Thật khó có ai có được một “gia tài” ảnh về Vịnh Hạ Long vượt qua được nghệ sĩ nhiếp ảnh Đỗ Kha. Cảnh sắc trên Vịnh Hạ Long đều hiển hiện trong ảnh, trong từng góc ông bấm máy.
Bấm máy bằng cả tấm lòng mình đối với quê hương
Không quá khi nói về ông như vậy, bởi với 160 phim dương bản và hàng ngàn tấm phim âm bản mà ông đã thầm lặng đi và chụp, những cảnh bình minh lên hay khi hoàng hôn buông xuống, các mùa thay đổi trong năm với cảnh sắc trên Vịnh Hạ Long, đều hiển hiện trong ảnh, trong từng góc ông bấm máy.
Với đóng góp của ông, Vịnh Hạ Long đã được UNESCO công nhận Di sản thiên nhiên thế giới năm 1994, từ những thước phim dương bản và âm bản nêu trên được trình chiếu tại Phu Kẹt Thái Lan.
Đối với tôi, Nghệ sĩ nhiếp ảnh (NSNA) Đỗ Kha là người bạn vong niên, là người anh mà tôi kính trọng. Ông từng là nhà báo chiến trường trong hai cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, chống Mỹ… thập niên 60-70 của thế kỷ trước.
Ông sinh ra tại mảnh đất bãi Cháy, bên bờ Vịnh Hạ Long thơ mộng, tâm hồn ông là tâm hồn thi sĩ, nghệ sĩ, thấm đẫm tiếng ru của mẹ hòa trong tiếng gió, tiếng sóng của biển khơi đã ru ông lớn lên. 17 tuổi ông tham gia làm thợ mỏ, rồi ông chuyển sang làm báo Quảng Ninh, nhưng ông đặc biệt yêu hội họa, ông từng vẽ tranh chân dung các thợ mỏ, những cô gái dân quân, tự vệ vùng mỏ, cảnh quan kỳ vĩ Vịnh Hạ Long…
Khi có điều kiện cầm máy ảnh, cái máy ảnh cổ lỗ hiệu Fed-2 của Liên Xô mà đồng nghiệp đã thải hồi, đối với ông còn quý hơn cả vàng. Ông có thể nhịn ăn, dành tiền lương thuê thuyền, nhờ thuyền câu, thuyền chài ra vịnh, hỏi thăm ngư dân những hang núi, những cảnh quan chưa ai biết, lặn lội ngày đêm chụp bằng được thần thái của núi, của sương, của nắng, mưa, mây khói, của trăng… trên Vịnh Hạ Long. Có thể nói, NSNA Đỗ Kha bấm máy bằng cả tấm lòng mình đối với quê hương.
Không chỉ chụp cảnh quan Vịnh Hạ Long, NSNA Đỗ kha còn là một phóng viên chiến trường, vì vậy ông có mảng đề tài khác cũng rất giá trị. Đó là một kho ảnh đồ sộ với rất nhiều ảnh đen trắng về chiến tranh biên giới phía Bắc năm 1979. Kho tư liệu ảnh của ông về những nữ dân quân, bộ đội, dân công phục vụ chiến đấu, từ mảnh đất Bình Liêu đến địa đầu Móng Cái đa dạng, nhiều chủ đề và có nội dung sâu sắc.
Cho đến nay, NSNA Đỗ Kha đã nhận nhiều giải thưởng về ảnh Vịnh Hạ Long cũng như được vinh danh các tước hiệu quốc gia và quốc tế khác nhau.
Thay lời kết
Có lẽ cuộc gặp của chúng tôi với NSNA Đỗ Kha là cái duyên, cái duyên ấy bắt đầu từ việc tòa soạn Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam tổ chức Gala tổng kết cuối năm 2022 tại Bãi Cháy, quê hương của NSNA Đỗ Kha và chúng tôi đã liên hệ ông vào sáng 7/1/2023 sẽ đến thăm.
Khi vừa phân xong ngôi chủ khách, trà rót ra chưa kịp nhấp môi, Nhà văn Đặng Vương Hưng bỗng thú vị thốt lên: “NSNA Đỗ Kha có bộ sách của tôi kìa!”. Quả thật trên giá sách phòng làm việc của Đỗ Kha có trọn bộ 4 tập sách dày Nhật ký Thời chiến Việt Nam của nhiều tác giả, do ông chủ biên. Nhà văn Đặng Vương Hưng đã trân trọng ký tặng bộ sách cho NSNA Đỗ Kha, và NSNA Đỗ Kha cũng xúc động trao tặng Nhà văn Đặng Vương Hưng bộ ảnh quý về Vịnh Hạ Long mà ông mới xuất bản.
Trước khi chia tay, chúng tôi bày tỏ sự biết ơn sự cống hiến của ông với di sản quốc gia Vịnh Hạ Long hôm nay và khẳng định trong đó có sự quan tâm động viên trực tiếp rất lớn từ lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh qua các thời kỳ. Thật bất ngờ, giọng ông bỗng chùng xuống, ông nói chậm như nói với chính mình: “Từ năm 1994 đến nay, tôi nhận được duy nhất một cái giấy khen của tỉnh”.
Năm nay, NSNA Đỗ Kha đã 85 tuổi, ông có thể chờ đợi sự vinh danh ông trong thời gian bao lâu nữa? Nhiều chục năm qua, hàng trăm triệu du khách trong nước và đặc biệt nhiều triệu lượt khách quốc tế đã biết và đã đến với Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long của Việt Nam nhưng đã mấy ai biết, nhắc nhớ tên ông, dù chỉ để làm ấm lòng một cây đại thụ trong làng nhiếp ảnh Việt Nam – NSNA Đỗ Kha?
Thái Minh Châu
(Theo Môi trường & Đô thị điện tử)
Ảnh: NSNA Đỗ Kha trao tặng bộ sách, ảnh Vịnh Hạ Long cho Nhà văn Đặng Vương Hưng.