Dự luật Thuế bất động sản dự kiến trình Quốc hội năm sau có nội dung đề xuất tách riêng đất ở, nhà ở để tính thuế và cơ quan quản lý sẽ áp thuế suất cao với nhà, đất lấn chiếm, bỏ hoang hoặc chậm đưa vào sử dụng hay sử dụng chưa đúng mục đích
Qua nghiên cứu, rà soát, Chính phủ đề xuất xây dựng Luật Thuế bất động sản thay thế Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp và Luật Thuế sử dụng đất nông nghiệp, đề nghị đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024), thông qua tại Kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025).
Theo tài liệu của Bộ Tư pháp, Luật Thuế bất động sản được coi là có phạm vi điều chỉnh rộng, tác động lớn. Đối tượng điều chỉnh là đất, nhà và công trình xây dựng nên có phạm vi và tác động đến toàn thể người dân và doanh nghiệp trên cả nước; nhiều nội dung mang tính kỹ thuật như nội dung về giá tính thuế, thuế suất…
Dự kiến áp thuế suất cao với nhà, đất lấn chiếm; bỏ hoang hoặc chậm đưa vào sử dụng; nhà, đất sử dụng chưa đúng mục đích (Ảnh: Dự án Tuần Châu Hà Nội được kỳ vọng sẽ trở thành một “Hạ Long trên cạn” giữa lòng Thủ đô, sau hơn thập kỷ triển khai, vẫn dở dang/ H.Khanh)
Bộ Tài chính, cơ quan chủ trì soạn thảo dự luật này sẽ xin ý kiến rộng rãi trong quá trình xây dựng dự án luật theo đúng quy định.
Về mốc thời gian, Chính phủ lập đề nghị xây dựng dự luật Thuế bất động sản trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, báo cáo Quốc hội tại kỳ họp tháng 5/2024 để thông qua đề nghị bổ sung dự án luật vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 của Quốc hội. Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua dự án luật này tại 2 kỳ họp, tháng 10/2024 và tháng 5/2025.
Theo đề xuất, sẽ tách riêng đất ở, nhà ở để đánh thuế bất động sản đảm bảo đơn giản, dễ tính toán, dễ thực hiện, thuận lợi trong công tác quản lý thu thuế và phù hợp với thông lệ quốc tế.
Đồng thời, đánh thuế theo biểu thuế suất lũy tiến từng phần để đảm bảo mục tiêu điều tiết cao đối với trường hợp nhà, đất có giá trị lớn, điều tiết thấp đối với nhà, đất có giá trị không lớn, đảm bảo công bằng trong điều tiết thu nhập của tầng lớp dân cư.
Về thuế suất đối với đất ở sẽ đề nghị đánh thuế trên toàn bộ diện tích đất ở. Việc nâng mức thuế suất đối với đất ở (bao gồm cả trường hợp sử dụng để kinh doanh) là cần thiết để phù hợp với thông lệ quốc tế, góp phần đảm bảo mục tiêu ban hành của chính sách và phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước.
Tuy nhiên, để tránh tác động lớn đến người dân và doanh nghiệp cần thiết phải nghiên cứu mức thuế suất đối với đất ở phù hợp.
Nhà ở được xem là một khoản đầu tư vào đất. Trên thực tế, nhà nước khuyến khích việc xây dựng nhà ở và công trình xây dựng, tránh để đất bỏ hoang, không tận dụng hết giá trị sử dụng của đất. Khi thực hiện đánh thuế bất động sản đối với nhà ở, cần thiết loại bỏ các loại nhà ở có mức đầu tư thấp (nhà tạm, nhà thiếu kiên cố, nhà bán kiên cố…) ra khỏi phạm vi điều chỉnh để tránh gây gánh nặng thuế đối với đối tượng có hoàn cảnh khó khăn, hoặc nhà chất lượng thấp, thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế- xã hội khó khăn.
Đối với nhà chung cư (bao gồm cả đất xây dựng nhà chung cư), cơ quan soạn thảo định hướng quy định ngưỡng chịu thuế đảm bảo điều tiết thấp đối với những người sử dụng nhà có giá trị không lớn, nhà chung cư bình dân; không ảnh hưởng tới cung – cầu thị trường bất động sản và hạn chế tác động đến phân khúc căn hộ bình dân.
Nhà ở xã hội, nhà ở công nhân sẽ thuộc đối tượng miễn thuế. Thực hiện điều tiết cao đối với căn hộ cao cấp (mức giá trên 50 triệu đồng/m2) góp phần đảm bảo công bằng trong điều tiết thu nhập của các tầng lớp dân cư.
Đánh thuế cao với nhà đất chậm đưa vào sử dụng
Ngoài ra, cơ quan quản lý cũng sẽ áp thuế suất cao với nhà, đất lấn chiếm; bỏ hoang hoặc chậm đưa vào sử dụng; nhà, đất sử dụng chưa đúng mục đích (bằng mức thuế suất cao nhất trong biểu thuế đang dự kiến áp dụng đối với đất ở).
Giá tính thuế đối với đất được tính bằng diện tích đất tính thuế (diện tích đất thực tế thực hiện) nhân với giá của 1m2 đất tính thuế (giá 1m2 đất trong bảng giá đất nhân hệ số điều chỉnh do UBND cấp tỉnh ban hành).
Giá tính thuế đối với nhà (nhà và công trình xây dựng) được xác định bằng diện tích nhà tính thuế nhân với giá của 1m2 nhà tính thuế.
Cơ quan quản lý đánh giá, việc đánh thuế trên toàn bộ diện tích đất ở xuất phát từ nguyên tắc đánh thuế theo lợi ích, phù hợp với Hiến pháp và pháp luật hiện hành cũng như với thông lệ quốc tế do đa số các quốc gia tính thuế tài sản từ giá trị nhà, đất đầu tiên. Biểu thuế lũy tiến từng phần đối với đất được xác định theo ngưỡng giá trị góp phần tăng mức huy động thu đối với thửa đất có giá trị lớn.
Việc áp dụng ngưỡng chịu thuế riêng đối với nhà, đất là phù hợp, dễ tạo được sự đồng thuận của người nộp thuế, đảm bảo có tính đến mức độ điều tiết, khả năng nộp thuế của người dân, chỉ điều tiết đối với đất và nhà có giá trị lớn, trên ngưỡng chịu thuế, đảm bảo mục tiêu mở rộng và khai thác tốt nguồn thu từ nhà, đất.
Ngoài ra, việc quy định mức thuế suất cao đối với nhà, đất lấn chiếm, bỏ hoang, chưa đưa vào sử dụng theo đúng quy định là phù hợp với thực tế Việt Nam hiện nay, góp phần hạn chế tình trạng đầu cơ về đất, sử dụng đất lãng phí, chiếm dụng đất công, khuyến khích hơn nữa việc sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nhà, đất.
Hồng Khanh – Báo VietnamNet
Theo VietnamNet
Xem bài viết gốc tại đây:
https://vietnamnet.vn/nha-dat-bo-hoang-cham-su-dung-se-chiu-muc-thue-cao-2105386.html