Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ ‘xóa’ Tổng cục Quản lý Đất đai, thay bằng 3 Cục mới

4/5 Tổng cục gồm: Tổng cục Môi trường, Tổng cục Quản lý Đất đai, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản không còn trong cơ cấu tổ chức mới của Bộ Tài nguyên và Môi trường…

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 68/2022/NĐ-CP quy định nhiệm vụ, chức năng, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Nghị định sẽ có hiệu lực từ ngày 1/11/2022.

Trong cơ cấu tổ chức mới của Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ có 1 Tổng cục là Tổng cục Khí tượng Thủy văn.

4 Tổng cục khác gồm: Tổng cục Môi trường, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản, Tổng cục Quản lý Đất đai, Tổng cục Biển và Hải đảo sẽ không còn và thay vào đó sẽ lập 9 đơn vị cấp Cục, Vụ mới.

Cụ thể, Tổng cục Môi trường được tách ra, thành lập 3 đơn vị gồm: Vụ Môi trường; Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học; Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường.

Tổng cục Đất đai được chia tách thành 3 đơn vị: Cục Đất đai; Cục Quy hoạch và Phát triển tài nguyên đất; Cục Đăng ký và Dữ liệu thông tin đất đai.

Tổng cục Địa chất và Khoáng sản được chia tách thành Cục Địa chất Việt Nam và Cục Khoáng sản Việt Nam.

Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam được thay bằng Cục Biển và Hải đảo Việt Nam.

Với cơ cấu tổ chức mới, Bộ Tài nguyên và Môi trường có 27 đơn vị trực thuộc, trong đó có 22 tổ chức hành chính giúp Bộ trưởng thực hiện chức năng quản lý nhà nước, 5 đơn vị sự nghiệp phục vụ chức năng quản lý nhà nước của Bộ.

Các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc 4 Tổng cục bị xóa tiếp tục duy trì hoạt động theo các quy định hiện hành cho đến khi có quyết định kiện toàn, sắp xếp lại của cấp có thẩm quyền.

Nghị định nêu rõ, Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Nghị định 123/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ; Nghị định số 101/2020/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 123.

Cụ thể, đối với lĩnh vực đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm trước Chính phủ quản lý thống nhất đất đai trong phạm vi cả nước theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, hướng dẫn, kiểm tra việc điều tra khảo sát, đo đạc, lập bản đồ địa chính, bản đồ hiện trạng sử dụng đất và bản đồ quy hoạch sử dụng đất; Lập, điều chỉnh và thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; Giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất; Đăng ký quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; Lập và quản lý hồ sơ địa chính. Cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất theo quy định.

Bộ chủ trì lập, điều chỉnh, công bố quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc gia; trình Thủ tướng Chính phủ phân bổ chỉ tiêu sử dụng đất quốc gia sau khi Quốc hội quyết định; trình Thủ tướng Chính phủ thành lập Hội đồng thẩm định quy hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc phòng, an ninh cấp quốc gia; thẩm định kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, kế hoạch sử dụng đất quốc phòng, an ninh.

Thẩm định việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng theo quy định của pháp luật về đất đai. Hướng dẫn việc bố trí quỹ đất cho phát triển thị trường bất động sản trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng nguyên tắc, phương pháp xác định giá đất trình Chính phủ ban hành hoặc để trình cơ quan có thẩm quyền ban hành; hướng dẫn việc xây dựng, điều chỉnh bảng giá đất và định giá đất cụ thể theo quy định về đất đai; lập bản đồ giá đất.

Hướng dẫn, kiểm tra việc thu hồi đất, phát triển quỹ đất, quản lý quỹ đất đã thu hồi; việc đấu giá quyền sử dụng đất và quản lý sử dụng đất trong đấu thầu dự án có sử dụng đất theo quy định…

Đỗ Phong/VnEconomy

Theo VnEconomy

Ảnh: Tòa nhà trụ sở Bộ Tài nguyên và Môi trường

Xem bài viết gốc tại đây:

https://vneconomy.vn/bo-tai-nguyen-va-moi-truong-se-xoa-tong-cuc-quan-ly-dat-dai-thay-bang-3-cuc-moi.htm