Hiện trạng các mỏ đá ở Yên Lâm (Thanh Hóa) – Bài 3: Có hay không việc khai thác vượt quá độ sâu cho phép?

Ngày 5/5/2022, Báo Tài nguyên và Môi trường có loạt bài đề cập tới nội dung một số doanh nghiệp trên địa bàn thị trấn Yên Lâm, huyện Yên Định (Thanh Hóa) chỉ tập trung khai thác, chế biến đá khối để xẻ. Tiếp tục tìm hiểu các điểm mỏ, dễ dàng nhận thấy có dấu hiệu khai thác vượt quá độ sâu cấp phép. Đã đến lúc công tác quản lý nhà nước về khoáng sản cần được siết chặt hơn nữa và sớm đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra để mạnh tay xử lý các trường hợp vi phạm.

Theo giấy phép khai thác khoáng sản và thuê đất của UBND tỉnh Thanh Hóa cấp cho 03 doanh nghiệp tại thị trấn Yên Lâm, huyện Yên Định. Công ty Xây lắp điện và Xây dựng thủy lợi Thăng Bình (Công ty Thăng Bình) có giấy phép số 300/GP-UBND ngày 30/7/2015 với diện tích mỏ 7.906 m2; trữ lượng khai thác 140.000 m3; công suất khai thác 15.000 m3/năm; mức sâu khai thác đến cos +30m.

Đối với Công ty TNHH vật liệu xây dựng đá Minh Thành (Công ty Minh Thành) có giấy phép 425/GP-UBND ngày 13/11/2014 với diện tích mỏ 33.410 m2; trữ lượng khai thác 354.000 m3; công suất khai thác 12.000 m3/năm; mức sâu khai thác đến cos +23m. Còn Doanh nghiệp tư nhân Tiến Thành (Doanh nghiệp Tiến Thành) có giấy phép 399/GP-UBND ngày 04/11/2014 với diện tích mỏ 65.120 m3; trữ lượng khai thác 354.000 m3; công suất khai thác 12.000 m3/năm; mức sâu khai thác đến cos +25.

anh-1(1).jpg
Khu vực khai thác đá của công ty Thăng Bình,với mức sâu đến cos +30m

 

Căn cứ vào các giấy phép khai thác khoáng sản trên cho thấy, mức sâu khai thác của các đơn vị dao động từ cos +23m đến cos +30m. Quy định quan trọng này nhằm tránh việc khai thác khoáng sản ảnh hưởng tới môi trường xung quanh và lòng đất, tránh thất thoát tài nguyên khoáng sản và thuế nhà nước.

Thế nhưng, khi có mặt tại khu vực khai thác của Công ty Thăng Bình và Công ty Minh Thành, phóng viên nhận thấy các đơn vị trên đang có dấu hiệu khai thác vượt quá độ sâu cấp phép. Đập vào mắt phóng viên là hình ảnh dưới chân núi chỉ còn lại đất, đá thải chất thành đống, nhìn từ chân núi lên đến vị trí đang khai thác chỉ có độ cao chừng 10-15m, công nhân và máy móc đang tiến hành cắt dây để khai thác đá xẻ ở khu vực không cao hơn so với chân núi là mấy. Trong khi đó đá vật liệu xây dựng bị doanh nghiệp “bỏ quên” khai thác.

Cũng tại thị trấn Yên Lâm, huyện Yên Định, Doanh nghiệp tư nhân Xăng dầu Thanh Túy (Doanh nghiệp Thanh Túy) được UBND tỉnh cấp giấy phép 357/GP-UBND ngày 9/9/2015 với diện tích mỏ 27.009 m2; trữ lượng khai thác 175.000 m3; công suất khai thác 14.000 m3/năm; mức sâu khai thác đến cos +23m. Còn Doanh nghiệp tư nhân Xây dựng Thương mại và Sản xuất Hoàng Minh (Doanh nghiệp Hoàng Minh) được UBND tỉnh cấp giấy phép số 323/GP-UBND ngày 21/8/2017 với diện tích mỏ 112.366m2, trữ lượng khai thác 2.417.111 m3; công suất khai thác 82.000 m3/năm; mức sâu khai thác đến cos +37 (một phần mỏ nằm trên xã Cao Thịnh, huyện Ngọc Lặc).

anh-2(1).jpg
Mức sâu khai thác của các đơn vị dao động từ cos =23m đến cos +30m

 

Như vậy theo giấy phép của Doanh nghiệp Thanh Túy và Doanh nghiệp Hoàng Minh, mức sâu khai thác của các doanh nghiệp lần lượt là cos +23 và cos +37. Tuy nhiên, khi di chuyển sang khu vực điểm mỏ của 2 doanh nghiệp này thì tình trạng cũng không mấy khả quan và tương tự như điểm mỏ của Công ty Thăng Bình và Công ty Minh Thành.

Đáng chú ý, khu vực đá xẻ được khai thác trước đó chỉ cao hơn nền đường vận chuyển trong làng nghề chừng 5- 7 m. Vị trí chân núi lộ rõ những tảng đá xẻ có kích thước lớn, chỉ còn lại những tảng đá bị nứt có chất lượng kém. Cùng với đó, ước tính một lượng khoáng sản khá lớn đã được khai thác trước đó, chỉ còn lại chân núi bằng phẳng, bằng mắt thường có thể nhận thấy độ cao không cao hơn so với mặt đường là mấy.

Trao đổi với phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường, ông Nguyễn Hồng Phong, Chủ tịch UBND thị trấn Yên Lâm cho biết: Trên địa bàn thị trấn Yên Lâm đang có 33 doanh nghiệp khai thác đá, đến nay chưa phát hiện đơn vị nào khai thác vượt quá độ sâu theo giấy phép UBND tỉnh cấp. Trung bình độ sâu khai thác của các đơn vị là cos +23m, có mỏ thì độ cos cao hơn, do đầu tư công nghệ cắt dây nên hầu hết các mỏ đang khai thác từ trên xuống dưới, vì vậy việc khai thác vượt quá độ sâu ở thời điểm này có thể chưa xảy ra.

anh-3(1).jpg
Vị trí khai thác mỏ của công ty Tiến Thành có cos +25m

 

Ông Hoàng Văn Tiến, Trưởng Phòng TN&MT huyện Yên Định cho biết: Trước đó, cơ quan chức năng đã kiểm tra các mỏ đá trên địa bàn thị trấn Yên Lâm nhưng chưa phát hiện vi phạm về tình trạng khai thác đá vượt quá độ sâu. Hiện nay các doanh nghiệp đang chấp hành theo quy định mà UBND tỉnh cấp phép.

Điểm a, Khoản 6, Điều 37, Nghị định số 36/2020/NĐ-CP ngày 24/03/2020 của Chính phủ quy định: Phạt tiền đối với hành vi khai thác khoáng sản (trừ cát, sỏi lòng sông, suối, hồ; hộ kinh doanh) có tổng diện tích vượt ra ngoài ranh giới khu vực được phép khai thác (the bề mặt) vượt từ 01 ha đến dưới 1,5 ha; vượt quá phạm vi ranh giới được phép khai thác (theo độ sâu hoặc độ cao) từ 03m đến dưới 05m trong phạm vi diện tích từ 0,1 ha trở lên: Từ 100.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng đối với khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp phép của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

Nhóm PV – Báo TNMT

Theo Tài nguyên & Môi trường

Xem bài viết gốc tại đây:

https://baotainguyenmoitruong.vn/hien-trang-cac-mo-da-o-yen-lam-thanh-hoa-bai-3-co-hay-khong-viec-khai-thac-vuot-qua-do-sau-cho-phep-342153.html