Bị nhà máy nghìn tỷ ‘bỏ rơi’, nhiều xã ở Hà Nội khát nước sạch

Tháng 8/2022, liên danh Công ty cổ phần nước Aqua One và Công ty cổ phần nước mặt sông Đuống có văn bản đề xuất không đầu tư hệ thống nước sạch tại 18 xã còn lại của huyện Sóc Sơn (Hà Nội).

Mới đây, cử tri nhiều địa phương như Đông Anh, Sóc Sơn, Thạch Thất, Phúc Thọ… phản ánh với UBND thành phố Hà Nội tình trạng thiếu nước sạch sinh hoạt, mặc dù đã có dự án cấp nước nhưng bị chậm tiến độ nhiều năm qua, khiến cuộc sống bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Cử tri huyện Đông Anh cho biết, trên địa bàn còn 4 xã (Thụy Lâm, Liên Hà, Vân Hà, Bắc Hồng) chưa có nước sạch, đề nghị thành phố chỉ đạo đơn vị liên quan sớm hoàn thành việc cấp nước sạch cho 4 xã này.

Cử tri huyện Sóc Sơn cũng đề nghị thành phố Hà Nội chỉ đạo nhà đầu tư sớm hoàn thành hệ thống cấp nước sạch trên địa bàn, đặc biệt là các xã đăng ký hoàn thành nông thôn mới năm 2022.

Trong khi đó, trên địa bàn huyện Thạch Thất và Phúc Thọ còn 20 xã chưa có hệ thống nước sạch. Cử tri 2 huyện này đề nghị thành phố sớm chọn các nhà đầu tư có đủ năng lực, kinh nghiệm xây dựng trạm cấp nước và thực hiện dự án nước sạch.

Trả lời cử tri, UBND thành phố Hà Nội cho biết, để đảm bảo toàn bộ người dân khu vực nông thôn đến năm 2025 được cung cấp nước sạch, từ tháng 12/2021, UBND thành phố đã ban hành nhiều kế hoạch hoàn thành các dự án phát triển nguồn tập trung và các dự án phát triển mạng cấp nước sạch trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025.

Tuy nhiên, do có những khó khăn, vướng mắc nên việc thực hiện của một số nhà đầu tư còn chậm trễ dẫn đến mục tiêu chung về đảm bảo an sinh cho người dân gặp khó khăn.

Cụ thể, 4 xã trên địa bàn huyện Đông Anh chưa có nước sạch nằm trong phạm vi dự án phát triển mạng lưới phân phối nước sạch được UBND thành phố Hà Nội giao liên danh Công ty cổ phần nước Aqua One và Công ty cổ phần nước mặt sông Đuống thực hiện từ năm 2017.

Trong các năm 2021 và 2022, Sở Xây dựng Hà Nội đã có văn bản đôn đốc nhà thầu thực hiện dự án. Sở Xây dựng cũng đã làm việc với các sở ngành và UBND huyện Đông Anh cũng như liên danh Công ty cổ phần nước Aqua One và Công ty cổ phần nước mặt sông Đuống để rà soát, thống nhất giải pháp cấp nước cho các xã còn lại của huyện Đông Anh.

Đến tháng 8/2022, liên danh Công ty cổ phần nước Aqua One và Công ty cổ phần nước mặt sông Đuống có văn bản đề xuất tiếp tục hoàn thiện hệ thống cấp nước sạch cho 2 xã Vân Hà, Liên Hà. Tuy nhiên, liên danh này cũng đề nghị không đầu tư hệ thống nước sạch ở xã Bắc Hồng và Thụy Lâm.

Cũng từ năm 2017, UBND thành phố Hà Nội cũng đã giao liên danh Công ty cổ phần nước Aqua One và Công ty cổ phần nước mặt sông Đuống thực hiện dự án cấp nước cho các xã trên địa bàn huyện Sóc Sơn.

Tuy nhiên, theo UBND thành phố, việc triển khai dự án của nhà đầu tư chậm so với kế hoạch. Do vậy, đến nay toàn bộ 18 xã của huyện Sóc Sơn chưa được nhà đầu tư làm hệ thống nước sạch.

Trước tình trạng trên, UBND thành phố Hà Nội đã chỉ đạo Sở Xây dựng có văn bản đôn đốc các nhà đầu tư rà soát, thống nhất giải pháp cấp nước cho các xã còn lại của huyện Sóc Sơn.

Đến tháng 8/2022, liên danh Công ty cổ phần nước Aqua One và Công ty cổ phần nước mặt sông Đuống có văn bản đề xuất không đầu tư hệ thống nước sạch tại 18 xã còn lại của huyện Sóc Sơn.

Trên cơ sở đề xuất của liên danh, UBND thành phố Hà Nội đã có văn bản giao Sở KH&ĐT làm thủ tục chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư của dự án phát triển mạng lưới phân phối nước sạch của 18 xã thuộc huyện Sóc Sơn.

Theo UBND thành phố Hà Nội, hiện nay trên địa bàn huyện Phúc Thọ còn 9 xã chưa có nước sạch từ nguồn tập trung của thành phố. Trong đó, 4 xã (Xuân Đình, Hát Môn, Tam Thuấn, Vân Hà) chưa có nhà đầu tư; 5 xã (Long Xuyên, Thượng Cốc, Xuân Phú, Vân Nam, Vân Phúc) đã có nhà đầu tư nhưng chưa triển khai dự án.

Đến nay, Sở Xây dựng Hà Nội đã làm việc với các sở ngành và nhà đầu tư để rà soát, thống nhất giải pháp cấp nước cho các xã còn lại trên địa bàn huyện Phúc Thọ.

Trả lời cử tri huyện Thạch Thất, UBND thành phố Hà Nội cho biết, cơ quan này đã giao Sở Xây dựng làm việc với các nhà đầu tư thống nhất giải pháp cấp nước sạch cho 11 xã còn lại trên địa bàn huyện chưa có nước sạch.

Trường Phong – Báo Tiền Phong

Theo Tiền Phong

Ảnh: Nhà máy nước mặt sông Đuống được khởi công từ tháng 3/2017, có diện tích gần 61,5 ha, với tổng vốn đầu tư gần 5.000 tỷ đồng tại xã Phù Đổng và xã Trung Mầu (huyện Gia Lâm). Ảnh: PV

Xem bài viết gốc tại đây:

https://tienphong.vn/bi-nha-may-nghin-ty-bo-roi-nhieu-xa-o-ha-noi-khat-nuoc-sach-post1492674.tpo