Trên bất cứ con đường nào của thành phố Cảng, mỗi chúng ta đều dễ dàng bắt gặp hình ảnh về người lao công thu gom rác thải, làm sạch hè phố. Thế nhưng, không phải ai cũng thấu hiểu những vất vả, hiểm nguy mà công việc này mang lại.
Một ngày theo chân những người lao công trên địa bàn thành phố Hải Phòng, phóng viên Môi trường và Đô thị Việt Nam đã ghi lại được những hình ảnh hết sức quen thuộc mà bình dị của các anh chị, nhất là những lao động nữ.
Đã thành thông lệ, cứ 16h hàng ngày, tại các ngõ xóm, tổ dân phố lại đều đặn vang lên tiếng kẻng báo hiệu đến giờ thu gom rác thải sinh hoạt của các anh/chị là công nhân Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hải Phòng.
Đáp lại những thanh âm quen thuộc, người dân thành phố cũng nhanh chóng đem rác thải sinh hoạt của gia đình chất vào xe thu gom của các chị lao công. Sau đó, các chị lại di chuyển đến những ngõ, xóm khác trên địa bàn mình phụ trách để tiếp tục thu gom rồi đưa rác về điểm tập kết. Không chỉ xử lý rác từ các hộ gia đình, những nhân viên của Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hải Phòng còn có nhiệm vụ quét dọn sạch sẽ lòng/hè đường, những nơi công cộng…
Chia sẻ về công việc của mình, chị Nguyễn Thị Hường (51 tuổi ), công nhân tổ Trại Cau, Xí nghiệp Lê Chân 2 cho biết, bản thân gắn bó với nghề đã tròn 30 năm nên được chứng kiến sự đổi thay từng ngày của mỗi con đường, ngõ xóm. “Mấy chục năm trước, nhiều tuyến đường chưa được trải nhựa sạch đẹp như bây giờ, việc quét dọn, thu gom rác của chúng tôi cũng vì thế mà khó khăn, nguy hiểm hơn. Một chị đồng nghiệp của tôi trong lúc quét rác buổi đêm, bị người đi đường tông xe máy vào người, dẫn đến dập lá gan, sức khỏe giảm sút. Bây giờ, do được trang bị đồ bảo hộ tốt, an ninh đảm bảo hơn…, công việc của chúng tôi đã hạn chế được nhiều rủi ro”, chị Hường nhớ lại.
Để di chuyển những chiếc xe chở rác cồng kềnh, nặng hàng chục ki-lô-gam, có lúc chất cao ngang mặt người về bãi tập kết, giữa điều kiện thời tiết thuận lợi đã khó, ngày mưa gió hay giờ cao điểm, giao thông ùn tắc… càng khiến cho công việc thêm phần nặng nhọc.
Vậy nhưng, các chị vẫn kiên trì vượt khó, cần mẫn lao động để những tuyến đường, ngõ xóm của thành phố Cảng trở nên gọn gàng, sạch đẹp.
Ghi nhận của phóng viên, tại tổ thu gom rác Vĩnh Niệm (phường Vĩnh Niệm, quận Lê Chân), gần chục chiếc xe đẩy chứa rác hữu cơ đang chờ được xử lý. Theo đó, ngoài những chiếc xe tải chuyên dùng đưa rác thải sinh hoạt đến điểm xử lý rác tập trung của thành phố, phía công ty môi trường cũng bố trí những chuyến xe chở rác hữu cơ riêng để phân loại rác.
Nữ công nhân Ph. T. Th. cho hay, cảm thông và chia sẻ với những vất vả của công nhân vệ sinh môi trường, từ lâu, nhiều gia đình đã chủ động phân loại rác. Họ để riêng những phế liệu có thể tái chế rồi trao tận tay các lao công để tránh lãng phí và giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Theo chị Th., việc phân loại rác cũng đem lại một khoản “thu nhập bổ sung” tuy nhỏ nhưng rất đáng quý để những người công nhân trang trải cuộc sống. “Những tấm bìa carton, giấy, vỏ chai nhựa… có thể tái chế, chúng tôi gom lại, bán cho các cơ sở thu mua phế liệu để thêm đồng mua sách, bút cho con”, chị Th. nói.
Đáng nói, việc này không chỉ tạo thêm thu nhập cho các chị lao công mà còn góp phần phân loại từ nguồn những chất thải có thể tái chế đang bị lẫn với chất thải hữu cơ và những chất gây ô nhiễm khác.
Được biết, ca làm việc buổi chiều của công nhân Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hải Phòng thường bắt đầu từ 16 giờ và kết thúc vào 24 giờ hàng ngày. Tuy nhiên, trên thực tế, công việc này có thể kéo dài hơn 8 tiếng mỗi ngày. Bởi lẽ, chỉ đến khi toàn bộ lượng chất thải đã được thu gom gọn gàng, đường phố đã phong quang, sạch đẹp, các chị mới kết thúc một ngày làm việc và trở về nhà./.
Khải Anh – Phạm Thuyên
(Theo Môi trường & Đô thị điện tử)
Ảnh: Nữ công nhân vệ sinh môi trường vui vẻ cho biết, chị đã có 30 năm gắn bó với nghề