Khánh tiết tuy chỉ là một việc nhỏ nhưng hàm chứa nhiều ý nghĩa văn hoá
Khánh tiết là những việc chuẩn bị cho một hội nghị, một cuộc gặp mặt hay sinh hoạt nào đó mang tính chất hành chính, trước khi bắt đầu nội dung chính của chương trình nghị sự. Ngoài khẩu hiệu, biểu trưng, “vi-nét”, trang trí cờ, hoa…, thường thì khánh tiết gồm những thủ tục như tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu, các thành phần có mặt trong hội nghị, có thể thêm việc tặng hoa của người đến dự cho cơ quan chủ trì v.v…
Những việc của nội dung khánh tiết tưởng chừng đơn giản, chẳng có gì phải bàn. Ấy vậy mà có khá nhiều điều đáng nói. Bởi vì thủ tục này có tầm quan trọng đặc biệt. Nó có thể tôn thêm ý nghĩa, vẻ long trọng của hội nghị hoặc ngược lại, gây cho người đến dự cảm giác tầm thường, dông dài khiến họ không mấy để tâm.
Phần trang trí thường dễ dàng đạt được sự trang trọng, có khi hoành tráng nếu là một hội nghị lớn, có đông người tham dự, nhất lại có sự hiện diện của nhiều vị lãnh đạo cấp trên.
Nhưng phần tuyên bố lý do, giới thiệu các đại biểu, có thể gọi được là “màn chào hỏi” thì không phải ở đâu cũng đạt được sự chuẩn mực cần thiết. Yêu cầu của những nội dung này là ngắn gọn nhưng không qua quýt, đại khái, không gây cho người ta cảm giác là người dự chưa được tôn trọng đúng mức.
Và lịch sự nhưng không cầu kỳ, khoa trương, nặng về hình thức chủ nghĩa để giải quyết khâu “oai”. Không ít hội nghị để cho người lên tuyên bố lý do đọc cả một bài “đít-cua” dài dằng dặc tới dăm, bảy trang giấy.
Cứ như là một vị trong ban lãnh đạo cơ quan lên đọc diễn văn khai mạc vậy. Người lên tuyên bố lý do thường là chánh, phó văn phòng hoặc chức danh tương đương của cơ quan đứng ra tổ chức chứ không thể là chánh, phó thủ trưởng. Vậy thì vai trò này mà nói nhiều với nội dung dài dòng văn tự tức là lố, vô tình coi thường cử toạ.
Lại có nhiều khi để cho oai, cho thêm phần long trọng, người chịu trách nhiệm giới thiệu các đại biểu, thành phần dự hội nghị đã tốn quá nhiều thời gian cho việc xướng tất cả chức tước, danh hiệu, học hàm, học vị của rất nhiều người. Những thứ hiện tại đã nhiều, lại còn thêm cả “nguyên” nữa.
Người viết bài này đã có lần nghe một người làm khánh tiết giới thiệu một đại biểu như sau : “- Xin trân trọng giới thiệu Giáo sư, Tiến sĩ…, nhà…, Ủy viên Ban chấp hành Hội…, thường trực hội đồng…, cố vấn Trung tâm…, nguyên GĐ…, nguyên Viện trưởng Viện…, nguyên Chủ tịch…”.
Đó chỉ là một người. Có đến cả chục người cần giới thiệu như thế, vì nhắc người này thì không thể không nhắc người khác khi mà họ cũng có rất nhiều danh vị hiện tại và trong quá khứ. Giới thiệu đến vị nào, vị đó lại phải đứng lên trịnh trọng chào mọi người.
Có vị còn quay cả 3 phương 4 hướng cúi đầu chào cử toạ nếu hội trường rộng. Lại nữa, khi mỗi vị đứng lên làm xong thủ tục chào, một tràng pháo tay lại rộ lên. Và phải đợi tiếng vỗ tay im, mới có thể giới thiệu đến vị khác. Tổng cộng lại, màn giới thiệu này có khi mất đứt đi 10 phút.
Quá lo cho sự oai, sự sang như trên đã là đáng nói, không ít nơi lại còn “phịa” thêm một số vị lãnh đạo cấp trên trong danh sách giới thiệu, nhất là những vị danh giá nhưng sự thực họ đã không thể có mặt. Tất nhiên là người giới thiệu phải nói thêm một câu: “- Đồng chí có gọi điện chúc mừng hội nghị và nói sẽ tới muộn ít phút”. Tuy nhiên, vị cấp trên đó đã không tới và vị đã cáo lỗi ngay từ đầu chứ không phải là hứa sẽ đến muộn.
Trân trọng các đại biểu, giới thiệu đầy đủ về họ là cần thiết, nhất là tại các hội thảo khoa học, những hội nghị quan trọng. Nhưng cần chọn lọc những chức vị đương kim mà không cần phải nhắc tới những thứ đã qua, và cũng chỉ cần nói đến vai trò lớn nhất của họ chứ không nên liệt kê tất cả. Như vậy rườm rà, mất thời gian và bản thân người được giới thiệu cũng thấy ồn ào, khoa trương. Người tế nhị, lịch sự, khiêm tốn chắc chắn sẽ không thích như thế.
Một trong những điều cần chú ý trong văn hoá khánh tiết là phải đạt được vẻ lịch sự, bình đẳng, tôn trọng tất cả mọi người. Vậy nên không thể “nhất bên trọng, nhất bên khinh” trong việc giới thiệu các thành phần tham dự hội nghị. Không ít nơi đã chỉ nhắc đến một cách rất trịnh trọng những đại biểu có “vai vế”, còn thì bỏ qua những người chỉ là chuyên viên hoặc chức nhỏ hơn mặc dù họ đều là đại biểu được mời.
Lại có chỗ chỉ giới thiệu tên không mà không kèm theo họ, đệm. Có mời, người ta mới đến. Nhưng có người giới thiệu đã chẳng biết họ, tên của họ nên đã nói : “-Xin giới thiệu…” rồi hỏi người ta : “-Đồng chí tên là gì nhỉ…?”.
Quả là không còn sự khiếm nhã nào hơn. Người lo khánh tiết lại phải cần tỷ mỉ, chu đáo, phải tìm cách nắm rõ họ, đệm, tên từng người cần giới thiệu cùng chức danh chính xác của họ để tránh sự nhầm lẫn khi nhắc đến họ. Đã không ít lần xảy ra tình trạng người thì được “đề bạt” lên chức to hơn, kẻ thì bị giáng xuống so với chức vị họ đang mang. Sơ xuất này là điều đáng tiếc nhưng hoàn toàn có thể tránh được.
Tất nhiên, thành công của một hội nghị, hội thảo hoặc bất cứ sinh hoạt tập thể nào chủ yếu là ở chương trình nghị sự, ở nội dung bàn thảo có bổ ích, thiết thực với thực tiễn cuộc sống hay không.
Nhưng phần khánh tiết là không kém phần quan trọng vì rất có thể chỉ bởi những sơ sót của phần này mà người ta kém hứng thú tập trung vào nội dung chính hoặc thậm chí có người rời bỏ hội nghị.
Tại cuộc họp nọ, một đại biểu của một ngành quan trọng được mời đích danh đến dự. Trong phần khánh tiết, người ta đã quên không giới thiệu khiến vị đã bỏ thẳng ra về do tự ái. Hành xử của vị khách này có phần cố chấp, cực đoan nhưng hoàn toàn có thể hiểu được.
Thật đáng tiếc khi chỉ từ một sơ sót không lớn mà để mất lòng một người khách. Nếu ông ta có vai trò nào đó với việc làm ăn của cơ quan hẳn là cơ quan này sẽ gặp không ít bất lợi.
Mới hay, khánh tiết tuy chỉ là một việc nhỏ nhưng hàm chứa nhiều ý nghĩa văn hoá. Vậy nên không thể xem nhẹ, nhất là giữa lúc khắp nơi đang thực nhiện cải cách hành chính và nâng cao văn hoá công sở, góp phần thúc đẩy sự phát triển của nền hành chính quốc gia./.
TS.LS Đồng Xuân Thụ
(Theo Môi trường & Đô thị điện tử)
Ảnh: Ảnh minh họa.