Ngày 17.3, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung TP Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2045.
Trong đó, quan điểm của Chính phủ đối với quy hoạch tổng thể điều chỉnh TP Đà Lạt và vùng phụ cận phải đặt trong mối quan hệ không gian vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, vùng duyên hải Nam Trung bộ và vùng Tây Nguyên.
Việc điều chỉnh quy hoạch phải dựa trên cơ sở kế thừa có chọn lọc Đồ án Quy hoạch chung TP Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 704/QĐ-TTg ngày 12.5.2014, các đồ án quy hoạch đã phê duyệt.
Đồng thời, cập nhật các định hướng phát triển mới của quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Lâm Đồng; quy hoạch tỉnh Lâm Đồng; định hướng phát triển kinh tế – xã hội địa phương theo các Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp giai đoạn 2021 – 2025; các dự án phát triển giao thông kết nối vùng TP Đà Lạt với các đô thị vệ tinh và vùng phụ cận với vùng duyên hải, vùng Nam Trung Bộ dự kiến đầu tư trong thời gian tới để tạo động lực phát triển đô thị, khu chức năng và vùng nông thôn; các dự án an toàn cấp nước như hồ chứa nước thượng nguồn ĐanKia, hồ Ta Hoét…
Bên cạnh đó là mở rộng phạm vi không gian đô thị TP Đà Lạt sang các khu vực lân cận và các đô thị vệ tinh theo hướng nghiên cứu, đề xuất các ý tưởng khoa học, hiện đại tạo sự đột phá đối với việc phát triển mở rộng phạm vi không gian đô thị; chuyển dần các khu sản xuất nông nghiệp thuần túy, các khu sản xuất nông nghiệp hiệu quả thấp sang các khu sản xuất nông nghiệp kết hợp với du lịch, dịch vụ và một số khu chức năng đô thị có giá trị sử dụng đất hiệu quả.
Đối với những khu sản xuất đất nông nghiệp chưa hiệu quả, hiệu quả thấp, thuần túy về nông nghiệp chuyển sang dạng kết hợp và cũng chuyển một phần sang dịch vụ và các hoạt động khác hiệu quả cao hơn tránh tình trạng chuyển đổi mạnh đất nông nghiệp. TP Đà Lạt và vùng phụ cận nói riêng, tỉnh Lâm Đồng nói chung giữa dịch vụ du lịch và nông nghiệp gắn bó rất chặt chẽ, có sự hài hòa trong định hướng, có giải pháp và hiệu quả hợp lý hơn.
TP Đà Lạt sẽ được tính toán mở rộng theo hướng từ cao trình 850m trở lên với tổng diện tích tự nhiên khoảng 335.930 ha.
Quy hoạch mở rộng theo cao trình từ 850m trở lên
Theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, phạm vi ranh giới lập quy hoạch Đà Lạt và vùng phụ cận là toàn bộ địa giới hành chính thành phố và các huyện Lạc Dương, Đơn Dương, Đức Trọng và một phần huyện Lâm Hà (gồm thị trấn Nam Ban và các xã Mê Linh, Đông Thanh, Gia Lâm, Nam Hà) với cao trình 850 m trở lên. Tổng diện tích tự nhiên khoảng 335.930 ha.
Phạm vi nghiên cứu vùng bán kính ảnh hưởng của TP Đà Lạt và vùng phụ cận, bao gồm: TP Đà Lạt, các huyện Lạc Dương, Đơn Dương, Đức Trọng, Lâm Hà và Đam Rông với cao trình 850 m trở lên. Phạm vi nghiên cứu mở rộng gồm vùng TP Hồ Chí Minh, vùng duyên hải Nam Trung Bộ, vùng Tây Nguyên và vùng tỉnh Lâm Đồng. Thời hạn quy hoạch đến năm 2045.
Về mục tiêu và quan điểm lập điều chỉnh quy hoạch sẽ kế thừa, tiếp tục triển khai thực hiện các định hướng cơ bản, các nội dung của quy hoạch chung hiện hành vẫn còn phù hợp. Khai thác hiệu quả điều kiện tự nhiên, hệ sinh thái đặc trưng của TP Đà Lạt để phát triển thành phố hiện đại, có bản sắc, tạo sức hấp dẫn của đô thị, từng bước nâng cao chất lượng đô thị. Phát triển hài hòa giữa kinh tế với văn hóa – xã hội, bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu; hướng tới sự đồng bộ giữa xây dựng mới và cải tạo, chỉnh trang đô thị.
Làm cơ sở để chính quyền địa phương và các tổ chức, đơn vị triển khai quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết các khu vực, lập các dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn TP Đà Lạt và vùng phụ cận theo quy định và là công cụ pháp lý để chính quyền các cấp quản lý, kiểm soát các hoạt động đầu tư xây dựng và sự phát triển của TP Đà Lạt và vùng phụ cận theo quy hoạch được duyệt.
