Dù chưa có đầy đủ thủ tục pháp lý, Công ty TNHH đầu tư xây dựng xuất khẩu thương mại Việt Lào vẫn ngang nhiên qua mặt chính quyền, xây dựng nhà xưởng quy mô lớn trên diện tích đất thuê lại từ dự án khác.
Nhà xưởng của Công ty TNHH đầu tư xây dựng xuất khẩu thương mại Việt Lào (Công ty Việt Lào) được xây dựng trên diện tích đất thuộc dự án Nhà máy gạch không nung trước đây tại xã Minh Sơn, huyện Triệu Sơn (Thanh Hóa).
Tháng 6/2022, UBND tỉnh Thanh Hóa cho phép Công ty Việt Lào được chuyển hình thức thuê đất từ “Nhà nước cho thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm” sang “Nhà nước cho thuê đất trả tiền một lần cho cả thời gian thuê”.
Ngoài thủ tục cho thuê đất, Công ty Việt Lào chưa hoàn thiện hồ sơ pháp lý liên quan đến xây dựng và kinh doanh sản xuất trên diện tích đất này. Tuy nhiên doanh nghiệp đã tự ý xây dựng nhà xưởng quy mô lớn mấy tháng nay.
Khu nhà xưởng rộng lớn và kiên cố với các bức tường bao xi măng và mái tôn. Ông Nguyễn Văn Mỳ, Chủ tịch UBND xã Minh Sơn cho biết, trước đây, trên diện tích đất này là dự án nhà máy gạch không nung, nhưng không triển khai được. Hiện Công ty Việt Lào thuê lại đất. Ngoài quyết định thuê đất, xã không nắm được hồ sơ thủ tục pháp lý liên quan đến việc xây dựng nhà xưởng này. “Chúng tôi cũng không biết họ xây nhà xưởng để làm gì”, ông Mỳ nói.
Sau khi có phản ánh của báo chí, UBND xã Minh Sơn mới cho kiểm tra và lập biên bản. Ông Nguyễn Văn Mỳ cho biết, xã sẽ yêu cầu tháo dỡ nếu doanh nghiệp tự ý xây dựng không phép.
Ngoài ra, ngay bên cạnh nhà xưởng, được làm nơi tập kết phế liệu (gồm nhựa và ni lông), số rác này được tập kết trái phép ở đây từ hồi đầu tháng 6. Ông Nguyễn Văn Mỳ, Chủ tịch UBND xã cho biết, ngay khi thấy các chuyến xe chở rác thải về đây tập kết, do lo ngại ô nhiễm môi trường, xã đã xuống kiểm tra, lập biên bản và yêu cầu di dời đống rác này trước ngày 14/6.
Theo lý giải của chính quyền xã Minh Sơn, Công ty Việt Lào đã tự ý cho ông Lê Thọ Tùng (xã Dân Lý, huyện Triệu Sơn) “gửi nhờ” 200 tấn phế liệu tại khuôn viên nhà xưởng. Số phế liệu này được đưa về từ Hải Dương, có giấy tờ chứng minh nguồn gốc, dự kiến được sử dụng để tái chế nhựa.
UBND xã Minh Sơn cho biết, số phế liệu đã được di dời đi hơn nửa. Dù đã quá thời hạn yêu cầu di dời, nhưng đống phế liệu vẫn còn án ngự ở đây, có nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường nếu không được xử lý triệt để.
Lương Diễn/ANTT
Theo An ninh tiền tệ
Xem bài viết gốc tại đây: