Gỡ vướng hơn 1.000 dự án bất động sản, báo cáo Thủ tướng trong tháng 12

Bộ Xây dựng cho biết, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ hiện đang tích cực làm việc trực tiếp với các địa phương và có tổng hợp, kiến nghị riêng từ các doanh nghiệp. Tổ công tác sẽ báo cáo Thủ tướng kết quả thực hiện nhiệm vụ trong tháng 12/2022.

Đây là thông tin được Bộ Xây dựng trả lời kiến nghị cử tri trước kỳ họp thứ 4, Quốc hội Khóa XV. Trước bối cảnh tình hình thế giới đang có nhiều biến động nhanh chóng, phức tạp và khó lường; có tác động, ảnh hưởng rất lớn đến nước ta, cử tri mong muốn Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sớm có những giải pháp đẩy nhanh tiến độ xử lý những hạn chế, vướng mắc, những tồn tại, điểm nghẽn, nút thắt thị trường bất động sản.

Về vấn đề này, Bộ Xây dựng cho biết, trước bối cảnh diễn biến phức tạp của thị trường bất động sản thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo kịp thời, quyết liệt để tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản.

Ngày 14/7, Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì Hội nghị phát triển thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh, bền vững. Trên cơ sở kết quả Hội nghị, Bộ Xây dựng đã tham mưu và được Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 13 ngày 29/8/2022 về giải pháp thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn lành mạnh.

Trong đó, có nhiều giải pháp, nhiệm vụ cụ thể đối với các Bộ ngành, địa phương để giải quyết các khó khăn, vướng mắc, những tồn tại, điểm nghẽn, nút thắt thị trường bất động sản.

Ngày 17/11, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1435 về việc thành lập Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản cho các địa phương, doanh nghiệp.

“Thực hiện nhiệm vụ được giao, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ hiện đang tích cực làm việc trực tiếp với các địa phương và có tổng hợp, kiến nghị riêng từ các doanh nghiệp để rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản cho các địa phương, doanh nghiệp. Tổ công tác sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện nhiệm vụ trong tháng 12/2022” – Bộ Xây dựng cho hay.

Đồng thời, Bộ Xây dựng hiện nay đang hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến lĩnh vực bất động sản để sớm trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định trình tự triển khai thực hiện đối với dự án nhà ở, khu đô thị) để tạo khung pháp lý cho hoạt động kinh doanh bất động sản, tăng cường hiệu quả quản lý thị trường bất động sản trong dài hạn.

Trong thời gian tới, Bộ Xây dựng đề nghị các địa phương khẩn trương hoàn thiện các quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở; rà soát quỹ đất, danh mục dự án kêu gọi đầu tư, tổ chức giao đất, đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án lựa chọn chủ đầu tư để thúc đẩy phát triển, tăng nguồn cung bất động sản, nhà ở phục vụ nhu cầu ở thực tế…

Tập trung gỡ vướng cho hơn 1.000 dự án bất động sản

Đánh giá về thị trường bất động sản thời gian qua, theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh gần đây thị trường có một số dấu hiệu phát triển không ổn định, có nguy cơ dẫn đến bong bóng.

Về nguồn cung, nhiều dự án đầu tư vướng thủ tục pháp lý chưa triển khai thực hiện hoặc dừng thi công khiến nguồn cung giảm. Cơ cấu sản phẩm bất động sản đang ở tình trạng mất cân đối, chưa phù hợp nhu cầu thị trường: Dư thừa nhà ở thương mại cao cấp, ít nhà ở giá trung bình phù hợp với đại đa số người dân, nhất là nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân. Vì vậy, giá nhà ở neo mức cao, người dân khó tiếp cận, tác động đến tính thanh khoản. Lượng giao dịch bất động sản giảm, nhất là trong quý IV/2022.

Cùng với đó là những khó khăn của doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản. Việc khó tiếp cận vốn tín dụng, phát hành trái phiếu doanh nghiệp khiến cho dự án bất động sản dừng thi công. Ngoài ra, lãi suất cho vay, tỷ giá ngoại tệ, giá nguyên vật liệu tăng… khiến một số doanh nghiệp thu hẹp quy mô đầu tư sản xuất, kinh doanh, giảm lao động, nhà thầu phải dừng thi công…

Ngoài ra còn những khó khăn do tâm lý khách hàng. Một số dự án không bảo đảm pháp lý khiến các nhà đầu tư, người dân mất lòng tin.

Trao đổi về hoạt động của Tổ công tác của Thủ tướng, Thứ trưởng cho biết, thời gian qua, Tổ công tác đã làm việc với một số địa phương, doanh nghiệp, ghi nhận một số nhóm vấn đề vướng mắc có thể tác động đến thị trường bất động sản. Vướng mắc liên quan đến các quy định pháp luật chồng chéo, mâu thuẫn và việc thực thi pháp luật chưa nghiêm ở một số địa phương, dự án; vướng mắc liên quan pháp luật đất đai; vướng mắc liên quan quy hoạch; vướng mắc liên quan đến pháp luật về đầu tư, đấu thầu dự án có đất công xen kẽ; vướng mắc về hoạt động đầu tư phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân…

Với nhóm giải pháp thúc đẩy dự án đang triển khai, các bộ, ngành, địa phương rà soát dự án đang triển khai đủ điều kiện pháp lý, có khó khăn sẽ đôn đốc; các dự án còn vướng pháp lý thì làm rõ nội dung vướng mắc để tháo gỡ, nhất là dự án nhà ở thương mại. Hiện cả nước còn hơn 1.000 dự án ở nhóm này, khi được tháo gỡ khó khăn, sẽ tạo nguồn cung đáng kể cho thị trường – Thứ trưởng thông tin.

Về các giải pháp lâu dài, theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh, cần tập trung sửa đổi các văn bản pháp luật còn chồng chéo, mâu thuẫn, gây khó khăn cho doanh nghiệp. Cùng với đó, các địa phương tích cực nắm bắt tình hình doanh nghiệp trên địa bàn để có giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển ổn định, lành mạnh.

Hồng Khanh – Báo VietnamNet

Theo VietnamNet

Ảnh: Tập trung gỡ vướng cho hơn 1.000 dự án, tăng nguồn cung cho thị trường bất động sản (Ảnh: Hoàng Hà)

Xem bài viết gốc tại đây:

https://vietnamnet.vn/go-vuong-hon-1-000-du-an-bat-dong-san-bao-cao-thu-tuong-trong-thang-12-2093911.html