(Phapluatmoitruong.vn) – Đăng ký số vốn lên tới 10.000 tỷ đồng, dự kiến khi đưa vào hoạt động sẽ giải quyết việc làm cho khoảng 1.000 lao động địa phương, thế nhưng, đến nay dự án Nhà máy Bột – Giấy VNT 19 vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn…
Dự án nhà máy Bột – Giấy VNT 19 do Công ty Cổ phần Bột giấy VNT 19 làm chủ đầu tư, được UBND tỉnh Quảng Ngãi cấp Giấy chứng nhận đầu tư vào ngày 31/3/2011, có tổng vốn đầu tư 10 ngàn tỷ đồng, công suất thiết kế giai đoạn 1 là 350.000 tấn bột giấy tẩy trắng/năm. Dự án đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) tại Quyết định số 2270/ QĐ-BTNMT ngày 7/9/2015, trong đó hướng tuyến thoát nước thải của nhà máy từ khu vực xử lý nước thải đi dọc theo tuyến đường vào nhà máy, hướng ra biển tại vịnh Việt Thanh. UBND tỉnh Quảng Ngãi cũng đã có ý kiến thống nhất hướng tuyến tại Công văn số 752 /UBND-CNXD ngày 19/2/2016.
Năm 2015, dự án được khởi công trên diện tích 117 ha ở xã Bình Phước, huyện Bình Sơn. Quá trình triển khai dự án đã vấp phải sự phản ứng của người dân cũng như dư luận xã hội về việc nhập thiết bị dây chuyền cũ kỹ, quá trình thi công đã làm bồi lấp đất sản xuất, đường đi… của người dân trong vùng dự án, vấn đề đảm bảo môi trường… khiến thời gian kéo dài cho đến nay vẫn chưa hoàn thành. Hiện chủ đầu tư đã điều chỉnh kế hoạch đưa Nhà máy vào hoạt động vào cuối năm 2024.
Theo chủ đầu tư dự án, Nhà máy Bột – Giấy VNT 19 đã đầu tư thay đổi thiết bị, công nghệ và quy trình sản xuất tiên tiến. Nhà máy sử dụng công nghệ nấu bột liên tục, đẳng nhiệt (Isothemal cooking- ITC) và công nghệ nấu sunphat. Đây là một trong những công nghệ nấu tiên tiến, phổ biến của thế giới hiện nay và phù hợp với nguồn nguyên liệu là bạch đàn, keo lai. Điều này sẽ cắt giảm nguy cơ gây ô nhiễm môi trường một cách đáng kể.
Về thiết bị, dây chuyền sản xuất bột giấy của nhà máy là công nghệ phổ biến nhất hiện nay trên thế giới. Phần lớn được mua từ các hãng sản xuất nổi tiếng trong ngành bột giấy, đặc biệt là châu Âu.
Hệ thống xử lý nước thải được đầu tư mới 100%, do AQUAFLOW (AQF, Phần Lan) thiết kế, cung cấp thiết bị, giám sát lắp đặt và chạy thử đảm bảo nước thải sau xử lý đạt các tiêu chuẩn quy định; Đồng thời bổ sung hồ sinh học với dung tích 2.500 m3, tạo hệ thống liên hồ gồm: hồ sự cố và hồ sinh học với sức chứa 75.000 m3 đủ để duy trì hoạt động và xử lý sự cố trong vòng 3 ngày. Nước thải khi xả ra môi trường tiếp tục được kiểm tra tự động và có camera giám sát tại 2 điểm trước hồ sinh học và sau hồ nuôi cá. Kết quả kiểm tra và hình ảnh được truyền trực tiếp, liên tục 24/7 về Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh và Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Dự án Nhà máy Bột – Giấy VNT 19 đang xây dựng ở xã Bình Phước, huyện Bình Sơn.
Dù đã khẳng định việc xả nước thải ra vịnh Việt Thanh đảm bảo an toàn, tuy nhiên, đến nay, chủ đầu tư vẫn đang gặp khó trong việc thực hiện công tác đền bù giải phóng mặt bằng, thuê giao đất và xin cấp phép xây dựng tuyến đường ống xả thải do chưa đạt sự đồng thuận từ người dân. Dù chỉ mới dừng lại ở bước tham vấn cộng đồng dân cư nhưng phần lớn người dân ở 2 xã Bình Trị và Bình Hải đều không tán đồng khi cho rằng việc xả thải ra vịnh Việt Thanh sẽ có nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường biển.
Vịnh Việt Thanh, thuộc thôn Lệ Thủy, xã Bình Trị, huyện Bình Sơn, là điểm cuối tuyến ống xả thải dài hơn 6 km của Nhà máy Bột – Giấy VNT 19. Đây không chỉ là một thắng cảnh đẹp được thiên nhiên ban tặng cho người dân với những ngọn núi bao quanh cùng vô số rạn đá ngầm tạo nên vẻ đẹp quyến rũ, mà còn là ngư trường mưu sinh ven bờ của hàng trăm ngư dân.
Ông Bùi Việt, thôn Thanh Thủy, xã Bình Hải, Bình Sơn tâm sự: “Mỗi năm, mùa thu hoạch rong mơ kéo dài hơn 2 tháng ở vùng biển này đã đem lại niềm vui cho các hộ dân nơi đây. Trừ chi tiêu, bà con cũng có khoản tiền tích lũy từ 50 đến 70 triệu đồng. Sinh sống nhờ biển nên bà con không xâm hại, khai thác bừa bãi để bảo vệ được môi trường biển, tạo điều kiện cho các loại hải sản về trú ngụ, sinh sản”.
Vịnh Việt Thanh thuộc thôn Lệ Thủy, xã Bình Trị, huyện Bình Sơn, là điểm cuối tuyến ống xả thải dài hơn 6 km của Nhà máy Bột – Giấy VNT 19.
Bà Nguyễn Thị Trang, người dân thôn Lệ Thủy, xã Bình Trị, cho biết: “Bao đời nay, người dân chúng tôi sinh sống được là nhờ vào biển. Nhờ con tôm, con cá, cây rong dưới biển mà con cháu chúng tôi được ăn học thành tài. Biển nuôi dân, dân giữ gìn môi trường biển. Nay nghe nhà máy bột giấy lắp đặt cái đường ống xả thải xuống biển, dù nói là nước thải đã xử lý sạch nhưng mà sạch tới đâu thì không biết được, nên dân chúng tôi rất lo lắng!” .
Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Văn Xuân – Phó Chủ tịch UBND xã Bình Trị, cho biết: “Vừa qua, chúng tôi đã tổ chức mời bà con ở vùng biển Lệ Thủy họp về vấn đề này. Đa số bà con đều hết sức lo lắng sau khi mà Nhà máy đi vào hoạt động thì sẽ xảy ra ô nhiễm môi trường biển, bà con mất sinh kế, cuộc sống khó khăn…”.
Sinh kế của người dân vùng biển.
Tại buổi họp báo do tỉnh Quảng Ngãi tổ chức vào chiều 14/2, Giám đốc Sở Thông tin Truyền thông tỉnh Quảng Ngãi Trần Minh Trường đã có kết luận nêu rõ quan điểm xuyên suốt của tỉnh trong thu hút đầu tư, đồng hành nhà đầu tư tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ dự án, trong đó có Dự án Nhà máy Bột – Giấy VNT 19. Tuy nhiên, trả lời các câu hỏi của báo chí về vấn đề đảm bảo môi trường của dự án, đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh cũng chỉ dừng lại ở mức căn cứ vào các thủ tục pháp lý của Nhà máy đang triển khai hiện nay là đảm bảo, còn chất lượng nguồn thải có đảm bảo hay không thì phải chờ khi Nhà máy đi vào vận hành thử nghiệm mới có đánh giá chuẩn xác.
Trước phản ứng từ phía người dân như hiện nay, tiến độ lắp đặt đường ống xả thải xuống vùng biển vịnh Việt Thanh để đưa Nhà máy Bột – Giấy VNT 19 vào vận hành theo kế hoạch là khó đạt được như kỳ vọng. Và chắc chắn, khi chưa tạo được lòng tin của người dân thì đây vẫn là nút thắt không dễ tháo gỡ.
Phan Dung
(Theo Môi trường và Đô thị điện tử)
Ảnh: Dự án Nhà máy Bột – Giấy VNT 19 đang xây dựng ở xã Bình Phước, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi.