Trong khuôn khổ những hoạt động của Ngày Hội Lục Bát Việt Nam năm Nhâm Dần – 2022, ngày 26/8 tới đây, lần đầu tiên tại Việt Nam, sẽ có 6 Tác giả Lục Bát được cộng đồng tôn vinh.
Lục Bát không chỉ là tên một thể thơ truyền thống của Việt Nam, mà còn là Hồn quê, là Văn hóa cội nguồn và Tâm linh của người Việt. Đó vừa là di sản vô giá, vừa là tài sản độc đáo, từ bao đời cha ông truyền lại cho con cháu hôm nay và mai sau. Lục Bát là một thể loại ca từ “xương sống”, có mặt trong tất cả các làn điệu dân ca, ca dao Bắc – Trung – Nam.
Đã là người Việt Nam, thì không ai là không thuộc một đôi câu dân ca, ca dao bằng Thơ Lục Bát. Và dù sinh sống ở đâu trên thế giới, thì từ sâu thẳm tâm hồn mỗi người Việt Nam đều có những lời ru của mẹ từ thuở ấu thơ, đều có những câu ca dao đằm thắm bay lên từ nắng gió đồng quê; đó là hành trang theo ta đi suốt cuộc đời, vừa gần gũi, vừa thiêng liêng như gia đình và nguồn cội.
Nhằm góp phần bảo tồn và xây dựng môi trường Văn hoá lành mạnh, tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, để Văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc, theo tinh thần Hội nghị Văn hoá toàn quốc lần thứ 3 năm 2021 của Đảng; nhân Ngày hội Lục Bát Việt Nam năm Nhâm Dần – 2022; (cũng là năm thứ 14 Cộng đồng mạng Lục Bát Việt Nam phối hợp với nhiều cơ quan, đơn vị tổ chức Ngày hội Lục Bát vào dịp 6/8 âm lịch hằng năm); Tổ chức Kỷ lục Việt Nam phối hợp với Cộng đồng mạng Lục Bát Việt Nam; Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam; Viện Nghiên cứu, Bảo tồn và Phát huy văn hoá dân tộc và Câu lạc bộ “Trái tim Người lính” tổ chức Lễ công bố Kỷ lục Quốc gia và tôn vinh Tác giả Thơ Lục Bát.
Trong khuôn khổ những hoạt động của Ngày Hội Lục Bát Việt Nam năm Nhâm Dần – 2022, ngày 26/8 tới đây, lần đầu tiên tại Việt Nam, sẽ có 6 Tác giả Lục Bát được cộng đồng tôn vinh. Họ là những người tiêu biểu cho việc thầm lặng “giữ lửa” cho Thơ Lục Bát trong nhiều năm qua và là những cây bút sung sức trong việc sáng tác Lục Bát đương đại./.
Nhà văn Đặng Vương Hưng
(Theo Môi trường & Đô thị điện tử)