“Mùa xuân là Tết trồng cây, làm cho đất nước càng ngày càng xuân”. Từ lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh năm xưa, đến nay, Tết trồng cây đã trở thành tập quán tốt đẹp của nhân dân ta trong những ngày xuân.
Trong những năm qua, các bộ, ngành, các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương và nhân dân cả nước đã hưởng ứng, tham gia tích cực phong trào trồng cây, trồng rừng, bảo vệ rừng, bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học và đạt được nhiều thành tựu quan trọng, thiết thực góp phần phát triển kinh tế-xã hội, môi trường và quốc phòng, an ninh.
Mục đích là để Tết trồng cây thiết thực, hiệu quả, không phô trương hình thức; tạo điều kiện cho các cơ quan, tổ chức, đoàn thể, trường học, lực lượng vũ trang và mọi tầng lớp nhân dân tích cực tham gia trồng cây, trồng rừng.
Đến nay, theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc đạt 42,02%, chất lượng rừng ngày càng được nâng cao; công tác bảo vệ rừng có nhiều chuyển biến tích cực, vi phạm pháp luật về lâm nghiệp và diện tích rừng bị thiệt hại giảm đáng kể; thu dịch vụ môi trường rừng năm 2022 đạt hơn 3.600 tỷ đồng. Đây là nguồn tài chính quan trọng và bền vững của ngành, đóng vai trò đáng kể trong thành tích chung của toàn ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn.
Quan tâm trồng cây xanh trong rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, trồng rừng mới, rừng sản xuất, trồng cây xanh phân tán ở các khu vực đô thị và nông thôn, tạo cảnh quan môi trường, góp phần xây dựng nông thôn mới xanh, sạch, đẹp.
Tổ chức trồng cây gắn với quản lý chặt chẽ diện tích quy hoạch rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Kiểm soát chặt chẽ việc chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác, nhất là chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên. Thực hiện phân công, phân cấp trách nhiệm quản lý nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp theo quy định của pháp luật. Phát huy vai trò của người đứng đầu chính quyền các cấp; làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân thiếu trách nhiệm, tiêu cực để xảy ra vi phạm.
Trồng rừng cần đi đôi với bảo vệ rừng tự nhiên, tỉ lệ che phủ rừng tăng là một trong các chỉ tiêu đánh giá phát triển bền vững ở các quốc gia trong bộ chỉ tiêu về tài nguyên và môi trường, chỉ tiêu phát triển bền vững. Bên cạnh đó, vì rừng còn là nguồn sinh kế, nguồn thu nhập của hàng triệu người nghèo và người dân tộc thiểu số nên trồng cây gây rừng có thể nói là “đòn bẩy” quan trọng để tăng thu nhập cho người trồng và chăm sóc rừng.
Trong khi đó, cùng với việc đất rừng bị thoái hóa, đa dạng sinh học bị mất đi thì nạn chặt phá rừng trái phép đã thu hẹp diện tích và khiến cho gần 10 triệu ha đất rừng không được sử dụng, bị thoái hóa và trở thành đồi trọc. Chính những nguyên nhân trên đã và đang tác động trực tiếp đến kế sinh nhai cũng như thu nhập của hàng triệu người dân, người nghèo, người dân tộc thiểu số.
Việc tổ chức phát động “Tết trồng cây” cần thiết thực, trở thành nét đẹp văn hóa, bảo đảm hiệu quả, tiết kiệm, không phô trương hình thức; tạo điều kiện để các cơ quan, tổ chức, đoàn thể, trường học, lực lượng vũ trang và nhân dân tích cực tham gia trồng cây, trồng rừng. Sau khi thực hiện “Tết trồng cây”, các địa phương tổ chức kiểm tra đánh giá, rút kinh nghiệm, biểu dương khen thưởng kịp thời những tổ chức, cá nhân điển hình có cách làm hay, mô hình tốt, sáng tạo.
Bùi Phương
(Theo Môi trường & Đô thị điện tử)
Ảnh: Trồng rừng phòng hộ Cần Giờ (TP Hồ Chí Minh)