Những dòng kênh ‘chết’ đang dần hồi sinh

Làm xanh, sạch những dòng kênh là ước muốn, mong mỏi của hàng triệu người dân TPHCM. Giấc mơ ấy đang dần thành hiện thực.

Giấc mơ đổi đời

Nhiều dịp đi dọc kênh Tham Lương – Bến Cát – rạch Nước Lên qua các quận 12, Gò Vấp, Tân Bình, chúng tôi luôn bắt gặp hình ảnh nước kênh đen ngòm, nhiều bao ni lông, chai lọ, thùng xốp… vứt xếp lớp dưới dòng kênh. Người dân sinh sống trong khu vực bao năm qua rơi vào cảnh nắng thì bốc mùi hôi, mưa thì ngập úng, bẩn thỉu.

Nhưng tình cảnh trên sẽ sớm đổi thay khi dự án xây dựng hạ tầng, cải tạo môi trường kênh Tham Lương – Bến Cát – rạch Nước Lên vừa được khởi công. Bà Phan Thị Hồng (ngụ phường 14, quận Gò Vấp) phấn khởi: “Bao nhiêu năm chờ đợi, nay dự án đã chính thức thực hiện, người dân sinh sống dọc hai bên bờ kênh vui lắm”.

Bà Hồng kể, trước đây, ven kênh Tham Lương – Bến Cát cỏ cây mọc um tùm, phía dưới nước trong xanh, nhiều tôm cá, trẻ nhỏ hay xuống tắm, ghe thuyền ở miền Tây chở gốm sứ, trái cây giao thương qua lại. Nhưng rồi theo thời gian, các nhà máy, nhà cửa đua nhau mọc lên khiến con kênh ngày càng ô nhiễm, rác và nước thải khiến dòng nước đen ngòm. “Gia đình đã nhiều lần bàn bạc muốn bán nhà để đi nơi khác sống cho đỡ ô nhiễm, nhưng khi hay tin kênh sẽ được chỉnh trang làm đẹp như kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè thì yên tâm ở lại”, bà Hồng chia sẻ.

Nhà cách mặt kênh Tham Lương – Bến Cát – rạch Nước Lên chừng 100m, ông Trần Tuấn Kiệt (ngụ đường 23, phường 14, quận Gò Vấp) kể về những năm phải chịu cảnh ô nhiễm nghiêm trọng khi nhiều đoạn ven bờ trở thành nơi đổ rác. Trưa nắng hoặc khi nước cạn, đáy kênh lộ ra các loại chất thải ứ đọng từ lâu, bốc mùi nồng nặc.

Chỉ tay về công trình đang thi công cải tạo, chỉnh trang con kênh, ông Kiệt hình dung, vài năm nữa thôi, dòng kênh này sẽ có diện mạo hoàn toàn mới. Suốt chiều dài dòng kênh, hai bên là hai tuyến đường sẽ được phủ xanh, hệ thống đèn chiếu sáng, đèn trang trí được lắp đặt. Bên dưới dòng kênh, hệ thống cống hộp kết nối với nhau thông dòng tách nước thải sinh hoạt, chắc chắn dòng kênh sẽ trong xanh trở lại.

“Khi dự án hoàn thành, người dân hai bên được hưởng lợi mọi mặt. Trước giờ, việc đi lại rất khó khăn, đặc biệt cha mẹ đưa con đi học rất vất vả và phải đi vòng qua nhiều tuyến đường, mất nhiều thời gian mới tới trường. Vài năm nữa, hai tuyến đường hoàn thành sẽ kết nối hàng loạt tuyến đường cùng hàng trăm con hẻm, giao thông sẽ thông thoáng”, ông Kiệt tin tưởng.

Chị Nguyễn Thị Thanh Thúy (bán hàng ăn tại đường 53, quận Gò Vấp) thổ lộ, trước đây khu vực này không khác gì “ổ chuột”, ma túy đầy rẫy, nạn trộm cắp diễn ra thường xuyên. Từ khi giai đoạn 1 của dự án triển khai (di dời, giải phóng mặt bằng), tệ nạn chẳng những không còn mà đời sống dân cư càng văn minh hơn. “Nhà nước đang làm đường, nhà dân cũng sửa sang lại. Người có tiền thì nâng nền, xây khang trang hơn, thậm chí nhiều người đón đầu bằng cách xây hướng nhà làm mặt tiền trên hai tuyến đường dọc hai bên bờ kênh để tăng thêm giá trị cho nhà đất, đồng thời sẽ mở cửa hàng kinh doanh sau khi tuyến kênh hoàn thành”, chị Thúy cho hay.

Xanh hóa nhiều dòng kênh

Giai đoạn 2 của dự án Tham Lương – Bến Cát – rạch Nước Lên đã được UBND TPHCM lên kế hoạch triển khai từ năm 2012, nhưng do khó khăn nguồn vốn nên phải ngưng lại. Sau đó, việc cải tạo kênh được chuyển thành một hạng mục của dự án Quản lý rủi ro ngập nước khu vực TPHCM, vốn vay từ Ngân hàng Thế giới. Tuy nhiên, đến năm 2017, Ngân hàng Thế giới ngưng tài trợ nên dự án tiếp tục gặp

bế tắc. Đến năm 2021, dự án được chuyển sang đầu tư bằng ngân sách, kết hợp vốn của Trung ương và thành phố.

Không riêng tuyến kênh nói trên mà TPHCM đã lên kế hoạch đầu tư hoặc kêu gọi phương án đầu tư nhiều tuyến kênh khác. Cuối năm 2022, HĐND TPHCM đã duyệt chủ trương đầu tư dự án nạo vét, cải tạo môi trường, xây dựng hạ tầng rạch Xuyên Tâm (quận Bình Thạnh, quận Gò Vấp), dài 8km, với tổng vốn hơn 9.300 tỷ đồng. Công trình sử dụng vốn ngân sách và sẽ được bố trí vốn theo 2 giai đoạn. Trong đó, từ nay đến năm 2025, TPHCM sẽ chi gần 6.650 tỷ đồng để bồi thường, giải phóng mặt bằng, lập dự án đầu tư, thiết kế bản vẽ, khởi công; hơn 3.000 tỷ đồng sẽ được chi trong 5 năm để thi công và quyết toán dự án.

Ngoài ra, Sở Xây dựng TPHCM vừa có văn bản trình UBND TPHCM thực hiện 3 đề án thí điểm chỉnh trang đô thị, di dời nhà trên và ven kênh rạch trên địa bàn quận 7 theo hình thức xã hội hóa đầu tư. Các dự án được đề xuất thí điểm gồm: dự án ao Song Tân hơn 21.240 tỷ đồng, dự án rạch Bần Đôn 3.100 tỷ đồng, và dự án sông Ông Lớn gần 15.000 tỷ đồng. Khu vực của các dự án phần lớn là nhà ở tạm bợ, bán kiên cố, hình thành các dãy nhà lụp xụp ven sông, tiềm ẩn nhiều rủi ro do triều cường và sạt lở bờ sông hàng năm, cần phải được di dời giải tỏa để cải tạo chỉnh trang lại, tạo diện mạo mới cho quận 7 nói riêng và TPHCM nói chung.

Về chủ trương xã hội hóa, Sở Xây dựng TPHCM cho biết, theo kế hoạch tổ chức thực hiện chỉnh trang và phát triển đô thị trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021-2025 và các năm tiếp theo, đã xác định tuyến ao Song Tân và rạch Bần Đôn được thực hiện bằng nguồn vốn ngoài ngân sách. Tại các cuộc họp, UBND quận 7 đề xuất bổ sung thêm tuyến sông Ông Lớn để thực hiện xã hội hóa đầu tư là phù hợp với chủ trương của UBND TPHCM trong tình hình hạn hẹp nguồn vốn đầu tư công.

TPHCM đã hồi sinh các dòng kênh “đen” như Nhiêu Lộc – Thị Nghè, Tân Hóa – Lò Gốm, Hàng Bàng… Dự án cải thiện môi trường nước kênh Tàu Hủ – Bến Nghé – Đôi – Tẻ cũng đang được thực hiện giai đoạn 2, dự kiến về đích cuối năm nay.

Quốc Hùng – Báo SGGP

Theo Sài Gòn Giải Phóng

Ảnh: Kênh Lò Gốm sau cải tạo . Ảnh: HOÀNG HÙNG

Xem bài viết gốc tại đây:

https://www.sggp.org.vn/nhung-dong-kenh-chet-dang-dan-hoi-sinh-post679843.html