Vì không gian sống chật hẹp, nên nhiều hộ dân đành tặc lưỡi ‘ăn gian’ diện tích bằng những khung sắt được ví như những chiếc ‘chuồng cọp’ nhô ra ngoài khoảng không. Tình trạng tự ý cơi nới diện tích chỗ ở tưởng chừng chỉ xuất hiện tại các nhà dân đơn lẻ hay những khu tập thể cũ, thì giờ cũng đã xuất hiện tại một số khu chung cư cao tầng trên địa bàn Hà Nội.
Theo ghi nhận của phóng viên Báo điện tử Xây dựng, tình trạng người dân cơi nới không gian sống bằng các thanh sắt để tăng diện tích chỗ ở đã trở nên khá phổ biến. Đây đang là một vấn đề nan giải mà chính quyền các cấp và lực lượng chức năng chưa thể giải quyết trong nhiều năm qua.
Hầu hết các “chuồng cọp” được người dân sử dụng để phơi quần áo, nhà kho, bếp hoặc trồng cây cảnh.
Có nhiều “chuồng cọp” nhô ra ngoài khoảng không cả mét.
Việc xây dựng “chuồng cọp” không theo một tiêu chuẩn nào. Các vật liệu được sử dụng thường là inox, sắt, tôn, nhựa…
Đa số các “chuồng cọp” được làm khá kiên cố. Tuy nhiên, càng kiên cố bao nhiêu thì càng rủi ro cho chính chủ nhà bấy nhiêu.
Việc cơi nới thêm diện tích sẽ làm thay đổi kết cấu, tác động đến khả năng chịu lực của công trình, dẫn đến tiềm ẩn những nguy cơ đổ sập. Bên cạnh đó, các “chuồng cọp” được lắp đặt với nhiều kích thước, màu sắc khác nhau, điều này vô tình làm mất mỹ quan đô thị.
Không chỉ với những nhà dân đơn lẻ, những khu tập thể cũ, mà giờ đây tại các tòa chung cư cao tầng trong khu tái định cư Đền Lừ (Hoàng Mai, Hà Nội), người dân cũng ngang nhiên cơi nới để làm tăng diện tích sử dụng.
Hầu như nhà nào cũng có…
Việc tự cơi nới “chuồng cọp” bằng khung sắt và lợp mái tôn, quây kín bằng tôn lấn ra khoảng không là hành vi bị nghiêm cấm.
Theo khoản 2 Điều 70 Nghị định 16/2022/NĐ-CP quy định xây dựng “chuồng cọp” chiếm không gian trên cao, tự ý thay đổi kết cấu chịu lực, thay đổi thiết kế phần sở hữu riêng trong nhà chung cư sẽ bị phạt từ 60 – 80 triệu đồng.
Việc cơi nới thêm phần diện tích sử dụng tại các khu chung cư, nhà tập thể cũ tạo thành những “chuồng cọp” lồi lõm. Điều này cũng đặt ra nhiều lo ngại về việc thoát hiểm trong các sự cố hỏa hoạn.
Thực tế nhiều vụ hỏa hoạn đã cho thấy “chuồng cọp” là nguyên nhân khiến nạn nhân không thể thoát ra ngoài. Bên cạnh đó, lực lượng chức năng lại gặp khó khăn khi tiếp cận hiện trường, di chuyển vào trong để cứu người do gặp rào cản, cần thời gian để phá dỡ khung sắt thép.
Tiến Hào – Báo Xây Dựng
Theo Xây Dựng
Xem bài viết gốc tại đây:
https://baoxaydung.com.vn/ha-noi-hiem-hoa-luon-rinh-rap-tu-viec-coi-noi-chuong-cop-337484.html