Một doanh nghiệp ở Đắk Lắk được UBND tỉnh giao gần 800 ha rừng để thực hiện dự án cải tạo, bảo vệ và phát triển rừng. Tuy nhiên sau hơn 10 năm, thay vì triển khai thực hiện dự án theo quy định, thì doanh nghiệp lại ‘phá trắng’ nhiều diện tích rừng để trồng keo lai và ngô.
Theo hướng dẫn của một số thành viên liên kết với Công ty TNHH trồng rừng (27/7), chúng tôi tiếp cận thực địa tại tiểu khu 251, xã Ea Bung, huyện Ea Súp. Khu vực này nằm sát Quốc lộ 14C, tiếp giáp với Vườn quốc gia Yok Đôn, cách trung tâm huyện Ea Súp khoảng 25 km. Tại đây, nhiều cây rừng có đường kính từ 10 đến 40 cm, cao 3 đến 4 m đã bị quật đổ bung gốc, gom lại thành từng đống. Trên diện tích rừng bị tàn phá, hàng chục ha đã được trồng keo lai xen với ngô.
Ông Nguyễn Thanh Hồng, trú xã Ea Bung, huyện Ea Súp, một thành viên tham gia liên kết thực hiện dự án cho biết, rừng bị tàn phá thuộc tiểu khu 251, do bà Trịnh Thị Hương, hiện là Giám đốc Công ty trồng rừng 27/7 quản lý. Tổng diện tích rừng bị phá khoảng 100 ha.
Một thành viên tham gia liên kết thực hiện dự án dẫn phóng viên đến vị trí rừng bị tàn phá.
“Tháng 7 năm 2021 bà Hương cho người và máy móc vào ủi dọn 40 ha rừng, rồi đến tháng 5/2022 thì bà lại cho tiếp người vào phá thêm 60 ha nữa. Tổng cộng đến nay là 100 ha bị phá rồi. Mới đây đoàn kiểm tra liên ngành có vào kiểm tra, nhưng cũng chưa thấy hồi âm cho các thành viên công ty chúng tôi”, ông Nguyễn Thanh Hồng nói.
Dự án cải tạo, bảo vệ và phát triển rừng được UBND tỉnh Đắk Lắk chấp thuận cho Công ty TNHH trồng rừng 27/7 thực hiện thông qua quyết định số 2959 (QĐ-UBND), vào tháng 11 năm 2010. Tổng diện tích đất rừng thực hiện dự án là 783,4 ha, tại tiểu khu 251, xã Ea Bung, huyện Ea Súp. Mục tiêu của dự án là phát triển rừng và sản xuất nông lâm kết hợp. Người đại diện theo pháp luật và làm giám đốc công ty ban đầu là ông Nguyễn Văn Quê, trú tỉnh Tây Ninh và đến năm 2017 thì thay đổi, chuyển nhượng cho bà Trịnh Thị Hương, trú tỉnh Đồng Nai.
Theo ông Nguyễn Ngọc Luật, phó Chủ tịch UBND xã Ea Bung, thời gian qua cơ quan chức năng có nhận được phản ánh của người dân và một số thành viên Công ty TNHH trồng rừng 27/7 thực hiện dự án có nhiều sai phạm. Xã đã phối hợp với Hạt kiểm lâm huyện Ea Súp cùng một số phòng ban chuyên môn của huyện thành lập đoàn kiểm tra. Qua kiểm tra, đoàn phát hiện việc quản lý bảo vệ rừng, trồng rừng, sản xuất nông lâm kết hợp của doanh nghiệp này chưa đảm bảo theo đúng phương án được UBND tỉnh Đắk Lắk phê duyệt. Đặc biệt, đã có hơn 326/783 ha rừng bị suy giảm; trồng hàng chục ha rừng đông đặc chồng lấn lên diện tích rừng tự nhiên; thực hiện báo cáo hiện trạng rừng không trùng khớp với báo cáo diễn biến thực tế rừng của Hạt kiểm lâm huyện Ea Súp.
“Vào cuối tháng 9 vừa qua, xã có phối hợp với Hạt kiểm lâm huyện Ea Súp tiến hành kiểm tra. Qua kiểm tra, diện tích san ủi nằm trong quy hoạch phát triển rừng bền vững và doanh nghiệp họ đã trồng gần 62 ha keo lai lên đó. Theo chức năng nhiệm vụ, diện tích đất đó là rừng tự nhiên, tuyệt đối không được phép trồng rừng lên. Thời gian tới, xã sẽ tiếp tục đề nghị các cơ quan chức năng có chuyên môn và thẩm quyền để xử lý vấn đề này”, ông Nguyễn Ngọc Luật cho hay.
Hàng trăm ha rừng bị tàn phá để trồng chồng lấn keo lai đè lên.
Ông Nguyễn Như Hoàng, Hạt trưởng hạt kiểm lâm huyện Ea Súp thông tin, tại dự án cải tạo, bảo vệ và phát triển rừng của Công ty TNHH trồng rừng 27/7 ở xã Ea Bung, không chỉ sai phạm về công tác quản lý bảo vệ rừng, san ủi, xây dựng, phá rừng trái phép trồng cây nông nghiệp, mà còn có cả sai phạm liên quan đến sang nhượng đất rừng. Các sai phạm này là nghiêm trọng, tuy nhiên trách nhiệm xử lý lại thuộc về cấp trên nên hạt đã làm tờ trình kiến nghị để xử lý những người liên quan.
“Hạt kiểm lâm đã đề nghị Chi Cục kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk yêu cầu Công ty TNHH trồng rừng 27/7 phải giải trình và làm rõ nguyên nhân rừng bị suy giảm hơn 326 ha và việc buông lỏng quản lý bảo vệ rừng; thanh tra toàn diện dự án để làm rõ vai trò, trách nhiệm của Ban giám đốc cả cũ và mới cũng như các cá nhân liên quan. Kiến nghị UBND huyện yêu cầu công an huyện Ea Súp tiếp nhận hồ sơ vụ việc để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật”, ông Nguyễn Như Hoàng nói.
Tại Dự án cải tạo, bảo vệ và phát triển rừng được UBND tỉnh Đắk Lắk giao cho Công ty TNHH trồng rừng 27/7 đã có hơn 326/783 ha rừng bị suy giảm.
Tại huyện Ea Súp có 26 dự án giao rừng, cho thuê rừng, thí điểm nông lâm kết hợp, tổng diện tích gần 20.000 ha rừng. Tuy nhiên, qua hơn 10 năm triển khai, nhiều dự án không phát huy hiệu quả, để gia tăng tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng. Trong đó có cả việc sang nhượng dự án, cạo trọc rừng để trồng cây lương thực, hoa màu, cây công nghiệp, thậm chí là phân lô, bán đất.
Thanh Nga – Báo Đại Đoàn Kết
Theo Đại Đoàn Kết
Ảnh: Nhiều cây rừng có đường kính từ 10 đến 40 cm, cao 3 đến 4 m đã bị quật đổ bung gốc.
Xem bài viết gốc tại đây: