Dự án treo, chậm tiến độ gây lãng phí tài nguyên đất, thất thu ngân sách, kinh tế xã hội bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Thực hiện Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Chính phủ đã ban hành Nghị quyết về Kế hoạch tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Theo các chuyên gia, trong Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) có rất nhiều nội dung cần góp ý để hoàn thiện. Trong đó, vấn đề xử lý các dự án chậm triển khai, dự án treo đang được dư luận rất quan tâm. Bởi lâu nay, các dự án treo, chậm triển khai đang gây lãng phí nguồn lực từ đất đai, thất thu thuế, hưởng lớn tới kinh tế xã hội và đời sống dân sinh.
Nhắc tới dự án treo không thể không nhắc tới con số hơn 400 dự án treo ở Thủ đô Hà Nội. Trong đó, có những dự án treo hàng thập kỷ.
Ảnh minh họa.
Theo Báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường TP.Hà Nội, những quận, huyện có số dự án chậm tiến độ nhiều nhất là Hoài Đức (51 dự án), Mê Linh (47 dự án), Nam Từ Liêm (48 dự án), Hoàng Mai (25 dự án)…
Số dự án treo lớn cũng có nghĩa là hàng triệu người dân Thủ đô đang bị ảnh hưởng tới đời sống kinh tế, tới chất lượng cuộc sống. Các doanh nghiệp có năng lực mất đi cơ hội để phát triển, đóng góp cho sự nghiệp chung của đất nước. Trong khi đó, Nhà nước cũng không thu được các khoản thuế phí, lệ phí, tiền sử dụng đất từ những dự án này.
Tại Hà Nội, quỹ đất để phát triển hạ tầng phúc lợi rất hạn chế. Trong khi đó, diện tích đất hoang hóa từ các dự án treo lên đến hàng chục nghìn ha. Lãng phí tài nguyên đất, thất thu ngân sách, kinh tế xã hội bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Đây là những hệ lụy rõ nét nhất của các dự án treo lâu năm.
Theo quy định, đối với dự án đã được giao đất, sau 24 tháng nếu chủ đầu tư không triển khai thì cơ quan quản lý nhà nước sẽ thu hồi hoặc phải gia hạn với một số điều kiện kèm theo. Thế nhưng, trên thực tế, nhiều chủ đầu tư, sau thời hạn này vẫn “ôm” đất trong nhiều năm tiếp theo mà không triển khai bất cứ hạng mục nào.
Nhiều hệ lụy
Để có góc nhìn thực tế hơn về vấn đề này, phóng viên Báo Giáo dục và Thời đại đã khảo sát một số dự án treo lâu năm tại Hà Nội.
Dự án Khu đô thị sinh thái Đồng Mai (phường Đồng Mai, Yên Nghĩa, Hà Đông, TP.Hà Nội) do công ty CP Đầu tư Phát triển Phong Phú làm chủ đầu tư có diện tích lên đến 225 ha.
Dự án Khu đô thị sinh thái Đồng Mai treo 15 năm.
Dự án này từng được kỳ vọng là khu đô thị hiện đại làm thay đổi diện mạo phía tây thành phố, được định hướng phát triển theo hướng sinh thái, với hệ thống nhiều cây xanh và mật độ xây dựng chỉ vào khoảng 30%. Thế nhưng đã 15 năm kể từ khi được phê duyệt, dự án vẫn chỉ là bãi đất cỏ mọc um tùm, heo hút.
Một siêu dự án khác cũng bị “treo” 15 năm là Dự án Khu đô thị Sudico Tiến Xuân chủ đầu tư là Công ty CP Đầu tư Phát triển Đô thị và Khu công nghiệp Sông Đà (Sudico).
Dự án Khu đô thị Sudico Tiến Xuân có diện tích 1.200ha, quy mô vốn đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng, ý tưởng là tổ hợp khu đô thị sinh thái đáng sống với đầy đủ trung tâm thương mại, biệt thự, chung cư cao cấp…
Dự án Khu đô thị Sudico Tiến Xuân sau hơn 15 năm vẫn là những cánh đồng mênh mông.
Dự án này được tỉnh Hòa Bình giao cho chủ đầu tư từ năm 2008, trước khi được giáp nhập về 2 huyện là Thạch Thất, Quốc Oai (TP.Hà Nội). Thế nhưng, cho tới nay đã hơn 15 năm trôi qua, dự án Khu đô thị Sudico Tiến Xuân vẫn chỉ nằm trên giấy.
Dự án “đắp chiếu”, không triển khai cũng không thu hồi đã khiến hàng nghìn hộ dân nằm trong vùng quy hoạch phải khốn đốn vì không thể xây dựng, tu sửa nhà ở và vay vốn sản xuất.
Không những bị bỏ hoang, một số dự án treo còn bị một số cá nhân, tổ chức tự ý xây dựng nhiều hạng mục công trình, kinh doanh không phép. Điển hình như Dự án Khu đô thị hỗ trợ – Khu công nghiệp (KCN) Sài Đồng B tại phường Thạch Bàn, quận Long Biên (Hà Nội) do Công ty Cổ phần bất động sản Hanel – Himlam (nay là Công ty Thạch Bàn) làm chủ đầu tư.
Dự án Khu đô thị hỗ trợ – Khu công nghiệp (KCN) Sài Đồng B biến thành sân bóng, bãi giữ xe trái phép.
Dự án có tổng diện tích lập quy hoạch khoảng 37,13 ha, nằm trong định hướng Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26/7/2011.
Đây là dự án vốn ngoài ngân sách thuộc thẩm quyền UBND TP. Hà Nội phê duyệt, đã được chấp thuận chủ trương đầu tư từ năm 2018. Theo quy hoạch, Dự án có quy mô lớn hứa hẹn sẽ tạo bộ mặt mỹ quan đô thị đẹp cho quận Long Biên.
Tuy nhiên, cho đến nay đã 5 năm trôi qua, Dự án vẫn chưa hoàn thành thủ tục pháp lý. Toàn bộ diện tích 37ha vẫn bỏ hoang nhưng đã bị làm bãi giữ xe, sân bóng, cửa hàng kinh doanh cây cảnh trái phép, gây mất mỹ quan đô thị…
Sáng 8/3, UBND TP.Hà Nội đã họp rà soát đánh giá 60 dự án chậm triển khai trên địa bàn huyện Mê Linh, lấy ý kiến các sở, ban, ngành và trong thời gian tới sẽ ra quyết định thu hồi hơn 1.000 ha của 15/60 dự án chậm triển khai. Mê Linh là huyện có nhiều dự án vốn ngoài ngân sách nhưng có tới 60 dự án chậm tiến độ trên 10 năm, chiếm 10% số dự án chậm triển khai của Hà Nội. Theo Sở Tài nguyên và Môi trường TP.Hà Nội, thời gian tới sẽ tiếp tục rà soát, xử lý, bổ sung danh sách để đăng công khai, minh bạch thông tin đối với các dự án chậm tiến độ, vi phạm theo quy định. |
Ngọc Hải – Báo GD&TĐ
Theo Giáo dục & Thời đại
Xem bài viết gốc tại đây:
https://giaoducthoidai.vn/nhieu-he-luy-tu-nhung-du-an-treo-cham-tien-do-tai-ha-noi-post631022.html