Bảo tồn và phát triển Đà Lạt thành đô thị đặc thù về quy hoạch, kiến trúc, văn hóa, lịch sử, cảnh quan tự nhiên; xây dựng Đà Lạt trở thành đô thị phát triển du lịch – văn hóa – khoa học, xanh và hiện đại có đẳng cấp quốc tế. Phát triển đô thị đồng thời phát triển theo hướng bền vững.
Về tính chất đô thị sẽ là trung tâm hành chính – chính trị, kinh tế – văn hóa, khoa học – kỹ thuật của tỉnh Lâm Đồng; trung tâm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cao cấp và du lịch văn hóa di sản tầm quốc gia, khu vực và quốc tế; trung tâm nghiên cứu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao cấp quốc gia và quốc tế; trung tâm nghiên cứu khoa học, giáo dục – đào tạo và chuyển giao công nghệ đa ngành cấp quốc gia; trung tâm bảo tồn rừng cảnh quan và đa dạng sinh học cấp quốc gia; trung tâm thương mại dịch vụ, hội chợ triển lãm; trung tâm văn hóa – nghệ thuật, thể dục – thể thao và giải trí cấp vùng và quốc gia; có vị trí quan trọng về quốc phòng và an ninh đối với khu vực Tây Nguyên và cả nước. TP Đà Lạt là đô thị phát triển du lịch quốc gia và đô thị có đặc trưng về di sản.
Theo tính toán quy mô dân số đến năm 2035 khoảng 1.100.000 – 1.150.000 người (trong đó dân số đô thị khoảng 850.000 – 900.000 người, dân số nông thôn khoảng 250.000 người); đến năm 2045 khoảng 1.900.000 – 1.950.000 người (trong đó dân số đô thị khoảng 1.500.000 – 1.550.000 người, dân số nông thôn khoảng 400.000 người).
Quy mô đất xây dựng đô thị đến năm 2035 khoảng 25.500 – 27.000 ha (trong đó đất dân dụng khoảng 6.800 – 7.200 ha); đến năm 2045 khoảng 45.000 – 46.500 ha (trong đó đất dân dụng khoảng 12.000 – 12.400 ha).
Tỷ lệ đất giao thông và giao thông tĩnh trong đất xây dựng đô thị tối thiểu phải đạt 14% – 18% (tính đến đường chính khu vực). Chỉ tiêu cấp nước sinh hoạt đô thị khoảng 150 – 180 lít/người/ngày đêm (đối với TP Đà Lạt), 100 – 120 lít/người/ngày đêm (đối với các đô thị khác).
Chỉ tiêu cấp điện sinh hoạt khoảng 1.100 – 2.100 Kwh/người/năm (đối với TP Đà Lạt); 750 – 1500 Kwh/người/năm (đô thị Liên Nghĩa); 400 – 1000 Kwh/người/năm (đối với các đô thị khác). Việc phân tích, đánh giá, dự báo cụ thể quy mô dân số và đất đai xây dựng đô thị theo từng giai đoạn sẽ được nghiên cứu, đề xuất trong quá trình nghiên cứu đồ án quy hoạch.
Việc điều chỉnh quy hoạch phải dựa trên cơ sở kế thừa có chọn lọc đồ án Quy hoạch chung TP Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 704/QĐ-TTg ngày 12.5.2014.
Những yêu cầu trọng tâm
Những yêu cầu trọng tâm đối với điều chỉnh quy hoạch lần này là rà soát tổng thể về nội dung quy hoạch chung đã được phê duyệt năm 2014, trên cơ sở phân tích bối cảnh quốc tế, khu vực và đánh giá thực tiễn phát triển kinh tế – xã hội, môi trường của TP Đà Lạt và vùng phụ cận với vùng tỉnh Lâm Đồng, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, vùng duyên hải Nam Trung Bộ và vùng Tây Nguyên.
Rà soát các dự án, quy hoạch trên địa bàn TP Đà Lạt và vùng phụ cận đã được lập và phê duyệt; định hướng phát triển không gian đô thị, quy hoạch sử dụng đất, hạ tầng kỹ thuật và xã hội với xu hướng phát triển thực tế của TP Đà Lạt và vùng phụ cận.
Đánh giá quá trình triển khai thực hiện quy hoạch chung năm 2014; đánh giá hiệu quả của các công cụ quy hoạch, các giải pháp quản lý và huy động các nguồn lực, mô hình tổ chức triển khai, cơ chế chính sách… Xác định các yếu tố mới nảy sinh, những tồn tại, vướng mắc trong công tác quản lý, triển khai thực hiện.
Dự báo các nhu cầu phát triển trong giai đoạn mới, trong bối cảnh phát triển của khu vực, các cơ hội phát triển mới, đảm bảo phù hợp với thực tiễn phát triển, hài hòa với yêu cầu chiến lược phát triển kinh tế – xã hội vùng và quốc gia, phát triển đô thị du lịch quốc gia, đô thị có đặc trưng về di sản, đô thị thông minh, đô thị phát triển bền vững.
Điều chỉnh định hướng phát triển không gian, sử dụng đất, hạ tầng kỹ thuật của TP Đà Lạt và vùng phụ cận phù hợp với tầm nhìn và thích ứng linh hoạt với các biến động kinh tế – xã hội, biến đổi khí hậu; tạo thêm dư địa phát triển từ giá trị đất đai, đảm bảo khả năng dự trữ cho tương lai và bảo vệ môi trường sinh thái.
Nghiên cứu, cập nhật những chủ trương, định hướng quan trọng của quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng có liên quan đến phạm vi TP Đà Lạt và vùng phụ cận; phối hợp các chủ trương của tỉnh, các chương trình, đề án, dự án trong một khung phát triển có tầm nhìn dài hạn và có tính thực thi cao.
Xây dựng kế hoạch thực hiện quy hoạch cụ thể, có phân kỳ họp lý, gắn với nguồn lực thực hiện; thể hiện được phạm vi về không gian – đất đai; lựa chọn những vấn đề bất cập ưu tiên giải quyết (về liên kết vùng, hệ thống đô thị vệ tinh với TP Đà Lạt và vùng tỉnh Lâm Đồng, phân bố dân cư, nhà ở, chất lượng sống, giao thông đô thị, quản lý ngập, sử dụng tài nguyên…), cải thiện thực trạng và đẩy mạnh phát triển đô thị, kinh tế – xã hội TP Đà Lạt và vùng phụ cận nói riêng và vùng tỉnh Lâm Đồng nói chung.
Phân tích vị trí và mối quan hệ liên vùng: Đánh giá lợi thế và hạn chế về vị trí địa lý của TP Đà Lạt và vùng phụ cận; phân tích bối cảnh quốc tế và khu vực, định hướng, chiến lược phát triển của quốc gia và vùng có tác động đến sự phát triển của tỉnh Lâm Đồng. Đánh giá vai trò, vị thế, sức thu hút và lan tỏa của TP Đà Lạt và vùng phụ cận trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, vùng duyên hải Nam Trung Bộ và vùng Tây Nguyên. Đặc biệt phân tích mối quan hệ không gian giữa TP Đà Lạt và vùng phụ cận với TP Bảo Lộc, với các đô thị thuộc vùng tỉnh Lâm Đồng và vùng duyên hải Nam Trung Bộ, Cảng hàng không Liên Khương, đường sắt Phan Rang – Đà Lạt đảm bảo sự phù hợp với các quy hoạch ngành quốc gia.
Phân tích điều kiện tự nhiên, đặc trưng khí hậu, địa hình tự nhiên, Vườn Quốc gia Bidoup – Núi Bà, các khu du lịch quốc gia hồ Tuyền Lâm, Đan Kia – Suối Vàng và các giá trị tự nhiên cần bảo tồn, gìn giữ trong phát triển TP Đà Lạt và vùng phụ cận; bảo đảm tuân thủ các quy định của pháp luật về di sản văn hóa và phát triển du lịch.
Phân tích, đánh giá hiện trạng về kinh tế – xã hội – môi trường thông qua các chỉ số, cơ cấu kinh tế; đặc điểm dân cư, lao động, các hiện tượng dịch cư; các chỉ số về môi trường, khí hậu và tác động của biến đổi khí hậu đến đô thị.
Điều chỉnh mô hình phát triển, cấu trúc không gian toàn vùng TP Đà Lạt và vùng phụ cận đảm bảo gắn kết chặt chẽ với mô hình phát triển và cấu trúc không gian vùng tỉnh Lâm Đồng, kết nối các đô thị trọng điểm trong vùng tỉnh Lâm Đồng. Đặc biệt lưu ý mối quan hệ giữa TP Đà Lạt và vùng phụ cận với TP Bảo Lộc; giữa cảng hàng không Liên Khương, tuyến xe lửa Phan Rang – Đà Lạt và hệ thống giao thông cao tốc, quốc lộ để hỗ trợ cho sự phát triển bền vững của TP Đà Lạt và vùng phụ cận; đảm bảo phù hợp với phương án phát triển của các quy hoạch ngành quốc gia có liên quan đến phạm vi quy hoạch…
Chính Thành – Tạp chí NĐT
Theo Người Đô Thị
Ảnh: TP Đà Lạt sẽ được tính toán mở rộng theo hướng từ cao trình 850m trở lên với tổng diện tích tự nhiên khoảng 335.930 ha.
Xem bài viết gốc tại đây: