Giáo dục trẻ em là một trong những mục tiêu đầy tham vọng để phát triển bền vững, như một cách để xóa đói giảm nghèo và giảm thiểu tổn thương đối với biến đổi khí hậu và thiên tai.
Mới đây, một nghiên cứu vừa kết luận rằng, ở các nước nhiệt đới, việc tiếp xúc với nhiệt độ cực đoan và mưa nhiều ở những năm trước khi sinh cũng như trong thời thơ ấu, có thể làm cho trẻ em khó khăn hơn để đạt được giáo dục trung học, ngay cả đối với các gia đình khá giả.
Theo báo cáo đánh giá, cách thức mà biến đổi khí hậu (BĐKH) tác động đến lĩnh vực giáo dục khá phức tạp. BĐKH có thể tác động trực tiếp, khiến trường học bị phá hủy, thời gian học tập của trẻ em bị trì hoãn do thiên tai như lũ lụt và mưa bão gây ra. Mặt khác, BĐKH có thể gây ra tác động ở mức độ gián tiếp, ví dụ, nhiệt độ tăng và thay đổi về xu hướng lượng mưa có thể tạo ra những tác động tiêu cực đến sinh kế nông nghiệp, tạo thêm áp lực tài chính cho các hộ gia đình dễ bị tổn thương, từ đó đẩy họ đến lựa chọn để cho con cái đi làm kiếm thu nhập thay vì đi học. Dưới đây là một số thông tin từ báo cáo:
Bằng chứng từ nhiều quốc gia đã chứng minh rằng cứ mỗi năm đi học tăng thêm có thể làm tăng thu nhập của một cá nhân khoảng 8-10% . Ngược lại, thu nhập cả đời của một người có thể giảm 3% nếu họ mất đi một phần ba thời gian của một năm học, theo kết quả các phân tích toàn cầu về giáo dục bị bỏ lỡ. Cái giá của việc không được đi học không chỉ nằm ở việc thu nhập của một lứa học sinh bị giảm sút trong tương lai mà nhìn rộng hơn, một phần lực lượng lao động kỹ năng kém sẽ làm chậm tốc độ tăng trưởng của cả một quốc gia.
Theo nghiên cứu của Đại học Maryland, công bố vào ngày 15/4, được đăng tải trên tạp chí Proceedings của Viện Hàn lâm Khoa học quốc gia Hoa Kỳ, ông Heather Randell – tác giả chính – của Đại học Maryland đã thực hiện nghiên cứu tổng hợp, với tư cách là nghiên cứu sinh sau tiến sĩ tại Trung tâm Tổng hợp Môi trường Xã hội quốc gia, cùng đồng tác giả Clark Gray – thuộc Đại học Bắc Carolina – nhận thấy rằng điều kiện khí hậu ảnh hưởng bất lợi đến triển vọng đạt được mục tiêu giáo dục, theo nhiều cách khác nhau.
Ở Đông Nam Á, việc tiếp xúc với nhiệt độ cao hơn mức trung bình trong thời kỳ tiền sản và thời thơ ấu sẽ ảnh hưởng có hại đến việc đi học và có liên quan đến việc đi học ít hơn.
Cùng với Đông Nam Á, tại khu vực Tây và Trung Phi, những đứa trẻ trải qua giai đoạn đầu đời với khí hậu nhiều mưa sẽ liên quan đến khả năng đạt được trình độ học vấn cao hơn. Ở Trung Mỹ và Caribê, nơi khí hậu mát mẻ, những đứa trẻ trải qua giai đoạn nhiều mưa đầu đời thường đạt giáo dục chỉ ở mức trung bình thấp.
Đáng ngạc nhiên là trẻ em từ các hộ gia đình có giáo dục nhất không bị ảnh hưởng bởi các tác động của khí hậu, dù họ có trải qua những giai đoạn thời tiết khắc nghiệt như nóng nắng và khô hạn nghiêm trọng trong giai đầu đời.
Đặc biệt, ở Việt Nam, trẻ em thuộc các hộ gia đình nghèo nhất có nguy cơ bị thấp còi cao gấp 3 lần so với trẻ em thuộc các gia đình khá giả, trong đó Tây Nguyên, Trung du và Miền núi phía Bắc là những vùng bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Báo cáo ghi nhận các trường hợp trẻ em không đủ thức ăn đầy đủ dinh dưỡng, thay vào đó, em bé phải ăn thức ăn rắn từ khá sớm theo bữa ăn chung của bố mẹ. Thực hành nuôi dưỡng trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ không đầy đủ khiến trẻ có nguy cơ phát triển trí não kém, khả năng học tập yếu, khả năng miễn dịch thấp, gia tăng các bệnh nhiễm trùng.
Các đánh giá về BĐKH cho thấy, Đồng bằng sông Cửu Long, Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung, Tây Nguyên và Miền núi phía Bắc là những khu vực mà các hộ gia đình và trẻ em có khả năng phải di cư cao nhất do có mức độ tiếp xúc và nhạy cảm cao với BĐKH. Ngay cả khi BĐKH không trực tiếp khiến người dân phải di dời thì vẫn sẽ làm tăng tần suất và cường độ của các thiên tai và các áp lực từ môi trường, gây áp lực di cư. Một phân tích thực nghiệm gần đây trên 470 xã thuộc 12 tỉnh thành đã chứng minh ở các xã lũ lụt thường xuyên hơn hoặc nghiêm trọng hơn trong thập kỷ qua thì lượng dân di cư cũng gia tăng đáng kể.
Đinh Quỳnh – Tạp chí KTMT
Theo Kinh tế Môi trường
Ảnh: Tác động của biến đổi khí hậu đến giáo dục và học tập. (Ảnh minh họa)
Xem bài viết gốc tại đây:
https://kinhtemoitruong.vn/tac-dong-cua-bien-doi-khi-hau-den-giao-duc-va-hoc-tap-70858.html