Khi cái lạnh ùa về, rừng phong bỗng trở mình chuyển từ lá xanh sang màu lá đỏ. Một màu như lửa “cháy rực” cả cánh rừng cổ thụ bạt ngàn. Rét càng buốt giá, tê tái thì lá phong càng đỏ rực, thu hút giới trẻ về với thiên nhiên. Vẻ đẹp làm đắm say lòng người không phải ở xứ Hàn, xứ Nhật hay xa tít trời Âu mà ngay trong lòng thành phố Chí Linh (Hải Dương) – “góc trời Âu” hấp dẫn này chỉ cách Thủ đô Hà Nội khoảng 80km.
Cảnh đẹp rừng Âu nơi đất Việt
Lâu nay đến với thành phố Chí Linh (Hải Dương), du khách thường nghĩ đến các danh lam, thắng cảnh “Côn Sơn, Kiếp Bạc” gắn liền với địa danh lịch sử, tên tuổi các nhà danh nhân văn hóa, quân sự: Nguyễn Trãi, Trần Hưng Đạo… mà ít ai biết đến, hàng trăm ha rừng phong cổ thụ hàng trăm năm tuổi, khi đông về, rực màu đỏ như “góc trời Âu” trong lòng đất Việt.
“Không cần đến đèo Khau Phạ của tỉnh Yên Bái xa xôi, hay phố núi mờ sương Đà Lạt, Sa Pa (Lào Cai)… năm nay gia đình tôi chọn đến núi Tam Ban (xã Hoàng Hoa Thám, thị xã Chí Linh, Hải Dương) để thưởng thức phong cảnh đỏ rực của cây phong trong mùa thay lá” – chị Hoàng Thị Hương (du khách Hà Nội) tâm sự.
“Tôi đã đi nhiều quốc gia như Hàn Quốc, Nhật Bản và thấy lá phong ở các nước này cũng không khác nhiều so với ở nơi đây. Lá phong ở Việt Nam không đỏ hẳn, nhưng có màu vàng đậm và đều hơn. Đó cũng là một trải nghiệm thú vị cho những du khách lần đầu đến thăm.
Cảnh đẹp như ở các nước châu Âu, nhưng mang đậm chất Việt bởi tọa lạc giữa rừng là một ngôi chùa cổ đã gần 700 năm (xây dựng năm 1329). Đây là nơi các nhà sư thuộc thiền phái Trúc Lâm tĩnh tu. Rừng phong bao quanh mái chùa cổ kính, tạo nên một khung cảnh thanh bình. Đến nơi đây, càng thêm yêu mảnh đất quê hương và tự hào cảnh đẹp Việt Nam” – chị Hương chia sẻ thêm.
Dẫn chúng tôi lên thăm khu rừng phong, ông Nguyễn Trường Giang – Hạt phó Hạt Kiểm lâm thành phố Chí Linh (người có thâm niên 26 năm gắn bó với công tác bảo vệ rừng) chuyên nghiệp như hướng dẫn viên du lịch. Vừa leo dốc, ông Giang vừa giới thiệu: “Rừng phong lá đỏ đã tồn tại lâu năm. Có những cây cao 4 – 5m, tán rộng 3 – 5m tạo nên một không gian sắc màu ấm áp. Những chiếc lá phong thắm đỏ, cuống dài, xẻ ba thùy với mép răng cưa rụng xuống có thể là món quà độc đáo để dành tặng bạn bè, người thân. Thiên nhiên đã ưu đãi và ban tặng cho xã Hoàng Hoa Thám, thành phố Chí Linh một rừng phong lá đỏ có diện tích khoảng trên 100ha. Một cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ gắn với di tích lịch sử văn hóa ngôi chùa Thanh Mai, tạo thành điểm du lịch tâm linh và du lịch sinh thái rừng hấp dẫn”.
Cần được nghiên cứu và bảo tồn
Trong căn phòng khách của chùa Thanh Mai, ngồi tiếp chuyện chúng tôi là những người đều có thâm niên từ 20 năm trở lên gắn bó với rừng phong lá đỏ: Cán bộ Hạt Kiểm lâm thành phố Chí Linh, ông Lục Văn Minh, người nhận giao khoán trên 10ha rừng. Và đặc biệt là bà Phạm Thị Hiển (80 tuổi) mẹ của Nhà sư trụ trì chùa Thanh Mai. Cũng bởi bén duyên với ngôi chùa, nặng lòng với những cây phong mà bà rời Thủ đô lên gắn bó với rừng đã gần 30 năm. Hằng ngày, bà Hiển dành thời gian lên chăm chút từng cây phong nhỏ được mọc lên từ những quả phong rụng xuống. Bà thường dặn dò các đoàn khách tham quan khi lên trên rừng cắm trại cần có ý thức bảo vệ rừng, tránh giẫm đạp lên các cây non. Chính vì vậy, những cây phong mọc quanh ngôi chùa cổ ngày một vươn cao, nhân lên rừng phong ngày thêm nhiều.
Bà Hiền chậm rãi kể: Trụ trì chùa là con trai đầu trong 3 người con của gia đình, năm 19 tuổi lên chùa và ở lại nơi đây, đến nay đã 30 năm. Sau đó vài năm, bà lên thăm con và ở lại, gắn bó với nơi này như duyên tiền định. Bà đã bỏ nhiều thời gian sưu tầm và đọc các loại sách để có hiểu biết về cây phong lá đỏ. Bởi nơi đây, rừng phong lá đỏ là rừng đặc dụng, bảo vệ cảnh quan Khu di tích Chùa Thanh Mai, một trong những cơ sở quan trọng của thiền phái Trúc Lâm Tam tổ Việt Nam, có quan hệ mật thiết đến cuộc đời và sự nghiệp của Pháp Loa thiền sư. Rừng phong điển hình với loài cây phong hương, phong lá đỏ có tên khoa học là cây Sau Sau. Ngoài ra, khu rừng còn có nhiều loại gỗ quý khác nhau như: Lim, Lát, Sến…
Vào mùa xuân, cây phong đâm chồi nảy lộc. Lá phong non đỏ pha lẫn màu xanh non tạo nên sự sống vươn cao. Mỗi độ thu tới, đông về, cây lại chuyển màu lá đỏ. Phong lá đỏ thực sự hấp dẫn du khách tham quan du lịch, vãng cảnh chùa và ngắm rừng phong lá đỏ sắc biếc đặc trưng. Cây phong lá đỏ tiết ra một loại nhựa thơm đặc biệt. Vì vậy, trước đây, người dân địa phương thường lấy nhựa phong về làm hương. Những năm gần đây, trước sự quản lý của Hạt Kiểm Lâm thành phố Chí Linh, bà con địa phương hiểu rõ giá trị của rừng phong nên không khai thác nhựa, chung sức bảo vệ tái tạo rừng để có cảnh quan đẹp hơn.
Rừng phong lá đỏ Chí Linh, đang được bảo vệ và phát huy hết vẻ đẹp tự nhiên của thiên nhiên hùng vĩ. Đây là cây phong bản địa có nhiều giá trị về cảnh đẹp môi trường. Các nhà nghiên cứu của Tổ chức Bảo tồn đa dạng thực vật quốc tế BGCI đã công bố báo cáo cho thấy, có 14 loài phong đang nằm trong danh sách sắp biến mất khỏi tự nhiên, nếu không được bảo tồn kịp thời. Vì vậy, việc bảo tồn rừng phong đỏ là nhiệm vụ cấp thiết. Người dân Chí Linh mong ước, để nâng cao chức năng phòng hộ, môi trường và giá trị của tài nguyên rừng, rất cần được đầu tư nghiên cứu khoa học để bảo tồn. Đây là cơ sở khoa học và thực tiễn cho việc bảo tồn và phát triển rừng, tạo cảnh quan khu di tích.
Rừng phong đỏ Chí Linh đang mùa khoe sắc rực rỡ, báo hiệu Đông sắp qua, mùa Xuân đang về, cây cối sẽ đâm chồi nảy lộc. Thấp thoáng dưới tán rừng lá đỏ, từng tốp thanh niên, từng đôi uyên ương dắt tay nhau, chụp ảnh cho nhau, lưu giữ kỷ niệm đẹp trong không gian thanh bình. Tình yêu đôi lứa hòa cùng tình yêu thiên nhiên…
Kiên Cường – Báo TNMT
Theo Tài nguyên & Môi trường
Xem bài viết gốc tại đây:
https://baotainguyenmoitruong.vn/goc-troi-au-noi-dat-viet-349002.html