Thuê đất trong các khu công nghiệp (KCN) ở Kon Tum để thực hiện dự án, nhưng nhiều doanh nghiệp không đưa đất vào sử dụng hoặc sử dụng đất sai mục đích, hoạt động sản xuất – kinh doanh kiểu ‘vườn không nhà trống’.
Thuê đất một đằng, sử dụng một nẻo
Kon Tum là tỉnh miền núi, biên giới, hạ tầng kinh tế – xã hội còn thấp, nên việc thu hút đầu tư không hề dễ dàng. Vì thế, trong những năm qua, việc xây dựng các KCN, tạo quỹ đất sạch nhằm kêu gọi, thu hút doanh nghiệp, nhà đầu tư là nỗ lực rất lớn của tỉnh.
Loạt KCN (gồm KCN Hòa Bình, KCN Sao Mai và KCN tại Khu II, Khu kinh tế (KKT) cửa khẩu quốc tế Bờ Y) hình thành được kỳ vọng sẽ xây dựng các nhà máy, xí nghiệp có quy mô vừa và nhỏ, ít gây ô nhiễm môi trường, bao gồm các loại hình công nghiệp chế biến thực phẩm, chế biến nông – lâm sản, chế biến dược liệu, hàng tiêu dùng… phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu, đồng thời giải quyết việc làm cho người dân bản địa.
Nhưng đến nay, tỷ lệ lấp đầy các KCN này vẫn thấp. Đáng nói là, nhiều doanh nghiệp trong KCN sau khi được cấp phép lại “vô tư” vi phạm về đầu tư, đất đai…
Theo hồ sơ mà phóng viên Báo Đầu tư thu thập được, tại KCN Sao Mai, Công ty TNHH Chế biến nông sản Sao Mai (Dự án Nhà máy Sơ chế và chế biến dược liệu) và Công ty TNHH MTV Phương Phong Linh (Dự án Nhà máy Sản xuất nước giải khát và nước uống từ dược liệu) được cấp giấy chứng nhận đầu tư để thực hiện dự án trên diện tích đất thuê. Nhưng, các doanh nghiệp này chỉ làm nhà xưởng bằng khung thép mái tôn, không có tường bao công trình xung quanh và lắp đặt công trình điện mặt trời áp mái.
Thay vì sử dụng đất theo hợp đồng thuê đất, các doanh nghiệp kinh doanh điện năng lượng mặt trời áp mái bằng cách tách hợp đồng mua bán điện với Công ty Điện lực Kon Tum cho 3 doanh nghiệp khác nhau trên diện tích đất thuê.
Việc này, theo kết luận của UBND tỉnh Kon Tum, là có dấu hiệu sử dụng đất không đúng mục đích. Bởi lẽ, hợp đồng thuê đất KCN thể hiện, mục đích sử dụng đất là để xây dựng nhà máy sản xuất, chế biến dược liệu. Còn thực tế, các doanh nghiệp này lại sử dụng đất cho mục đích kinh doanh điện năng lượng mặt trời.
Trong thời gian Thanh tra tỉnh Kon Tum “ghé thăm” vào những tháng cuối năm 2021, tại 2 doanh nghiệp này gần như không có công nhân sản xuất – kinh doanh và không có số liệu nộp ngân sách.
Trước tình trạng này, Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum, ông Lê Ngọc Tuấn, đã yêu cầu Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường theo dõi, giám sát việc sử dụng đất của Công ty TNHH Chế biến nông sản Sao Mai và Công ty TNHH MTV Phương Phong Linh tại KCN Sao Mai. Nếu chậm đưa đất vào sử dụng theo quy định, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu UBND tỉnh thu hồi đất theo quy định.
Hoạt động kiểu “vườn không nhà trống”
Không chỉ sử dụng đất không đúng mục đích, 6 doanh nghiệp tại Khu II, KKT cửa khẩu quốc tế Bờ Y khi bị Thanh tra tỉnh Kon Tum “soi” vào những tháng cuối năm 2021 cũng gần như không có công nhân, không hoạt động sản xuất – kinh doanh, đóng cửa.
Cụ thể, Công ty TNHH MTV Thiện Chí Kon Tum đã sử dụng phần diện tích đất thuê để xây dựng nhà xưởng, nhà điều hành, nhà ở tập thể, nhà ăn, nhà bảo vệ, nhà xe, nhưng lại không hoạt động sản xuất – kinh doanh, mà làm kho chứa gỗ. Chi nhánh Công ty TNHH Thương mại Minh Trung sử dụng phần diện tích đất thuê để xây dựng nhà điều hành, nhà xưởng, nhưng không hoạt động sản xuất – kinh doanh. Công ty TNHH Minh Ngọc Bờ Y sử dụng phần diện tích đất thuê để xây dựng nhà xưởng, xưởng cưa, nhưng cũng “cửa đóng, then cài”.
Cảnh tượng “vườn không, nhà trống” (không sử dụng đất, không sản xuất – kinh doanh) sau khi được thuê đất cũng xảy ra tại Doanh nghiệp tư nhân Thương mại Gia Bảo, Công ty TNHH Tuấn Sỹ, Công ty TNHH MTV Tiến Anh Đạt.
Trong tổng số 32 dự án (của 28 doanh nghiệp) tại 3 KCN kể trên, có đến 20 dự án (của 20 doanh nghiệp) không hoạt động, ngừng hoạt động, chiếm tỷ lệ đến 62,5%.
Riêng tại KCN Hòa Bình, 22 doanh nghiệp thuê đất để sản xuất – kinh doanh với tổng số lao động theo đăng ký là 1.402 người, nhưng số lao động làm việc thực tế tại đây rất ít. Bên cạnh đó, có 16 tổ chức thuê đất, được cấp giấy chứng nhận đầu tư để thực hiện dự án trên diện tích đất thuê (hoặc có quyết định đầu tư của doanh nghiệp) và có 9 tổ chức sử dụng đất không có giấy chứng nhận đầu tư để thực hiện dự án.
Thuê đất rồi “bán cái”?
Công ty Đầu tư phát triển hạ tầng KCN (nay là Công ty Đầu tư phát triển hạ tầng KKT) được UBND tỉnh Kon Tum cho thuê đất theo
Quyết định số 170/QĐ-UBND ngày 5/3/2008 để thực hiện Dự án Đầu tư xây dựng kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN Hòa Bình.
Ngày 20/3/2008, Cục Thuế tỉnh Kon Tum ban hành Thông báo số 551/TB-CT xác định công ty này được miễn tiền thuê đất đối với toàn bộ thời gian thuê. Đến ngày 5/2/2016, UBND tỉnh Kon Tum ban hành Quyết định số 145/QĐ-UBND điều chỉnh Quyết định số 179/QĐ-UBND ngày 21/9/2015 với nội dung: Điều chỉnh diện tích 13,42 ha, bao gồm đất xây dựng công trình giao thông 7,75 ha, đất dịch vụ hành chính 0,3 ha, đất cây xanh công viên 0,43 ha, đất công trình đầu mối 1,9 ha và đất cho doanh nghiệp thuê lại 3,04 ha, trên cơ sở thuê đất ngày 13/4/2016, Cục Thuế tỉnh ban hành Quyết định số 2204/QĐ-CT ngày 25/4/2016 về việc miễn tiền thuê đất đối với toàn bộ thời gian thuê cho Công ty Đầu tư phát triển hạ tầng KKT.
Theo UBND tỉnh Kon Tum, việc Công ty Đầu tư phát triển hạ tầng khu công nghiệp (nay là Công ty Đầu tư phát triển hạ tầng KKT) cho các doanh nghiệp thuê đất gắn với hạ tầng trong KCN Hòa Bình theo đơn giá từ 3.520 USD/ha/năm đến 3.770 USD/ha/năm và ổn định đơn giá thuê đất nêu trên cho toàn bộ thời gian thuê của dự án để sản xuất kinh doanh là chưa đúng quy định của pháp luật.
Theo UBND tỉnh Kon Tum, trách nhiệm này thuộc về Công ty Đầu tư phát triển hạ tầng KKT và Ban Quản lý KKT tỉnh.
Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum yêu cầu Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu UBND tỉnh thu hồi diện tích đất đã cho Công ty Đầu tư phát triển hạ tầng KKT thuê đất; lập thủ tục cho thuê đất đối với các doanh nghiệp đang sản xuất, kinh doanh tại KCN Hòa Bình nhằm đảm bảo theo quy định của pháp luật về đất đai và dự án đầu tư tại KCN Hòa Bình; lập thủ tục xác định nghĩa vụ tài chính về thuê đất đảm bảo theo quy định của pháp luật (thời gian thuê đất bằng thời gian hoạt động của dự án trừ đi thời gian mà Công ty Đầu tư phát triển hạ tầng khu kinh tế đã cho thuê đất).
Đáng chú ý, ngày 7/4/2021, UBND tỉnh Kon Tum bổ sung chức năng, nhiệm vụ cho Công ty Đầu tư phát triển hạ tầng KKT. Theo đó, công ty này được Nhà nước cho thuê đất để đầu tư xây dựng kinh doanh kết cấu hạ tầng kỹ thuật trong KKT và được cho thuê lại đất sau khi đã đầu tư kết cấu hạ tầng theo đơn giá thỏa thuận, đảm bảo nguyên tắc bù đắp chi phí và có tích lũy tái đầu tư.
Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 2, Điều 3, Nghị định số 148/NĐ-CP ngày 18/12/2020 của Chính phủ về sửa đổi một số nghị định chi tiết thi hành Luật Đất đai, thì Công ty Đầu tư phát triển hạ tầng KKT chưa được cấp có thẩm quyền giao làm nhà đầu tư Dự án Đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN Hòa Bình.
Vì thế, việc Công ty Đầu tư phát triển hạ tầng KKT (là đơn vị sự nghiệp công lập) được thuê đất (đã được Nhà nước đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng) để cho các doanh nghiệp thuê lại đất trong KCN Hòa Bình hiện nay là không phù hợp với các quy định hiện hành.
Xử lý vấn đề này, Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum đã thống nhất chủ trương chấm dứt việc Công ty Đầu tư Phát triển hạ tầng KKT thuê đất đã được Nhà nước đầu tư xây dựng hạ tầng để cho các doanh nghiệp thuê lại đất tại KCN Hòa Bình.
Theo ông Lê Ngọc Tuấn, đối với các doanh nghiệp đang đầu tư sản xuất, kinh doanh bình thường tại KCN và được Sở Tài nguyên và Môi trường cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thì được lập hồ sơ để tiếp tục thuê đất theo thời hạn dự án đầu tư; còn đối với các trường hợp không đưa đất vào sử dụng, UBND tỉnh sẽ xem xét chấm dứt hoạt động dự án đầu tư, thu hồi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum cũng yêu cầu xây dựng lại giá thuê hạ tầng tại KCN Hòa Bình cho đúng với quy định hiện hành, trong đó bóc tách tiền thuê đất để yêu cầu doanh nghiệp thuê đất phải nộp vào ngân sách nhà nước.
Theo rà soát của Thanh tra tỉnh Kon Tum, 9 doanh nghiệp sử dụng đất trong KCN chưa đảm bảo tiến độ thực hiện dự án đầu tư. Cụ thể, Công ty cổ phần Khí hóa lỏng Kon Tum chưa đầu tư 1 bồn chứa dung tích 100 m3; Công ty cổ phần Sách, thiết bị trường học chưa đầu tư hoàn chỉnh các hạng mục nhà đa năng, nhà điều hành làm việc, nhà để dụng cụ, hàng lang, mái che, nhà kho; Công ty cổ phần Thương mại nông nghiệp và dược liệu Đồng Xanh Kon Tum đưa dự án vào hoạt động từ tháng 1/2020, nhưng thực tế dự án còn đang dở dang, chưa đầu tư hoàn chỉnh. Công ty cổ phần XNK và đầu tư Kon Tum chỉ đầu tư xây dựng mới tại vị trí lô B1 và lô T1B, còn các vị trí thuê đất tại lô B1’ và lô T1 chưa được đầu tư xây dựng hoàn chỉnh; Công ty TNHH Gỗ Phúc Nhân Kon Tum chưa đầu tư kho chứa hàng tại lô D9 như các hạng mục nhà kho, nhà bảo vệ…; Công ty TNHH Công Danh để đất trống, chưa đầu tư xây dựng khoảng 10.000 m2 đất tại lô C3; Công ty TNHH NNB Kon Tum chưa đầu tư hạng mục công suất gạch 10 triệu viên/năm. |
Nhiệt Băng – Báo Đầu Tư
Theo Đầu Tư
Ảnh: Theo cơ quan thanh tra, tại KCN Hòa Bình (Kon Tum) có nhiều tổ chức sử dụng đất không có giấy chứng nhận đầu tư để thực hiện dự án.
Xem bài viết gốc tại đây: