Chuyên gia Nguyễn Văn Đỉnh cho rằng điều 47 Hiến pháp năm 2013 quy định: ‘Mọi người có nghĩa vụ nộp thuế theo luật định’. Theo đó, mọi người chỉ có nghĩa vụ nộp các khoản thuế đã được quy định trong luật.
Đề xuất đánh thuế bất động sản thứ 2
Trong Báo cáo đánh giá tác động của chính sách trong dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách thí điểm tạo động lực phát triển TP.HCM (thay thế Nghị quyết số 54/2017/QH14), một nội dung đáng chú ý được nhiều người quan tâm là đề xuất liên quan thuế tài sản.
TP.HCM đề xuất 2 phương án liên quan đến thuế tài sản.
Phương án 1 là thí điểm thu thuế đối với nhà ở và đất ở, mà người có quyền sử dụng đất hoặc sở hữu nhà ở không trực tiếp sử dụng để ở cho cá nhân và gia đình (gọi tắt là nhà, đất thứ 2 trở lên) trên địa bàn TP.HCM. Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về căn cứ tính thuế, thuế suất, phương pháp tính thuế và thời gian áp dụng.
Phương án 2 (áp dụng trong trường hợp không thực hiện phương án 1): Chấp thuận tăng mức thu liên quan đến nhà đất thứ 2 trở lên địa bàn TP.HCM: lệ phí trước bạ khi mua, nhận chuyển nhượng nhà đất thứ 2 trở lên; thuế sử dụng đất phi nông nghiệp và thuế thu nhập cá nhân từ hoạt động chuyển nhượng nhà đất thứ 2 trở lên.
HĐND TP.HCM quyết định áp dụng trên địa bàn TP.HCM tăng mức thuế suất thuế sử dụng đất phi nông nghiệp đối với đất ở (mức tăng không quá 5 lần mức thu hiện hành) và tăng mức thuế suất thuế thu nhập cá nhân từ hoạt động chuyển nhượng nhà đất thứ 2 trở lên (mức tăng không quá từ 2 lần mức hiện hành); thuế suất đối với chuyển nhượng bất động sản là 2% trên giá chuyển nhượng hoặc giá cho thuê lại.
HĐND TP.HCM quyết định áp dụng tăng tỷ lệ thu lệ phí trước bạ khi mua, nhận chuyển nhượng nhà đất thứ 2 trở lên từ mức 0,5% giá trị chuyển nhượng lên mức 2% và mức tối đa một hồ sơ chuyển nhượng từ mức 500 triệu đồng/hồ sơ lên 1 tỉ đồng/hồ sơ.
Với phương án 1, thuế nhà đất thứ 2 trở lên là sắc thuế mới, được dự kiến để điều tiết đối với các bất động sản là nhà ở, đất ở riêng rẽ hoặc trong các khu đô thị mới, khu vực chỉnh trang đô thị, các chung cư, mà người chủ sở hữu hoặc có quyền sử dụng đất không dùng để ở cho cá nhân và gia đình; và bất động sản đang cho thuê hoặc bỏ hoang, các nền đất được cấp quyền sử dụng đất quá 2 năm không xây dựng nhà ở theo quy hoạch. Trên thế giới đã có nhiều nước thực hiện thu thuế tài sản thành công.
Theo báo cáo, việc thực hiện phương án 1 là nội dung lớn, tác động sâu rộng đến người dân nên cần tính toán cụ thể. TP.HCM nhận thấy thuế nhà đất thứ hai trở lên có 3 thách thức.
Thứ nhất, việc bảo đảm điều chỉnh bất cập về bất bình đẳng trong hệ thống thuế hiện hành vì chưa quy định việc đánh giá, phân biệt rõ đối với tài sản thứ 2 trở lên.
Thứ nhì, khả năng bảo đảm nguồn thu so với các sắc thuế hiện hành (bảo đảm điều chỉnh đúng đối tượng và góp phần tạo thêm nguồn thu cho ngân sách nhà nước).
Thứ ba, công tác quản lý và công tác thực hiện thu cũng còn phải rà soát kỹ lưỡng: cơ sở dữ liệu về nhà ở, quy định về việc định giá nhà đất, thông tin nhà đất trên phạm vi một thành phố và sự liên kết thông tin với các địa bàn khác.
TP.HCM cho biết trước mắt có thể xem xét lựa chọn phương án 2 nhằm điều chỉnh hành vi đầu cơ nhà đất trên địa bàn để làm cơ sở, tiền đề cho việc ban hành sắc thuế mới.
Chưa có luật, đánh thuế liệu có vi hiến?
Trao đổi với phóng viên Một Thế Giới về vấn đề này, chuyên gia pháp lý đất đai, bất động sản Nguyễn Văn Đỉnh cho rằng câu hỏi đề xuất đánh thuế bất động sản của TP.HCM (đánh thuế với người sở hữu nhiều nhà, đất để chống đầu cơ) có vi hiến không là vấn đề gây tranh cãi.
Theo ông Đỉnh, điều 70 Hiến pháp năm 2013 quy định Quốc hội có nhiệm vụ, quyền hạn “quy định, sửa đổi hoặc bãi bỏ các thứ thuế”. Hơn nữa, điều 15 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 cũng quy định Quốc hội ban hành nghị quyết để quy định “thực hiện thí điểm một số chính sách mới thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội nhưng chưa có luật điều chỉnh hoặc khác với quy định của luật hiện hành”.
“Nghĩa là nếu Quốc hội thông qua một nghị quyết quy định chính sách đặc thù của TP.HCM, bao gồm cả chính sách thuế bất động sản, là đúng nhiệm vụ, quyền hạn được hiến định của mình và phù hợp với luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Tuy nhiên, cần phải nhấn mạnh rằng cũng tại điều 47 Hiến pháp năm 2013 (thuộc chương 2, quy định về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân) lại quy định: “Mọi người có nghĩa vụ nộp thuế theo luật định”, lưu ý là “theo luật định” chứ không phải “theo quy định”.
Điều đó có nghĩa nếu ai đó là công dân Việt Nam hoặc người nước ngoài làm ăn, sinh sống, có thu nhập tại Việt Nam, thì chỉ có nghĩa vụ nộp các khoản thuế đã được quy định trong luật.
Theo phương thức loại trừ, người ta không phải nộp các khoản thuế không quy định trong luật, kể cả nếu nó trong nghị quyết được Quốc hội ban hành các chính sách đặc thù cho một địa phương. Quy định này theo tôi là hoàn toàn hợp lý nhằm bảo đảm quyền con người, quyền cơ bản của công dân”, ông Đỉnh nêu.
Chuyên gia pháp lý đất đai, bất động sản Nguyễn Văn Đỉnh
Theo ông Đỉnh, việc đánh thuế nhà, đất là giải pháp bắt buộc phải làm, đã quy định rõ trong Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16.6.2022 của Ban Chấp hành Trung ương đảng về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, nhưng phải theo luật và phải đồng bộ.
“Nếu một người sở hữu 10 căn nhà ở quận 1 phải chịu thuế hằng năm, trong khi một đại gia khác cũng sở hữu 10 căn nhà ở phố cổ Hà Nội không phải chịu thuế thì sự công bằng nằm ở đâu?”, ông Đỉnh nói.
Chuyên gia Nguyễn Văn Đỉnh cũng cho rằng điều 4 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định về hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của nước ta đã liệt kê như sau: Khoản 1 là Hiến pháp; khoản 2 là bộ luật, luật, nghị quyết của Quốc hội.
“Điều này dẫn đến cách hiểu cho rằng nghị quyết của Quốc hội có hiệu lực ngang luật (cả 2 văn bản đều do một cơ quan ban hành với trình tự, thủ tục gần tương tự). Nhưng trong những vấn đề hệ trọng như chính sách thuế, chính sách hình sự… thì bắt buộc phải quy định trong luật để đảm bảo chặt chẽ, thống nhất áp dụng, tránh gây bất bình đẳng, thiếu công bằng giữa mọi người, giữa các địa phương”, ông Đỉnh nói.
Trả lời báo chí về vấn đề này, luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật Anvi cho rằng việc có đánh thuế hay không đều phải theo luật và sẽ là vi hiến khi áp dụng bởi chưa có luật.
“Nhà đất rất nhiều mà không đưa vào sản xuất kinh doanh hay sử dụng thì phải chấp nhận một mức thuế suất cao hơn, thậm chí gấp đôi gấp ba mức khởi điểm mới tạo ra sự công bằng xã hội và hướng tới sử dụng hiệu quả hợp lý nguồn tài nguyên đất đai nhà cửa. Nhưng cần phải sửa luật, phải có quy định của Quốc hội, quy định rõ ràng đánh thuế như thế nào, đánh thuế bao nhiêu cho hợp lý, công bằng”, ông Đức nói.
Hoài Lam/MTG
Theo Một thế giới
Ảnh: TP.HCM đề xuất 2 phương án liên quan đến thuế tài sản
Xem bài viết gốc tại đây:
https://1thegioi.vn/tp-hcm-danh-thue-bds-thu-2-lieu-co-vi-hien-khi-chua-co-luat-192993.html