Năm 2022, UBND huyện Chương Mỹ đã nhiều lần kiểm tra và chỉ ra hàng loạt vi phạm pháp luật về môi trường của các trang trại lợn tại xã Phú Nghĩa. Vậy trách nhiệm của chính quyền địa phương có vô can?
Dân kêu trời vì ô nhiễm
Theo phản ánh của người dân địa phương, thời gian qua trên khu vực cánh đồng thôn Phú Vinh, xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ, TP.Hà Nội có khoảng 20 trang trại lợn xả thải không qua xử lý gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Nhóm Phóng viên Tạp chí Kinh tế Môi trường đã có mặt tại hiện trường để ghi nhận lại sự việc, hàng loạt trang trại lợn chăn nuôi với quy mô lớn, có trang trại diện tích lên đến cả nghìn mét vuông được xây dựng trên cánh đồng 2 lúa, những lúc cao điểm lên đến hàng vạn con.
Dọc theo các bờ kênh tưới tiêu T8 dành cho sản xuất nông nghiệp cách đoạn lại có hàng chục ống cống được chôn sâu phía dưới nước thải không qua xử lý, thải thẳng ra môi trường khiến cho con kênh đen kịt, đặc quánh. Mùi hôi thối, ruồi bọ tại các bể chứa phân, nước thải khiến cho không khí vô cùng ngột ngạt, khó thở.
Ông Nguyễn Văn N., người dân thôn Phú Vinh bức xúc cho biết: Chúng tôi gửi đơn về huyện và xã bao nhiêu lần rồi nhưng không được giải quyết, các trang trại này từ lâu đã xả thải trực tiếp ra hệ thống kênh mương tưới tiêu khiến cho người dân không thể canh tác, sản xuất nông nghiệp.
Theo quan sát của Phóng viên, các trang trại được xây dựng một cách tạm bợ, không có hệ thống xử lý môi trường theo quy định. Hầu hết phân lợn, chất thải được tập kết tại các hố đất tự đào, cái lộ thiên, cái được che phủ bạt nhưng không tránh khỏi sự phát tán mùi hôi thối ra môi trường. Từ các hố tập kết phân, nước thải được cho tự chảy ra môi trường qua các cống ngầm mà không hề được xử lý.
Cánh đồng thôn Phú Vinh có khoảng trên 20 trang trại chăn nuôi tập chung.
Cũng theo người dân địa phương việc phát thải trực tiếp của các trang trại lợn không chỉ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ảnh hưởng đến đời sống, sức khỏe của người dân địa phương mà còn ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp khi hàng chục héc ta lúa, hoa mầu của người dân phải bỏ hoang không canh tác được.
Trong năm 2022, UBND huyện Chương Mỹ cũng đã nhiều lần tổ chức đoàn kiểm tra, cụ thể trong tháng 6/2022, đối với các trang trại chăn nuôi của hộ ông: Nguyễn Văn Tuấn, Trần Văn Mạnh; Trần Văn Tưởng; Nguyễn Trọng Tuấn… trong biên bản đều chỉ ra rằng các trang trại này đều không cung cấp được hồ sơ pháp lý về môi trường và tài nguyên nước theo quy định.
Biên bản kiểm tra của UBND huyện Chương Mỹ.
Tại biên bản kiểm tra hộ ông Trần Văn Mạnh ngày 22/6/2022, ghi rõ: Nước thải trong quá trình sản xuất tại bể lắng số 3 vỡ tường bao, chảy vào bể lắng của hộ ông Nguyễn Trọng Tuấn do vượt công suất chứa, chảy trực tiếp ra môi trường, cụ thể tại kênh T8, nước thải có màu và mùi hôi thối. Hay tại biên bản kiểm tra ngày 28/6/2022 của hộ ông Nguyễn Văn Tuấn ghi rõ: có tình trạng bục, thủng một góc gây tràn nước thải trong quá trình chăn nuôi không được xử lý, nước thải qua quan sát bằng mắt thường có mùi đen, mùi hôi thối chảy thẳng ra kênh T8…
Còn trong biên bản kiểm tra tháng 8/2022 đối với các hộ ông (bà): Trần Văn Ngoạt, Vương Văn Tạo; Trần Văn Tư; Nguyễn Văn Hùng; Nguyễn Hữu Ngọ; Nguyễn Văn Hán; Trịnh Thị Phương; Trần Thu Hà… các trang trại này cũng chưa cung cấp được hồ sơ pháp lý về bảo vệ môi trường và tài nguyên nước theo quy định và cũng xả nước thải ra môi trường mà chưa được xử lý.
Chính quyền địa phương có vô can?
Như vậy, có thể thấy vi phạm pháp luật về môi trường tại khu trang trại chăn nuôi tập chung của xã Phú Nghĩa khá rõ ràng, cụ thể nhưng không hiểu sao đến thời điểm hiện tại chính quyền địa phương vẫn chưa có những biện pháp quyết liệt đối với các trường hợp vi phạm pháp luật về môi trường này!?
Để làm rõ những vấn đề liên quan Nhóm Phóng viên Tạp chí Kinh tế Môi trường đã nhiều lần liên hệ với UBND xã Phú Nghĩa mà cụ thể là ông Nguyên Văn Doanh, Chủ tịch UBND. Tuy nhiên, đến nay đã hơn 1 tháng trôi qua Nhóm PV vẫn chưa nhận được bất kỳ phản hồi nào từ vị lãnh đạo này.
Trước đó, tháng 6/2022, ông Doanh đã từng trả lời công luận: UBND xã kiểm tra, đối với những hộ nào làm ảnh hưởng đến môi trường, chính quyền địa phương sẽ yêu cầu đình chỉ, không cho hoạt động nữa. Nhưng đến nay việc ô nhiễm môi trường của các trang trại chăn nuôi này vẫn đang tiếp diễn, chưa hề có bất kỳ sự thay đổi nào.
UBND xã Phú Nghĩa.
Trao đổi với bà Nguyễn Thanh Hương, Phó trưởng phòng TNMT huyện Chương Mỹ, bà Hương cho biết: UBND huyện Chương Mỹ đã nhiều lần thành lập đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra việc chấp hành pháp luật về môi trường tại khu chăn nuôi tập trung tại thôn Phú Vinh, xã Phú Nghĩa. Về kết quả kiểm tra cũng đã có nhưng chúng tôi cũng đang phải chờ quy định mới để áp dụng các biện pháp xử lý cho phù hợp. Về trách nhiệm chúng tôi cũng đang tổng hợp báo cáo Huyện ủy để xem xét trách nhiệm người đứng đầu địa phương khi để xảy ra các vi phạm pháp luật về môi trường.
Vẫn biết tạo điều kiện cho người dân chăn nuôi nhằm phát triển kinh tế, nhưng rõ ràng các trang trại lợn ở xã Phú Nghĩa đã bất chấp, thậm chí coi thường quy định Luật môi trường, Luật Đất đai, Luật Xây dựng… Còn chính quyền địa phương có phải đang đánh đổi môi trường lấy phát triển kinh tế bằng mọi giá!?
Dư luận cho rằng việc trang trại chăn nuôi gây ô nhiễm môi trường trong thời gian dài là trách nhiệm của người đứng đầu, cán bộ, công chức được giao nhiệm vụ mà trực tiếp là xã Phú Nghĩa và huyện Chương Mỹ.
Nước thải không được xử lý chảy thẳng ra môi trường.
Cử tri địa phương cũng đề nghị UBND TP.Hà Nội cùng các cơ quan chức năng vào cuộc thanh, kiểm tra làm rõ những những vi phạm pháp luật, đặc biệt chấp hành pháp luật về môi trường, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, cấp phép xây dựng trang trại… có hay không dấu hiệu bảo kê, hiệu lợi ích nhóm cho những tồn tại, vi phạm này.
Theo quy định tại điểm đ, khoản 3, điều 168: Luật Bảo vệ môi trường số 72/2020/QH14. Ủy ban nhân dân cấp xã, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm sau đây: Kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường theo thẩm quyền hoặc chuyển người có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật; giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị về bảo vệ môi trường theo thẩm quyền… Cũng theo quy định tại khoản 9, điều 6: Các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động bảo vệ môi trường: Che giấu hành vi gây ô nhiễm môi trường, cản trở, làm sai lệch thông tin, gian dối trong hoạt động bảo vệ môi trường dẫn đến hậu quả xấu đối với môi trường. |
Kiên Giang – Tạp chí KTMT
Theo Kinh tế Môi trường
Ảnh: Miệng ống cống từ trang trại chảy thẳng ra kênh T8.
Xem bài viết gốc tại đây: