Đẩy mạnh phát triển KCN sinh thái tại Việt Nam

(Phapluatmoitruong.vn)Ngày 15/9, tại Tp.HCM, Bộ KH&ĐT phối hợp với UNIDO tổ chức Hội thảo “Phát triển Khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam” với sự tham gia của hơn 200 đại biểu đến từ các bộ ngành, Ban Quản lý KCN, KKT và các DN… 

Theo Bộ KH&ĐT, trong bối cảnh phát triển mới hướng tới nền kinh tế xanh, bền vững thì việc “xanh hóa” trong sản xuất công nghiệp là yêu cầu tất yếu. Tính đến năm 2022, nước ta có 403 KCN đang hoạt động. Vì vậy, thúc đẩy phát triển KCN theo hướng sinh thái nhằm huy động nguồn lực lớn từ khu vực tư nhân cho các giải pháp công nghiệp xanh, đảm bảo an ninh năng lượng, đóng góp đáng kể vào nỗ lực ứng phó biến đổi khí hậu của Việt Nam là một việc làm cấp thiết góp phần thúc đẩy tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, tiến tới phát triển bền vững. Ngoài ra, việc quan tâm xây dựng mới KCN sinh thái được thực hiện phải đồng thời với việc chuyển đổi KCN truyền thống sang KCN sinh thái.

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết: “Tại báo cáo tổng kết 30 năm phát triển KCN, KKT của Bộ đã được Chính phủ đồng ý đến năm 2030 sẽ có từ 40 – 50% địa phương có kế hoạch chuyển đổi các KCN hiện hữu sang KCN sinh thái. Thêm vào đó, có 8 – 10% địa phương có định hướng xây dựng KCN sinh thái mới từ bước lập quy hoạch xây dựng và tận hưởng ngành, nghề thu hút đầu tư“.

Đối với việc chuyển đổi KCN truyền thống sang KCN sinh thái, từ năm 2015 đến 2019, Bộ KH&ĐT đã phối hợp với Tổ chức phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) thí điểm chuyển đổi KCN truyền thống sang KCN sinh thái với nguồn tài trợ chính từ Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sĩ (SECO) và Quỹ Môi trường Toàn cầu (GEF). Mục đích nhằm phát triển công nghiệp theo chiều ngang sang chiều sâu và thúc đẩy sự liên kết trong sản xuất để sử dụng hiệu quả nguồn lực.

Sau 4 năm triển khai dự án, đến nay có 72 DN tham gia chương trình và áp dụng hơn 900 giải pháp sử dụng hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch, tiết kiệm được 76 tỷ đồng/năm. Giải pháp đạt hiệu quả thông qua cắt giảm năng lượng tiêu thụ, các tài nguyên, vật liệu…

“Việc thực hiện chuyển đổi sang mô hình KCN sinh thái bước đầu đã đem lại hiệu quả về mặt kinh tế, xã hội, môi trường đồng thời huy động được nguồn lực lớn từ khu vực tư nhân sang cho các giải pháp công nghiệp xanh, đảm bảo an ninh năng lượng, phát triển bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu” – Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Thị Bích Ngọc nhấn mạnh.

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Việt Nam cũng khẳng định: “Việc phát triển KCN, KKT sẽ góp phần bảo vệ môi trường, phát triển công nghiệp bền vững. Song song đó, cần có những mô hình mới với các cơ chế chính sách phù hợp để nâng cao hiệu quả sử dụng đất, thu hút đầu tư và tận dụng được cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”.

Ngoài ra, việc bổ sung chính sách ưu đãi về tài chính cho các KCN sinh thái, DN sinh thái như miễn, giảm thuế, tiền thuê đất, ưu tiên vay vốn tín dụng… là cần thiết để khuyến khích DN tự thực hiện việc chuyển đổi và xây dựng mới KCN sinh thái. Đặc biệt, các đối tác phát triển cần có sự cam kết hỗ trợ về mặt tài chính hoặc kỹ thuật thì việc chuyển dịch KCN theo hướng xanh, bền vững sẽ sớm thành công.

Về vai trò quan trọng của khu vực tư nhân trong việc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang KCN sinh thái tại Việt Nam, ông Werner Bardill – Tổng lãnh sự Thụy Sĩ tại Tp. Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Ở cấp độ KCN và DN, nhiều DN đã tiên phong trong đầu tư và thực hiện các giải pháp tài nguyên và sản xuất sạch hơn. Chúng tôi hy vọng ngày càng có nhiều KCN tại Việt Nam tham gia vào quá trình chuyển đổi này để tiến đến mục tiêu phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh trong thời gian tới”.

Bà Lê Thị Thanh Thảo – Đại diện UNIDO tại Việt Nam, cũng đánh giá cao việc phát triển KCN sinh thái theo định hướng phát triển kinh tế và công nghiệp bền vững tại Việt Nam.

Chính phủ Việt Nam định hướng phát triển kinh tế theo hướng xanh và bền vững, phát triển kinh tế dựa trên đổi mới khoa học công nghệ, giảm phát thải khí nhà kính và bảo vệ môi trường, trong đó có thể nói mô hình KCN sinh thái là một minh chứng cụ thể cho những chính sách đúng đắn này” – bà Lê Thị Thanh Thảo chia sẻ.

Đại diện UBND Tp. Hồ Chí Minh, ông Võ Văn Hoan – Phó Chủ tịch UBND Thành phố, cho biết, trong giai đoạn hiện nay, Tp. Hồ Chí Minh đang thí điểm chuyển đổi KCN Hiệp Phước thành KCN sinh thái theo Dự án “Triển khai KCN sinh thái tại Việt Nam theo hướng tiếp cận từ chương trình KCN sinh thái toàn cầu” của Bộ KH&ĐT và UNIDO. Với mục tiêu đến 2030, Tp. Hồ Chí Minh là đô thị thông minh, thành phố dịch vụ, công nghiệp theo hướng hiện đại, phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh gắn với cách mạng công nghiệp 4.0 là xu hướng tất yếu.

Ông Võ Văn Hoan – Phó Chủ tịch UBND Tp. Hồ Chí Minh phát biểu tại Hội thảo.

Tp. Hồ Chí Minh sẽ vừa đảm bảo mục tiêu hiện đại hóa nền kinh tế, vừa phát triển bền vững về môi trường và tăng cường khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu. Ngoài ra, TP cam kết phối hợp chặt chẽ với Bộ KH&ĐT và UNIDO triển khai Dự án “Triển khai KCN sinh thái tại Việt Nam theo hướng tiếp cận từ chương trình KCN sinh thái toàn cầu.

“KCN Hiệp Phước được chọn tham gia Dự án, kết quả của Dự án sẽ là tiền đề để nhân rộng chuyển đổi các KCN hiện hữu sang mô hình KCN sinh thái tại Tp. Hồ Chí Minh và trên cả nước” – ông Võ Văn Hoan nhấn mạnh.

Dự án “Triển khai khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam theo hướng tiếp cận từ Chương trình KCN sinh thái toàn cầu” có tổng kinh phí 1.821.800 USD, được triển khai thực hiện trong 3 năm tại 5 tỉnh/thành phố gồm: Tp. Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Đồng Nai, Đà Nẵng và Hải Phòng. Dự án có mục tiêu nâng cao hiệu quả kinh tế, môi trường và xã hội của ngành công nghiệp và lồng ghép quy định để phát triển mô hình KCN sinh thái trong các cơ chế, chính sách có liên quan.

 

Phan Hải – Bình An

(Theo Môi trường và Đô thị điện tử)

Ảnh: Các đại biểu tham dự Hội thảo.