Một lượng lớn đất đổ thải của dự án Nhà máy xử lý nước sạch Vạn Niên (TP. Huế, tỉnh Thừa Thiên – Huế) đã và đang tồn tại ngay trong công trình. Việc “núi” đất này chưa được xử lý khiến việc thi công ảnh hưởng và nảy sinh nhiều hệ lụy về môi trường.
Thời gian gần đây, Báo TN&MT nhận được nhiều phản ánh của người dân về việc dự án Nhà máy xử lý nước sạch Vạn Niên ở TP. Huế đang tồn tại một lượng “khủng” đất, đá đổ thải ngay trong khuôn viên đang thi công.
Qua tìm hiểu của PV, dự án Nhà máy xử lý nước sạch Vạn Niên do Công ty Cổ phần Cấp nước Thừa Thiên – Huế (HueWACO) làm chủ đầu tư, tổng mức đầu tư 794,1 tỷ đồng và được xây dựng qua 2 giai đoạn, giai đoạn 1 từ 2020-2022 với công suất 60.000 m3/ngày đêm và giai đoạn 2 từ 2023 – 2025 với công suất nâng lên 120.000 m3/ngày đêm. Dự án có nhiều hạng mục như trạm bơm nước thô, khối xử lý lắng lọc than hoạt tính sinh học và lọc cát, nhà điều hành, trạm bơm nước sạch, nhà hóa chất, khu xử lý bùn, các bể chứa…
Công trình này sau khi hoàn thành dự kiến sẽ cung cấp nước sạch an toàn cho trên 80% dân số toàn tỉnh gồm TP. Huế, thị xã Hương Trà, Hương Thủy, các huyện Quảng Điền, Phú Vang, thay thế các nhà máy cũ, đã xuống cấp và góp phần nâng cao năng lực cấp nước, đảm bảo an ninh nước sạch và hoàn thiện hạ tầng cấp nước của tỉnh Thừa Thiên – Huế.
Trong khi dự án đang thi công thì dư luận thắc mắc về việc tại sao trong 2 năm qua, trong khuôn viên dự án lại tồn tại một lượng lớn đất thải chưa được xử lý.
“Mục sở thị” tận nơi, PV nhận thấy khuôn viên dự án rất rộng, nhiều cây xanh, các hạng mục đang được thi công khẩn trương, không khí làm việc sôi nổi, công nhân vào ra liên tục…
Càng vào bên trong, lượng đất, đá thải nằm khắp khuôn viên dự án. Đặc biệt có nơi đất đá thải chất thành đống cao như một “ngọn núi”. Phần lớn đất đổ thải nằm sát bờ sông Hương, mỗi khi trời mưa cuốn theo một lượng đất chảy xuống dòng sông khiến nước đổi màu vàng đục.
“Tôi thấy đất, đá thải trong khuôn viên dự án này tồn tại đã lâu mà không ai chở đi cả. Nhiều đoạn đổ thải nằm sát sông nên sắp tới mùa mưa bão thì nguy cơ sạt trượt xuống sông có thể xảy ra bất cứ lúc nào, gây ô nhiễm cũng như nguy hiểm…”, môt người dân sống cạnh công trình chia sẻ.
Liên quan đến sự việc, trao đổi với PV, lãnh đạo HueWACO cho hay những vấn đề về đất đổ thải như đã đề cập ở trên là đúng và đơn vị đã gặp không ít vướng mắc trong quá trình thực hiện việc đổ thải nên đến nay vẫn chưa di chuyển được hơn 200.000 m3 đất đá…
Cụ thể, ban đầu HueWACO đã phối hợp với Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường (Sở TN&MT tỉnh Thừa Thiên – Huế) lập Báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án (ĐTM) để trình cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt, trong đó khối lượng đổ thải 99.300 m3, vị trí bãi thải thuộc Khu quy hoạch Đại học Huế (đường Hồ Đắc Di, TP. Huế). Qua quá trình triển khai thực hiện, bãi thải tại đây đã lấp đầy nên không thể tiếp nhận đất đổ thải của dự án, đồng thời, khối lượng đổ thải được điều chỉnh lên 245.098 m3, vì thế phải điều chỉnh ĐTM để thực hiện đổ thải.
Sau đó, HueWACO tiếp tục lập ĐTM điều chỉnh trình Sở TN&MT thẩm định, vị trí đổ thải được thống nhất tại các phường Hương Văn, Tứ Hạ, Hương Xuân (thị xã Hương Trà). HueWACO chủ động phối hợp với đơn vị tư vấn và các địa phương thực hiện khảo sát các vị trí bãi thải mới…
“Đến nay, HueWACO nhận được thông tin quy trình thẩm định, phê duyệt ĐTM điều chỉnh gặp vướng mắc. Ngày 27/7 vừa rồi, chúng tôi đã gửi văn bản về việc thay đổi một số nội dung so với ĐTM đã được phê duyệt đến Bộ Tài nguyên và Môi trường, Sở TN&MT tỉnh để được hướng dẫn hoàn thiện thủ tục thẩm định, phê duyệt ĐTM, đảm bảo việc vận chuyển khối lượng đất thải nêu trên đến các bãi thải theo đúng quy định của pháp luật”, lãnh đạo HueWACO thông tin.
Cũng theo lãnh đạo HueWACO, khối lượng đất thải của công trình gồm đất cấp phối đồi có lẫn đá cấp 4, phù hợp cho việc san nền, đắp nền mặt đường cho các dự án trên địa bàn tỉnh (đất đắp K90, K95), trong khi một số công trình thi công từ nguồn vốn ngân sách đang gặp khó khăn về nguồn đất đắp, vì vậy đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các ngành cho phép các đơn vị sử dụng nguồn đất đổ thải từ dự án Nhà máy nước sạch Vạn Niên để san lấp các công trình từ nguồn ngân sách tỉnh, qua đó tiết kiệm chi phí, đồng thời giải quyết khó khăn chung của HueWACO và các đơn vị thi công chưa có nguồn khai thác mỏ đất…
Theo Sở TN&MT tỉnh Thừa Thiên – Huế, dự án Nhà máy xử lý nước sạch Vạn Niên thuộc đối tượng lập báo cáo đánh giá tác động môi trường trình Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm định, phê duyệt, bởi theo quy định tại số thứ tự 10 Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường: Dự án khai thác, sử dụng tài nguyên nước thuộc thẩm quyền cấp giấy phép về khai thác, sử dụng tài nguyên nước của Bộ Tài nguyên và Môi trường, đồng thời theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 28 Nghị định số 201/2013/NĐ-CP ngày 27/11/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Tài nguyên nước: Dự án khai thác nước mặt cho các mục đích khác với lưu lượng từ 50.000 m3/ngày đêm trở lên thuộc thẩm quyền cấp giấy phép khai thác tài nguyên nước của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
“Vị trí đổ đất thải trong quá trình xây dựng dự án đã được UBND thị xã Hương Trà thống nhất vị trí. Sở TN&MT sẽ hỗ trợ chủ đầu tư và phối hợp với cơ quan thẩm định của Bộ Tài nguyên và Môi trường trong quá trình thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án theo đúng quy định của pháp luật, trong đó có vấn đề đổ đất thải…”, Sở TN&MT cho biết.
Dự án Nhà máy nước sạch Vạn Niên được đầu tư xây dựng trên diện tích đất quy hoạch 13,5 ha thuộc Quy hoạch chi tiết Nhà máy nước sạch Vạn Niên (phường Thủy Biều, TP. Huế), mở rộng từ trạm bơm Vạn Niên 1 hiện có và 3,58 ha tại đồi Quảng Tế, phường Thủy Xuân (TP. Huế) |
Văn Dinh – Báo TNMT
Theo Tài nguyên & Môi trường
Ảnh: Một lượng lớn đất đổ thải tồn tại bên trong nhà máy chưa được xử lý
Xem bài viết gốc tại đây: