Hàng loạt công trình, dự án trọng điểm đã phải tạm dừng thi công nhiều năm do chậm trễ trong bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB) như: Cầu Tăng Long, Nam Lý, Ông Nhiêu, Vàm Sát 2 và mở rộng đường Lương Định Của, nâng cấp đường Tên Lửa… sẽ được tái khởi động trở lại trong thời gian tới.
Theo Ban Quản lý dự án đầu tư các công trình giao thông TP Hồ Chí Minh, thời gian tới, một số công trình sẽ được khởi động trở lại. Trong đó, đáng chú ý là một loạt dự án ở thành phố Thủ Đức như cầu Nam Lý trên đường Đỗ Xuân Hợp (tổng mức đầu tư hơn 800 tỷ đồng), cầu Tăng Long trên đường Lã Xuân Oai (tổng mức đầu tư mới 688 tỷ đồng), mở rộng đường Lương Định Của (826 tỷ đồng), cầu Ông Nhiêu (425 tỷ đồng); nâng cấp đường Tên Lửa (400 tỷ đồng), Tân Kỳ – Tân Quý (237 tỷ đồng) ở quận Bình Tân; cầu Vàm Sát 2 (343 tỷ đồng) ở huyện Cần Giờ…
Dự án cầu Tăng Long trên đường Lã Xuân Oai (thành phố Thủ Đức) khởi công từ tháng 12/2017, tổng mức đầu tư mới 688 tỷ đồng. Cầu dài 680 m, trong đó phần cầu dài 231 m chia làm 2 nhánh, mỗi nhánh rộng 11 m và lề đi bộ. Kế hoạch hoàn thành năm 2019 nhưng cầu mới đạt hơn 30% khối lượng rồi “đứng hình” suốt mấy năm qua.
Giai đoạn 2016 – 2020, trong 115 dự án được TP Hồ Chí Minh quyết định đầu tư có 67 công trình không đạt kế hoạch do vướng mặt bằng. Để tháo gỡ nút thắt này, cần có sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị; đặc biệt là sự chia sẻ, đồng thuận của người dân.
Cầu Tân Kỳ – Tân Quý mới là công trình trọng điểm nhằm thay thế cầu cũ. Dự án được đầu tư bằng hình thức BOT (xây dựng – kinh doanh – chuyển giao), khởi công từ quý 1/2018 (riêng hạng mục cầu tạm hoàn thành vào năm 2016). Tuy nhiên, lúc dự án mới đạt 70%, nhà đầu tư phải tạm dừng thi công do vướng mặt bằng.
Vừa qua, Sở GTVT TP Hồ Chí Minh có văn bản gửi HĐND Thành phố về việc đề xuất đầu tư xây dựng cầu mới Tân Kỳ – Tân Quý dùng ngân sách thành phố thay cho phương thức đối tác công tư. Theo tiến độ đề ra, năm 2022, thành phố sẽ lập, phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi dự án; tới 2023 sẽ tiến hành giải phóng mặt bằng và thanh toán các khoản chi phí đã thực hiện cho nhà đầu tư. Năm 2024, dự án hoàn thành giải phóng mặt bằng và thi công hoàn tất công trình vào năm 2025.
Đầu tháng 9 mới đây, dự án cầu Long Kiểng (huyện Nhà Bè) đã chính thức được bàn giao, tiếp nhận toàn bộ mặt bằng để tiếp tục thi công sau 20 năm chờ đợi.
Dự án cầu Long Kiểng được UBND TP Hồ Chí Minh phê duyệt từ năm 2001 nhưng đến năm 2007 dự án mới giải phóng mặt bằng được một số hộ dân. Trên cơ sở mặt bằng của 25 hộ dân được UBND huyện Nhà Bè bàn giao ngày 15/7/2018, chủ đầu tư đã khởi công xây dựng cầu Long Kiểng vào ngày 9/8/2018. Đến ngày 20/12/2019, nhà thầu đã thi công xong các trụ T1, T2, T3, T4, T5, T6, T8 (đạt khoảng 40% tổng khối lượng công trình) và phải tạm dừng thi công do không có mặt bằng để tiếp tục thi công (liên quan đến 103 hộ dân còn lại).
Cầu Long Kiểng (huyện Nhà Bè) được tái khởi động sau hơn 20 năm “đắp chiếu”.
Sau hơn 2 năm tập trung tháo gỡ khó khăn vướng mắc, lắng nghe, thuyết phục người dân, đặc biệt là đợt vận động cao điểm từ tháng 10/2021 đến tháng 8/2022; toàn bộ 100% mặt bằng liên quan đến 103 hộ dân còn lại đã được UBND huyện Nhà Bè bàn giao cho chủ đầu tư với sự đồng thuận cao của người dân.
Sau khi tiếp nhận 100% mặt bằng, chủ đầu tư đã cam kết để đẩy nhanh tiến độ thi công và đưa dự án vào phục vụ người dân vào cuối năm 2023.
Riêng tại dự án cầu Nam Lý, với tổng mức đầu tư hơn 800 tỷ đồng đã và đang được UBND thành phố Thủ Đức lên kế hoạch hoàn tất giải phóng mặt bằng (GPMB) vào cuối năm nay để bàn giao toàn bộ mặt bằng cho chủ đầu tư. Công trình nằm trên đường Đỗ Xuân Hợp, khởi công năm 2016 nhằm thay thế cho cống đập Rạch Chiếc vốn đang xuống cấp. Tuy nhiên, sau 4 năm thi công, cầu Nam Lý đạt khoảng 39% khối lượng và phải dừng thi công do vướng mặt bằng 54 hộ dân.
Cầu Nam Lý (thành phố Thủ Đức) đã phải tạm dừng thi công nhiều năm do vướng mặt bằng khiến xung quanh công trình cỏ mọc um tùm, máy móc, cốt thép hoen gỉ.
Theo ông Võ Văn Hoan Phó, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, việc triển khai các dự án nói chung trên địa bàn thành phố đều gặp những khó khăn, vướng mắc. “Cái khó khăn, vướng mắc lớn nhất dường như dự án nào cũng gặp phải đó chính là công tác bồi thường GPMB và từ thực tế những vướng mắc đó, với cách làm linh hoạt, năng động của các địa phương cũng như sự vận dụng đưa ra những quyết sách để giải quyết cho từng dự án cụ thể của thành phố. Từ đó, chúng ta cũng có thể tháo gỡ được những nút thắt trong công tác GPMB”, ông Võ Văn Hoan cho biết.
Dự án mở rộng đường Lương Định Của (đoạn từ Trần Não đến Mai Chí Thọ) dài gần 2,5 km, được khởi công từ năm 2015, đưa đường hiện hữu lên 30 m với 4 làn xe. Đến nay, dự án được hoàn thành khoảng 60% khối lượng và phải tạm dừng thi công do thiếu mặt bằng.
Mới đây, UBND thành phố Thủ Đức đẩy nhanh triển khai công tác bồi thường, trong đó áp dụng cả biện pháp cưỡng chế và giao một phần diện tích đất khu vực nêu trên để dự án thi công trở lại.
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Tin tức, những ngày qua, một đoạn dọc trên tuyến đường Lương Định Của đã xuất hiện máy móc và công nhân thi công trở lại. Các đơn vị thi công đang tích cực đóng cọc, gia cố nền để thực hiện lại dự án.
Cũng theo ông Võ Văn Hoan, để tháo gỡ những nút thắt này, trước hết phải có sự quan tâm đặc biệt của cấp ủy và sự vận động người dân, để người dân hiểu chính sách, pháp luật về công tác GPMB; từ đó tạo sự đồng thuận, chia sẻ lợi ích chung với lợi ích riêng để có thể đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án.
Ngoài ra, trong kiến nghị về Luật Đất đai mới đây, TP Hồ Chí Minh cũng đã lưu ý chính sách bồi thường phải sát với giá thị trường, không lệ thuộc vào khung giá đất do chính quyền địa phương ban hành.
Tin, chùm ảnh: Mạnh Linh/Báo Tin tức
Theo Tin tức TTXVN
Ảnh: Hàng loạt dự án trọng điểm trên địa bàn TP Hồ Chí Minh sẽ được tái khởi động sau thời gian dài “đắp chiếu”.
Xem bài viết gốc tại đây: