Các đợt ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tại Hà Nội, TP.HCM và nhiều tỉnh, thành, với chỉ số chất lượng không khí ở nhiều nơi vượt mức cảnh báo đỏ, đang gây ra những nguy hại cho sức khỏe con người.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) liên tục cảnh báo mối đe dọa từ ô nhiễm không khí tới sức khỏe con người. Nguồn gốc của tác nhân gây ô nhiễm không khí đến từ các hoạt động của con người như khí thải của các xe cơ giới, hoạt động công nghiệp, xây dựng cơ sở hạ tầng, nhiệt điện, lọc dầu, đốt rác thải công nghiệp, nông nghiệp, các hoạt động nấu ăn, sưởi ấm nhiên liệu.
Trong những ngày qua, các tỉnh miền Bắc đang có những đợt không khí lạnh cường độ mạnh liên tục gây ảnh hưởng tới đời sống người dân. Đáng lo ngại là không khí lạnh kết hợp với các đợt ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tại Hà Nội và nhiều tỉnh, thành miền Bắc đang gây ra những nguy hại cho sức khỏe.
Ghi nhận từ hệ thống theo dõi chất lượng không khí PAM Air (mạng lưới theo dõi chất lượng không khí thực tế đầu tiên phủ khắp 63 tỉnh, thành phố) cho thấy, nhiều ngày qua, hàng loạt điểm quan trắc trên địa bàn Hà Nội có chỉ số chất lượng không khí (AQI) ở mức 160-198 (không khí xấu, có hại cho sức khỏe), thậm chí một số điểm AQI ở mức 211-290 (nguy hại) và một số điểm ở mức vượt ngưỡng 300 – rất nguy hại cho sức khỏe. Thời điểm không khí bị ô nhiễm nhất thường vào sáng sớm và kéo dài tới trưa, thậm chí có ngày tới chiều tối. Nhiều tỉnh phía Bắc đang có tốc độ xây dựng cao và phát triển mạnh về công nghiệp cũng bị ô nhiễm trầm trọng, như: Bắc Ninh, Hưng Yên, Thái Nguyên, Hà Nam, Hải Dương, Hải Phòng.
Bên cạnh đó, nồng độ bụi mịn PM2.5 (tác nhân gây nguy hại lớn nhất đối với sức khỏe con người, đặc biệt là các bệnh về hô hấp và tim mạch) đo được trong không khí ở mức rất cao.
Theo quy chuẩn quốc gia QCVN 05:2013/BTNMT, nồng độ bụi mịn trung bình là 25μg/m3; còn tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới là 10μm/m3. Nhưng thực tế tại nhiều điểm quan trắc ở Hà Nội, Thái Nguyên, Bắc Ninh cho thấy, bụi mịn PM2.5 ở mức 70-135μg/m3.
Trong khi đó, là thành phố lớn và phát triển bậc nhất cả nước, TP.HCM cũng đang phải chịu tình trạng ô nhiễm không khí khi chỉ số chất lượng không khí ở nhiều nơi vượt mức cảnh báo đỏ, đặc biệt vào thời điểm cuối năm.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, kết quả quan trắc không khí nhiều tuần qua cho thấy nồng độ bụi mịn PM2.5 tại thành phố đều vượt ngưỡng cho phép.
Cụ thể, trong đợt đo từ 31/10-6/11, chỉ số PM2.5 trung bình 24h có 19% giá trị quan trắc không đạt quy chuẩn. Đợt đo tiếp theo từ ngày 7/11 đến ngày 13/11 cho thấy chỉ số PM2.5 trung bình 24h có 21,9% giá trị quan trắc không đạt. Giai đoạn 14/11-20/11, các chỉ tiêu bụi (TSP) có 42,9% giá trị quan trắc không đạt, chỉ số PM2.5 trung bình 24h có 9,5% giá trị quan trắc không đạt.
Các chuyên gia nhận định, đây là hiện tượng thường thấy tại khu vực Nam Bộ vào những tháng cuối năm, thời điểm giao mùa giữa mùa mưa và mùa khô. Hiện tượng này được Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM công bố với tên gọi “mù quang hóa”.
Theo các chuyên gia, để kiểm soát tình trạng ô nhiễm không khí, cần thực hiện nghiêm chỉnh luật bảo vệ môi trường, quản lý và kiểm soát những nguồn tác nhân gây ô nhiễm môi trường bằng các biện pháp như: Thay thế các trang thiết bị cũ bằng trang thiết bị hiện đại; Quản lý và xử lý chặt chẽ các chất thải hay khí thải ra ngoài ngoài môi trường; Sử dụng buồng lắng bụi, lọc bụi để giảm ô nhiễm không khí; Hạn chế tối đa việc sử dụng các nguồn nhiên liệu như than đá, củi, dầu trong sản xuất hay tiêu dùng hàng ngày; Trồng nhiều cây xanh…
Trước đó, nhằm chủ động kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí, giảm đến mức thấp nhất tác động đến sức khỏe người dân, ngày 23/11/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1973/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch quốc gia về quản lý chất lượng môi trường không khí giai đoạn 2021-2025, với mục tiêu tăng cường công tác quản lý chất lượng môi trường không khí thông qua kiểm soát nguồn phát sinh khí thải, giám sát chất lượng không khí chung quanh, cảnh báo, dự báo chất lượng không khí nhằm cải thiện chất lượng môi trường không khí và bảo đảm sức khỏe cộng đồng. Để thực hiện những mục tiêu nêu trên, nhất là giảm tác hại sức khỏe do ô nhiễm không khí gây ra, các chuyên gia môi trường và y tế cho rằng, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần tăng cường hơn nữa trong công tác quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình quan trắc chất lượng không khí bảo đảm hiệu quả; công bố kết quả quan trắc và kịp thời cảnh báo ô nhiễm không khí cho cộng đồng. Khẩn trương xây dựng và triển khai thực hiện việc đầu tư, tăng cường năng lực quan trắc chất lượng môi trường không khí phù hợp quy hoạch tổng thể quan trắc môi trường quốc gia, bảo đảm đến năm 2025 phải kiểm soát, cảnh báo, dự báo được diễn biến chất lượng không khí tại các đô thị, vùng, miền trên phạm vi cả nước… Mặt khác, Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp các bộ, ngành, địa phương rà soát quy định pháp luật về bảo vệ môi trường không khí, hoàn thiện theo thẩm quyền hoặc kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoàn thiện các quy định, chính sách pháp luật về kiểm soát ô nhiễm không khí… |
Lan Anh – Tạp chí KTMT
Theo Kinh tế Môi trường
Ảnh: Không khí lạnh kết hợp với các đợt ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tại Hà Nội và nhiều tỉnh, thành miền Bắc đang gây ra những nguy hại cho sức khỏe.
Xem bài viết gốc tại đây:
https://kinhtemoitruong.vn/canh-bao-hiem-hoa-lon-tu-o-nhiem-khong-khi-nghiem-trong-74627.html