Việc xây dựng chợ đầu mối gia cầm liên vùng bảo đảm an toàn thực phẩm là cấp thiết, nhất là trong bối cảnh cả nước đang đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới. Vấn đề đặt ra, cần có cơ chế, chính sách để hỗ trợ mô hình này.
Khoảng mười năm trở lại đây, trên địa bàn xã Liên Sơn, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang đã hình thành chợ đầu mối tiêu thụ gia cầm, số lượng gà thịt được “xuất khẩu” hàng ngày từ nơi đây ước tính lên đến khoảng 500 tấn.
Đây là điều kiện thuận lợi cho phát triển thương mại và dịch vụ. Là điểm đến tin cậy của nhiều thương lái, doanh nghiệp, nhà đầu tư trong tương lai gần.
Cách trung tâm huyện Tân Yên chừng 3km, nằm giữa hai thị trấn: Thị trấn Cao Thượng và thị trấn Nhã Nam, Liên Sơn có vị trí địa lý rất thuận lợi, giao thương kết nối Lạng Sơn- Hà Nội- Thái Nguyên. Với diện tích tự nhiên là 7,67km2, dân số hiện nay khoảng 6.300 nhân khẩu với 1.713 hộ gia đình ở 7 thôn xóm.
Khác xa với vài năm trước, Liên Sơn hiện nay đang tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, đặc biệt là đã chuyển mình mạnh mẽ sau Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Là một xã có diện tích vườn đồi lớn phù hợp cho phát triển kinh tế vườn đồi kết hợp với chăm nuôi gia cầm, trú trọng phát triển sản xuất kinh tế theo hướng hàng hóa, an toàn.
Đặc biệt là phong trào thi đua chung tay xây dựng nông thôn mới, các cấp ủy Đảng, chính quyền, mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị- xã hội đã tuyên truyền vận động nhân dân trong xã hiến đất và tài sản trên đất cho dự án cải tạo, sửa chữa, nâng cấp quốc lộ 17 được 2.540m2 đất thổ cư, trị giá hàng chục tỷ đồng. Ngoài ra, nhân dân xã Liên Sơn đã “góp công- góp của” hiến đất để mở rộng các tuyến đường giao thông nông thôn, thủy lợi nội đồng và các công trình văn hóa…
Kết quả, từ năm 2012 đến nay, toàn xã Liên Sơn đã huy động nhân dân đóng góp được trên 68 tỷ đồng, vận động nhân dân hiến được 27.480m2 đất, cứng hóa được trên 20 km đường giao thông nông thôn. Đến cuối năm 2014 xã Liên Sơn được công nhận đạt chuẩn Nông thôn mới. Đến năm 2023, xã Liên Sơn phấn đấu xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
Theo con số thống kê của UBND huyện Tân Yên, sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản của xã Liên Sơn năm 2022 ước đạt 121,5 tỷ đồng; công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp – xây dựng: 167,4 tỷ đồng; thương mại- dịch vụ: 154,8 tỷ đồng. Tổng giá trị sản xuất đến năm 2021 đạt 443,7 tỷ đồng.
Nhận thấy tiềm năng của xã, UBND huyện Tân Yên và đã sớm quy hoạch và đề nghị UBND tỉnh Bắc Giang điều chỉnh bổ sung xây dựng 5 KCN, 8 CCN tập trung với tổng diện tích lên đến 915ha. Trong đó, phải kể đến dự án quy hoạch CCN Tân Sơn tại xã Liên Sơn với điểm nhấn nhằm phát huy thế mạnh của xã hiện nay đó là Chợ đầu mối gia cầm (Chợ gà).
Theo đánh giá của các chuyên gia, CCN này và chợ đầu mối chế biến nông lâm sản sẽ phụ trợ, thúc đẩy phát triển và thu hút nhiều nhà đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, chăn nuôi… Đây là hướng đi đúng đắn, của cấp ủy cũng như chính quyền địa phương.
Chợ gà đầu mối ở Tân Yên được hình thành từ khu vực ngã ba Đình Nẻo (Liên Sơn). Đây là nơi giao thông thuận lợi- địa điểm “xuất khẩu” gia cầm đi các tỉnh thành. Chợ gà Đình Nẻo hiện có khoảng hơn 200 hộ kinh doanh buôn bán nằm sát quốc lộ 17 và tỉnh lộ 298, mỗi ngày tiêu thụ khoảng 500 tấn gà đi các tỉnh thành cả nước.
Tuy nhiên, cũng đã trở thành “điểm nóng” gây cản trở, ách tắc giao thông và ô nhiễm môi trường, phát tán dịch bệnh…Do đến nay chợ vẫn là tự phát, chưa có đơn vị vận hành, chưa được quy hoạch quy củ…
Việc xây dựng chợ đầu mối tập trung không chỉ giúp giải quyết vấn đề về trật tự an toàn giao thông, vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh, PCCC mà còn giúp các hộ tiểu thương ổn định buôn bán, từ đó xây dựng thương hiệu địa phương.
Hơn nữa, huyện Tân Yên đã phê duyệt dự án và đang tiến hành giải phóng mặt bằng, tổ chức mời thầu với gói thầu xây dựng đường tỉnh 298 kéo dài, chạy qua cụm CCN và chợ đầu mối để kết nối với vùng nguyên liệu của Yên Thế.
Trong tương lai gần, khi Chợ đầu mối gia cầm Liên Sơn đi vào hoạt động, sẽ giúp thay đổi diện mạo hạ tầng đô thị địa phương và còn góp phần thu hút làn sóng đầu tư, tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động, thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội tại xã Liên Sơn và huyện Tân Yên.
Một chuyên gia Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới Quốc gia cho biết, theo quy hoạch mạng lưới chợ đầu mối, các chợ đều nằm ở khu vực đô thị nên sẽ liên quan trực tiếp đến công cuộc xây dựng nông thôn mới. Do đó, nếu làm tốt việc phát triển chợ đầu mối sẽ giải quyết được nhiều vấn đề nổi cộm với Hà Nội như: Bảo vệ môi trường, chuyển dịch cơ cấu lao động, việc làm, liên kết chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm và an toàn vệ sinh thực phẩm. Vì thế, cần cơ chế linh hoạt để hình thành các chợ nông sản đầu mối, bảo đảm thuận lợi cho công tác quản lý, quy trình công nghệ, liên kết sản xuất – tiêu thụ sản phẩm.
Mới đây, tại Hội thảo quốc tế về mô hình “Chợ đầu mối nông sản bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm” do Bộ NN&PTNT tổ chức, nhiều ý kiến cho rằng, sở dĩ gặp khó khăn trong phát triển mô hình chợ đầu mối là do: Công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng ở một số địa phương gặp nhiều vướng mắc; tiến độ triển khai các dự án xây dựng chợ chậm, ảnh hưởng đến việc thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển hệ thống chợ nói chung, chợ nông thôn và chợ đầu mối tiêu thụ nông sản an toàn nói riêng. Ngoài ra, công tác quản lý quy hoạch tại một số địa phương chưa được coi trọng; việc gắn kết giữa các địa phương trong triển khai thực hiện quy hoạch chợ và thu hút các dự án đầu tư phát triển chợ còn hạn chế…
Theo thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam, khó khăn lớn nhất hiện nay là do thiếu cơ chế, chính sách để hỗ trợ thúc đẩy phát triển chợ đầu mối, nhất là việc thu hút doanh nghiệp đầu tư và quản lý theo hình thức xã hội hóa. Tiếp thu kinh nghiệm phát triển chợ đầu mối ở một số nước trên thế giới, Bộ NN&PTNT sẽ phối hợp với bộ, ngành liên quan định hướng cơ chế, chính sách và giải pháp nhằm xây dựng mạng lưới chợ đầu mối hiệu quả, phù hợp với thực tế ở Việt Nam./.
Diệp Anh
(Theo Môi trường & Đô thị điện tử)