Trục cao tốc dài gần 200 km của Quảng Ninh sắp hoàn thành nhưng không có bất kỳ trạm dừng nghỉ hay trạm xăng nào. Điều này khiến nhiều tài xế lo lắng mỗi khi lái xe qua đây.
Khi “mảnh ghép” cuối cùng là cao tốc Vân Đồn – Móng Cái được đưa vào hoạt động, Quảng Ninh sẽ trở thành tỉnh có tuyến cao tốc dài nhất cả nước với 200 km, kéo dài từ cầu Bạch Đằng (thị xã Quảng Yên) đến nút giao cầu Bắc Luân 2 (TP Móng Cái).
Chị Thu Hương (trú thị xã Quảng Yên), chưa hết vui mừng khi được di chuyển trên tuyến cao tốc hiện đại từ cầu Bạch Đằng đến thành phố Móng Cái, thì đến đầu cao tốc Vân Đồn – Tiên Yên, nữ tài xế bất an vì xe báo hết nhiên liệu, mà dọc tuyến đường không có cây xăng nào.
Mỏi mắt tìm cây xăng
“Tôi di chuyển cả chặng, tìm mỏi mắt trên cao tốc nhưng không thấy bất cứ cây xăng nào. Bất đắc dĩ tôi phải di chuyển xuống nút giao Mũi Chùa (Tiên Yên), ra quốc lộ 18 để đổ xăng, sau đó lại di chuyển ngược lên cao tốc”, chị Hương than thở về sự bất tiện này.
Theo chị Hương, chủ đầu tư và quản lý tuyến đường cần bố trí một số trạm dừng chân, đặc biệt là điểm tiếp nhiên liệu trên dọc tuyến cao tốc, nhằm phục vụ nhu cầu của lái xe khi di chuyển trên cả chặng đường dài.
Anh Bùi Minh, chủ hãng xe khách chạy tuyến Hà Nội – Quảng Ninh, cho biết nghe tin tuyến cao tốc mới Vân Đồn – Móng Cái sắp thông tuyến, đơn vị vận tải của anh dự định đăng ký nối dài tuyến chở khách hai chiều từ Móng Cái (Quảng Ninh) đi Hà Nội và ngược lại, với tổng chiều dài khoảng 300 km.
Tuy nhiên, qua khảo sát, anh Minh băn khoăn khi cả tuyến cao tốc của Quảng Ninh bắt đầu từ cầu Bạch Đằng đến TP Móng Cái dài gần 200 km lại không có bất cứ trạm dừng nghỉ hay trạm tiếp nhiên liệu nào.
“Trung bình mỗi xe khi di chuyển từ Quảng Ninh lên Hà Nội khi quay về phải tiếp nhiên liệu. Nếu nối dài tuyến đến Móng Cái mà trên đường không có trạm xăng sẽ rất bất tiện, lái xe không chủ động được việc tiếp nhiên liệu, nếu chẳng may dừng xe giữa đường cũng không có cách nào để đổ xăng”, anh Minh chia sẻ.
Ngoài ra, trên quãng đường di chuyển dài, hành khách thường có nhu cầu dừng nghỉ ngơi, nhưng các trạm dừng nghỉ cũng vắng bóng trên tuyến cao tốc hiện đại này. Trong khi đó, tuyến đường cũ trên quốc lộ 18 lại bố trí rất nhiều trạm dừng nghỉ.
Anh Lâm, lái xe lâu năm, cho biết tuyến cao tốc từ Hà Nội về Hải Phòng chỉ hơn 100 km nhưng được bố trí nhiều trạm dừng nghỉ, thậm chí bố trí cả chỗ nghỉ ngơi cho lái xe đường dài để đảm bảo an toàn.
“Điều lạ là tuyến cao tốc của Quảng Ninh dài gần 200 km nhưng không có bất kỳ trạm tiếp nhiên liệu nào. Nếu lái xe quên đổ xăng mà đi vào tuyến cao tốc của Quảng Ninh không biết phải làm thế nào”, nam tài xế chia sẻ.
Bố trí trạm dừng nghỉ và cây xăng là cần thiết
Trao đổi với Zing về vấn đề này, đại diện đơn vị khai thác tuyến cao tốc Hạ Long – Vân Đồn – Móng Cái, thừa nhận bất cập khi không có trạm dừng nghỉ dọc tuyến cao tốc dài 200 km.
Vị này cũng cho rằng việc bố trí các trạm dừng nghỉ và cây xăng dọc theo các tuyến đường là cần thiết nhằm cung cấp dịch vụ, phục vụ nhu cầu của lái xe, hành khách và các phương tiện tham gia giao thông, góp phần nâng cao hiệu quả khai thác tuyến cao tốc.
Tài xế phải dừng xe giữa đường để sửa xe do không có trạm sửa chữa trên tuyến cao tốc. Ảnh: L.N.H.
Ngoài ra, trạm dừng nghỉ còn có tác dụng giúp lái xe tiếp nhiên liệu bổ sung, sửa chữa và kiểm tra điều kiện an toàn của xe trước khi cho phương tiện tiếp tục khởi hành.
Trao đổi với Zing, ông Hoàng Quang Hải, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Quảng Ninh, cho biết trước đây toàn tuyến cao tốc tại địa phương này chưa có trạm tiếp nhiên liệu và trạm dừng nghỉ.
Sau khi tuyến cao tốc Vân Đồn – Móng Cái đi vào hoạt động, Sở sẽ đề xuất UBND tỉnh và Bộ GTVT bổ sung 2 trạm dừng nghỉ kết hợp với trạm xăng trên tuyến cao tốc.
“Dự kiến có 2 điểm dừng nghỉ trên tuyến, trong đó một điểm tại Hạ Long và một điểm tại Vân Đồn. Chúng tôi đang hoàn thiện các thủ tục để xúc tiến xây dựng trạm trong thời gian sớm nhất, để tuyến cao tốc khai thác đồng bộ và hiện đại nhất”, ông Hải nói.
Đại diện đơn vị khai thác tuyến cao tốc cũng cho rằng để khai thác đồng bộ dự án, đảm bảo an toàn cho người và phương tiện lưu thông, tỉnh Quảng Ninh cần ưu tiên bố trí nút giao và đầu tư các trạm dừng nghỉ trên dọc tuyến cao tốc.
Khi hoàn thiện đường cao tốc Vân Đồn – Móng Cái, thời gian di chuyển từ cầu Bạch Đằng (thị xã Quảng Yên) ra thành phố Móng Cái sẽ được rút ngắn 1/3 so với việc sử dụng quốc lộ 18 như trước đây.
Khoản 3, Điều 3 Luật Giao thông Đường bộ quy định trạm dừng nghỉ là một công trình thuộc kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. Theo tiêu chuẩn quốc gia về đường cao tốc, cứ khoảng từ 15 km đến 25 km cần bố trí một chỗ dừng xe dọc tuyến nằm ngoài phạm vi nền đường, để người đi đường có thể dừng xe nghỉ ngơi, ngắm cảnh tự nhiên và bảo dưỡng xe. Vị trí có thể được chọn xa đường từ vài chục mét đến hàng trăm mét. Khoảng từ 50 km đến 60 km, nên bố trí một trạm phục vụ kỹ thuật thông thường (có khả năng cấp xăng, dầu, sửa chữa nhỏ và dừng xe, có nhà nghỉ, nhà vệ sinh, cửa hàng ăn); và từ 120 km đến 200 km nên bố trí một trạm phục vụ lớn. Trạm này có khả năng sửa chữa phương tiện, cấp xăng, dầu… Ngoài ra, còn có thể tiếp đón người đi đường với nhà ăn, khách sạn, văn phòng chỉ dẫn du lịch, chỉ dẫn trung chuyển… |
Quốc Nam – Tạp chí Zing News
Theo Zing News
Ảnh: Cao tốc Vân Đồn – Móng Cái sắp được tỉnh Quảng Ninh đưa vào sử dụng từ đầu tháng 9. Ảnh: Quốc Nam.
Xem bài viết gốc tại đây:
https://zingnews.vn/cao-toc-dai-gan-200-km-khong-co-lay-mot-tram-xang-post1347849.html