Công ty TNHH Hồng Phượng vừa bị xử phạt 320 triệu đồng do vi phạm các quy định trong khai thác khoáng sản tại núi Ruộng, xã Hà Tân, huyện Hà Trung.
UBND tỉnh Thanh Hóa vừa ban hành Quyết định số 2982/QĐ-XPHC về xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH Hồng Phượng do vi phạm các quy định trong khai thác khoáng sản.
Theo đó, ngày 27/9, thông tin từ UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Lê Đức Giang vừa ký quyết định xử phạt Công ty TNHH Hồng Phượng, địa chỉ tại số nhà 87, khu phố 5, phường Phú Sơn, thị xã Bỉm Sơn, người đại diện pháp luật là ông Nguyễn Văn Phượng vì đã vi phạm các quy định về khai thác khoáng sản tại núi Ruộng, xã Hà Tân, huyện Hà Trung.
Cụ thể, Công ty TNHH Hồng Phượng đã vi phạm các quy định về khu vực khai thác khoáng sản. Đã cắm mốc các điểm khép góc khu vực được phép khai thác khoáng sản đúng quy cách nhưng chưa đầy đủ số lượng mốc theo quy định. Quy định tại Điểm b, Khoản 1, Điều 37, Nghị định số 36/2020/NĐ-CP ngày 24/3/2020. Khai thác không đúng trình tự khai thác quy định tại Điểm c, Khoản 3, Điều 38, Nghị định 36/2020/NĐ-CP ngày 24/3/2020.
Ngoài ra, Công ty TNHH Hồng Phượng đã khai thác khoáng sản (đá) có tổng diện tích vượt ra ngoài ranh giới khu vực được phép khai thác (theo bề mặt) vượt từ 0,1 ha đến dưới 0,5 ha quy định tại Điểm b, Khoản 4, Điều 37, Nghị định 36/2020/NĐ-CP ngày 24/3/2020; Thực hiện không đúng, không đầy đủ chương trình giám sát các vấn đề về môi trường. Quy định tại Điểm 3, Khoản 12, Điều 1 Nghị định số 55/2021/NĐ-CP ngày 24/5/2021 của Chính phủ sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 155/2016/NĐ-CP ngày 18/11/2016 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
Tổng hợp mức phạt tiền đối với các hành vi vi phạm nêu trên là 320 triệu đồng. Ngoài ra, Công ty TNHH Hồng Phượng phải thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả như: Buộc khai thác đúng trình tự khai thác; Buộc cải tạo, phục hồi môi trường, đưa khu vực đã khai thác vượt ra ngoài phạm vi đã khai thác về trạng thái an toàn; Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp là 11.481.600 đồng tương ứng khối lượng 1.600 m3 đá xô bồ mà Công ty TNHH Hồng Phượng khai thác ngoài phạm vi mốc giới mỏ. Buộc chi trả kinh phí đo đạc quy định tại Điểm c, Khoản 10, Điều 37, Nghị định số 36/2020/NĐ-CP.
Trước đó, Công ty CP Xây dựng và Khai thác Trường Sơn do bà Nguyễn Thị Thủy làm Giám đốc (địa chỉ trụ sở chính tại mỏ đá Núi Vạc, thôn Tân Sơn, xã Thiệu Ngọc, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa) cũng bị UBND tỉnh Thanh Hóa ra quyết định xử phạt.
Cụ thể, Công ty Cổ phần Xây dựng và Khai thác Trường Sơn đã khai thác khoáng sản vượt ra ngoài ranh giới khu vực được cấp phép khai thác với diện tích lên đến 4.883 m2 tại mỏ đá vôi làm vật liệu xây dựng thông thường và đất san lấp tại xã Thiệu Ngọc, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa, bị xử phạt 120 triệu đồng. Đồng thời, buộc Công ty phải cải tạo, phục hồi môi trường; thực hiện các giải pháp đưa các khu vực đã khai thác vượt ra ngoài phạm vi được cấp phép khai thác về trạng thái an toàn.
Trong thời gian qua, UBND tỉnh Thanh Hóa đã yêu cầu các cơ quan chức năng thực hiện việc rà soát, thanh tra, kiểm tra các hoạt động khai thác tại các mỏ đá, mỏ đất, mỏ cát để chấn chỉnh, xử lý, thậm chí là thu hồi đối với các mỏ vi phạm các quy định về đấu giá, không bảo đảm về môi trường, khai thác ra ngoài mốc giới… Sở Tài nguyên và Môi trường cũng đã tham mưu cho Tỉnh ủy Thanh Hóa ban hành Kế hoạch số 71-KH/TU về tăng cường quản lý việc khai thác, chế biến khoáng sản. Đây được coi như “thanh bảo kiếm” để quản lý việc khai thác, chế biến khoáng sản trên địa bàn tỉnh. Mục tiêu đến năm 2025 lập bản đồ địa chất khoáng sản tỷ lệ 1:50.000 đạt 80% diện tích đất liền. Đến năm 2030, lập bản đồ địa chất khoáng sản tỷ lệ 1:50.000 đạt 85% diện tích đất liền, hoàn thành điều tra, đánh giá khoáng sản năng lượng, kim loại tại các khu vực có triển vọng, hoàn thành điều tra, lập bản đồ địa chất môi trường các khu vực chứa khoáng sản độc hại, phóng xạ, khoanh định các cấu trúc địa chất sâu thuận lợi để hướng tới ứng dụng công nghệ chôn lấp carbon và các chất độc hại khác. Đến năm 2045, hoàn thành 100% việc lập bản đồ địa chất khoáng sản tỷ lệ 1:50.000, hoàn thành công tác điều tra cơ bản đối với tài nguyên địa chất khác. Cơ bản hoàn thành ngành công nghiệp khai khoáng tiến tiến, hiện đại gắn với mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh. |
Lan Anh – Tạp chí KTMT
Theo Kinh tế Môi trường
Ảnh: Công ty TNHH Hồng Phượng khai thác khoáng sản (đá) có tổng diện tích vượt ra ngoài ranh giới khu vực được phép khai thác.
Xem bài viết gốc tại đây: