UBND tỉnh Đắk Nông vừa ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với một doanh nghiệp không nộp báo cáo định kỳ hoạt động khai thác khoáng sản.
Ngày 4/11, UBND tỉnh Đắk Nông ra quyết định xử phạt số 1758 QĐ-XPVPHC số tiền 110 triệu đồng đối với Công ty TNHH Sơn Trung Kim, địa chỉ Đội 1, xã Đắk Ngo, huyện Tuy Đức.
Theo UBND tỉnh Đắk Nông, Công ty TNHH Sơn Trung Kim được cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường tại mỏ đá bazan đội 1, xã Đắk Ngo. Diện tích cấp phép 7,3 ha, công suất cấp phép 30.000m2 đá nguyên khai/năm với thời gian từ năm 2018 đến năm 2048.
Công ty TNHH Sơn Trung Kim đã có hành vi vi phạm hành chính không nộp báo cáo định kỳ hoạt động khai thác khoáng sản cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền, cụ thể: không nộp báo cáo định kỳ hoạt động khai thác khoáng sản năm 2021 trong hoạt động khai thác tại mỏ đá bazzan cho Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đắk Nông.
Hành vi trên được quy định theo khoản 4a, Điều 36 Nghị định số 36/2020/NĐ-CP ngày 24/03/2020 của Chính phủ quy định về mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản, được bổ sung tại khoản 14, Điều 2 Nghị định số 04/2022/NĐ-CP ngày 06/01/2022 của Chính phủ sửa đổi bổ sung một số điều của các Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, tài nguyên nước và khoáng sản, khí tượng thủy văn, đo đạc và bản đồ.
Theo đó, Công ty TNHH Sơn Trung Kim phải nghiêm chỉnh chấp hành quyết định xử phạt này, nếu quá thời hạn mà Công ty không tự nguyện chấp hành thì sẽ bị cưỡng chế thi hành theo quy định của pháp luật.
Trước đó, UBND tỉnh Đắk Nông cũng có quyết định xử phạt vi phạm hành chính 253 triệu đồng đối với ông Vũ Sơn Tùng, tại thôn Tân Lợi, xã Đắk R’Moan, TP.Gia Nghĩa (Đắk Nông), do thực hiện hành vi xả thải ô nhiễm vào môi trường.
Cụ thể, ông Tùng bị xử phạt 115 triệu đồng do hành vi “xả nước thải có chứa các thông số môi trường vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải từ 10 lần trở lên”; phạt tăng thêm số tiền 138 triệu đồng do một số thông số vượt quy định hơn 5 lần, tiêu biểu như chỉ số tổng chất rắn lơ lửng (TSS) vượt hơn 5 lần.
Được biết, tại nơi kiểm tra, mẫu nước thải cơ sở chăn nuôi của ông Tùng thải ra môi trường có chỉ số coliform vượt 48 lần so với quy định.
Hành vi của ông Tùng bị xác định vi phạm Nghị định số 155/2016/NĐ-CP ngày 18/11/2016 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
UBND tỉnh Đắk Nông cũng buộc ông Vũ Sơn Tùng rà soát, cải tạo công trình xử lý nước thải, đáp ứng yêu cầu kỹ thuật về bảo vệ môi trường; thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường và báo cáo kết quả khắc phục xong hậu quả vi phạm về Sở Tài nguyên Môi trường trước ngày 1/6/2022; buộc phải chi trả chi phí trưng cầu đo đạc và phân tích mẫu môi trường.
Theo quy định tại Điều 31, Luật Khoáng sản và các Điều 26, Điều 27, Nghị định 76/2000/NĐ-CP thì các quy định về Giấy phép khai thác khoáng sản cụ thể như sau: 1. Giấy phép khai thác khoáng sản được cấp cho tổ chức, cá nhân được phép thăm dò khoáng sản đối với khu vực đã thăm dò, với điều kiện tổ chức, cá nhân đó đã hoàn thành mọi nghĩa vụ được quy định trong giấy phép thăm dò và tuân thủ mọi quy định của pháp luật. Trong thời hạn sáu tháng kể từ ngày giấy phép thăm dò khoáng sản hết hạn mà tổ chức, cá nhân được phép thăm dò không nộp đơn xin giấy phép khai thác khoáng sản đối với khu vực đã thăm dò, thì giấy phép thăm dò mới hoặc giấy phép khai thác khoáng sản có thể được cấp đối với khu vực đó cho tổ chức, cá nhân khác. 2. Đối với khu vực đã thăm dò, nhưng không có tổ chức, cá nhân nào đang thăm dò hoặc khai thác khoáng sản hợp pháp thì giấy phép khai thác được cấp cho tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật về Khoáng sản, phù hợp với quy định tại các khoản 1 và 2 Điều 5 và các điều 13 và 14 của Luật Khoáng sản. Diện tích khu vực khai thác của một giấy phép khai thác khoáng sản được xác định trên cơ sở báo cáo nghiên cứu khả thi về khai thác khoáng sản đã được thẩm định và chấp thuận theo quy định tại Điều 44 của Nghị định 76/2000/NĐ-CP. 3. Thời hạn của giấy phép khai thác khoáng sản được xác định trên cơ sở báo cáo nghiên cứu khả thi về khai thác khoáng sản đã được thẩm định và chấp thuận theo quy định tại Điều 44 của Nghị định 76/2000/NĐ-CP, nhưng không quá ba mươi năm, được gia hạn theo các điều kiện sau đây: 3.1. Tại thời điểm xin gia hạn, tổ chức, cá nhân được phép khai thác đã hoàn thành mọi nghĩa vụ theo quy định của Luật Khoáng sản và các quy định khác có liên quan của pháp luật; 3.2. Giấy phép khai thác còn hiệu lực không ít hơn ba tháng; 3.3. Kèm theo đơn xin gia hạn gửi đến cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép phải có báo cáo tổng hợp kết quả khai thác đến thời điểm xin gia hạn kèm theo bản đồ hiện trạng mỏ; diện tích và trữ lượng khoáng sản chưa khai thác của mỏ, chương trình, kế hoạch tiếp tục khai thác; Trường hợp giấy phép được cấp trước ngày Luật Khoáng sản có hiệu lực thì phải nộp bổ sung thiết kế mỏ, báo cáo đánh giá tác động môi trường được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; 3.4. Giấy phép khai thác khoáng sản được gia hạn nhiều lần trên cơ sở kế hoạch khai thác tiếp tục, được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép chấp thuận, nhưng tổng thời gian gia hạn không quá hai mươi năm. 4. Trường hợp tổ chức, cá nhân nước ngoài hoặc tổ chức liên doanh có bên nước ngoài xin cấp giấy phép khai thác khoáng sản thì giấy phép khai thác khoáng sản được cấp cùng với giấy phép đầu tư hoặc sau khi giấy phép đầu tư đã được cấp theo quy định của Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. |
Hải Anh – Tạp chí KTMT
Theo Kinh tế Môi trường
Ảnh: Mỏ đá của Công ty TNHH Sơn Trung Kim tại Đội 1, xã Đắk Ngo, huyện Tuy Đức.
Xem bài viết gốc tại đây: