Chương trình “Cây dừa – Vì một Việt Nam xanh” được thực hiện trong 3 năm, bắt đầu từ năm 2022 tại 28 tỉnh thành ven biển; các đảo thuộc quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa và 6 đảo thanh niên, với mục tiêu trồng ít nhất 100.000 cây dừa.
Hưởng ứng chương trình “Trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021 – 2025” do Thủ tướng Chính phủ phát động tại Đề án số 524/QĐ-TTg ngày 01/4/2021; chương trình “Vì một Việt Nam xanh” do Ban Bí thư Trung ương Đoàn phát động; chương trình “Cây dừa biển đảo” do Hiệp Hội Dừa Việt Nam và Bộ Tư lệnh hải quân cùng phối hợp triển khai.
Theo đó, Chương trình “Cây dừa – Vì một Việt Nam xanh” được thực hiện trong 3 năm, bắt đầu từ năm 2022 tại 28 tỉnh thành ven biển; các đảo thuộc quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa và 06 đảo thanh niên. Bao gồm: đảo Trần (tỉnh Quảng Ninh); đảo Bạch Long Vĩ (TP.Hải Phòng); đảo Cồn Cỏ (tỉnh Quảng Trị); đảo Cù Lao Xanh (tỉnh Bình Định); đảo Hòn Chuối (tỉnh Cà Mau); đảo Thổ Chu (tỉnh Kiên Giang).
Bên cạnh đó, Chương trình cũng sẽ triển khai tại các địa phương thuộc Cụm Sông Tiền, Sông Hậu đang chịu nhiều ảnh hưởng do biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn; các địa bàn tổ chức Đoàn hỗ trợ triển khai phong trào tuổi trẻ chung tay xây dựng nông thôn mới.
Giai đoạn 2023-2025, Trung ương Đoàn và Hiệp Hội Dừa Việt Nam phối hợp huy động các nguồn lực để đảm bảo mục tiêu trồng ít nhất 100.000 cây dừa, tại các địa điểm nêu trên.
Theo đó, tháng 2, 3 mỗi năm sẽ trồng 7.500 cây dừa tại Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình. Tháng 4, 5 mỗi năm sẽ trồng 7.500 cây dừa tại Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên -Huế.
Tháng 7, 8 mỗi năm sẽ trồng 10.000 cây dừa tại Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận. Tháng 9, 10 mỗi năm sẽ trồng 10.000 cây dừa tại Bà Rịa – Vũng Tàu, TP.HCM, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và Kiên Giang.
Trước đó, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã phát động Chương trình “Triệu cây xanh – Vì một Việt Nam xanh” năm 2022 với nhiều hoạt động ý nghĩa. Chương trình góp phần thực hiện thành công đề án trồng 1 tỷ cây xanh của Chính phủ và mục tiêu trồng mới 100 triệu cây do Trung ương Đoàn xác lập trong giai đoạn 2021 – 2025.
Theo đó, trong năm 2022, chương trình dự kiến trồng 50.000 cây trồng mới rừng đầu nguồn (khoảng 40 hecta) tại Đắk Lắk và Đắk Nông và đồng thời, từ chương trình vận động trồng thêm 10.000 cây.
Thông qua Chương trình góp phần tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người trẻ về vai trò, tầm quan trọng của cây xanh, rừng, cùng tính cấp thiết của việc trồng, bảo vệ rừng, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên như đất, nước, không khí.
Điểm đặc biệt của Chương trình lần này là các bạn đoàn viên, thanh niên tham gia đều có cơ hội góp cây xanh để trồng rừng bằng chính hoạt động cụ thể của mình như thực hiện “Cam kết xanh”, “Hành động xanh”, trồng cây ảo, chạy, đi bộ đều được ban tổ chức ghi nhận và quy đổi sang cây xanh tương ứng để góp vào chương trình.
Trong năm 2022, Chương trình dự kiến trồng 50.000 cây trồng mới rừng đầu nguồn (khoảng 40ha) tại Đắk Lắk và Đắk Nông và đồng thời, từ Chương trình vận động trồng thêm 10.000 cây.
Trong 50 năm qua, số lượng các hiểm họa về thời tiết, khí hậu và nước đã tăng 5 lần, gây thiệt hại vô cùng to lớn. Biến đổi khí hậu trên toàn cầu đã chuyển sang một giai đoạn mới với những tác động ngày càng khắc nghiệt. Các bản tin dự báo không còn dừng lại ở thông tin ngày mai thời tiết thế nào mà dần dịch chuyển sang dự báo tác động, thông báo cho công chúng về những gì thời tiết sẽ gây ra.
Tuy nhiên, một phần ba dân số thế giới vẫn chưa được tiếp cận đầy đủ các thông tin dự báo này. Việt Nam là 1 trong 5 quốc gia chịu tác động nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Người dân thường xuyên phải gồng mình chống chịu nhiều loại thiên tai với “sáng chắn bão giông, chiều ngăn nắng lửa”.
Chương trình trồng 1 tỷ cây xanh VÌ MỘT VIỆT NAM XANH được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án số 524/QĐ-TTg, thực hiện trong giai đoạn 5 năm từ 2021 đến hết 2025. Mục tiêu của chương trình là trồng thành công 1 tỷ cây xanh trong đó 690 triệu cây trồng phân tán ở các khu đô thị và vùng nông thôn, 310 triệu cây trồng tập trung trong rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và trồng mới rừng sản xuất. Đề án khi hoàn thành được kỳ vọng sẽ góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, cải thiện cảnh quan và ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân và sự phát triển bền vững của đất nước. “Nhân loại đang đứng trước những thách thức to lớn của biến đổi khí hậu toàn cầu, các hiện tượng thời tiết cực đoan, bão, lụt, sạt lở, hạn, mặn gây hậu quả nặng nề đến tính mạng, tài sản. Chính vì vậy, việc trồng rừng, bảo vệ rừng, rõ ràng vừa là nhiệm vụ cấp bách, vừa mang ý nghĩa chiến lược đối với cuộc sống của người dân và sự phát triển bền vững đất nước”, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh. |
Lan Anh
(Theo Môi trường & Đô thị điện tử)
Ảnh: Chương trình “Cây dừa – Vì một Việt Nam xanh” được thực hiện trong 3 năm, bắt đầu từ năm 2022 tại 28 tỉnh thành ven biển; các đảo. (Ảnh minh họa)
Xem bài viết gốc tại đây: