báo, đài, truyền thông trên địa bàn thành phố phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã và các sở, ngành của thành phố có liên quan thực hiện thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân và khách du lịch trong việc sử dụng, các nhà vệ sinh công cộng, bảo đảm vệ sinh môi trường và tạo lập nếp sống văn minh đô thị.
Sở Tài chính chủ trì hướng dẫn, bố trí, sử dụng kinh phí cần thiết cho công tác duy tu, duy trì, quản lý các nhà vệ sinh công cộng trên địa bàn bảo đảm đúng quy định, hiệu quả, tiết kiệm.
Các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Quy hoạch – Kiến trúc, Xây dựng, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các quận, huyện, thị xã trong việc nghiên cứu triển khai đầu tư xây dựng mới các nhà vệ sinh công cộng đáp ứng nhu cầu sử dụng của nhân dân và khách du lịch.
Trước đó vào năm 2016, UBND TP Hà Nội đã thông qua đề xuất dự án tài trợ hệ thống 1.000 nhà vệ sinh công cộng, 10 xe bồn chuyên dụng, 50 cây lọc nước công cộng uống trực tiếp, 200 ghế gang đúc phục vụ công ích cho thành phố của Công ty CP TM và Truyền thông Vinasing.
Nhà vệ sinh công cộng được giới thiệu với trang thiết bị nhập khẩu, hiện đại: đèn điện sử dụng công nghệ cảm ứng với thời gian chờ 30 giây và tự động bật khi đến gần, hệ thống thông gió thông minh… Chi phí cho 1 nhà vệ sinh dự kiến khoảng gần 200 triệu đồng.
Để đảm bảo kinh phí hoàn thành mục tiêu xây lắp 1.000 nhà vệ sinh công cộng và cây lọc nước, ghế gang; đồng thời thực hiện công tác duy tu, duy trì, vận hành trong suốt quá trình hoạt động của các nhà vệ sinh công cộng, tạo dựng môi trường sống tốt nhất cho người dân Thủ đô, UBND TP Hà Nội đồng ý cho Vinasing được quyền khai thác quảng cáo trên tất cả các cầu vượt bộ hành và cầu vượt cơ giới tại địa bàn thành phố Hà Nội trong thời gian 10 năm.
Trần Hoàng – Báo Tiền Phong
Theo Tiền Phong
Ảnh: Một nhà vệ sinh công cộng trên địa bàn quận Hoàng Mai được đầu tư theo hình thức xã hội hóa
Xem bài viết gốc tại đây: