Kiên Giang: Gỡ khó cho công tác bảo vệ môi trường

(Phapluatmoitruong.vn)Với mức 1% tổng chi ngân sách tỉnh nên nguồn lực quản lý môi trường của Kiên Giang chưa đạt hiệu quả cao.

Doanh nghiệp gặp khó

Giai đoạn 2018 – 2020, Kiên Giang có 14 dự án mời gọi đầu tư trong lĩnh vực môi trường, trong đó có 02 nhà đầu tư tham gia 02 dự án là Nhà máy xử lý rác thải plasma công suất 100 tấn/ngày tại Hòn Đất và Nhà máy xử lý rác thải và sản xuất sản phẩm năng lượng tái tạo từ rác tại Giang Thành; 01 dự án đã chuyển sang ngân sách Nhà nước đầu tư ở Khu xử lý rác kênh 500 tại Vĩnh Thuận. Còn lại 11/14 dự án chưa có nhà đầu tư tham gia.

Giai đoạn 2021 – 2025, chỉ còn 3 dự án thuộc lĩnh vực bảo vệ môi trường, gồm: Hệ thống thu gom và xử lý nước thải thị trấn Giồng Riềng, Trạm thu gom và xử lý nước thải tại các cụm dân cư trên địa bàn huyện Giồng Riềng, Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt xã Thạnh Yên, huyện U Minh Thượng. Các dự án kêu gọi đầu tư giảm vì không còn phù hợp quy hoạch.

Số lượng doanh nghiệp đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường đạt rất thấp so với danh mục kêu gọi dự án đầu tư (2/14 dự án). Nguyên nhân là do một số nhà đầu tư không đủ năng lực về tài chính, công nghệ, thiết bị nên bỏ dở hoặc chuyển nhượng lại, làm kéo dài tiến độ đầu tư.

Ngoài ra, hạ tầng bảo vệ môi trường còn nhiều bất cập, hệ thống thu gom, xử lý rác thải chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế; các bãi chôn lấp chất thải sinh hoạt chưa được đầu tư bài bản, chưa đảm bảo yêu cầu kỹ thuật về bảo vệ môi trường. Các chính sách khuyến khích xã hội hóa chưa rõ ràng, chưa hấp dẫn, khó tiếp cận; các thủ tục hành chính chưa được giải quyết nhanh chóng, còn ràng buộc và chồng chéo lẫn nhau.

Song song đó, quy mô các dự án kêu gọi đầu tư còn nhỏ, không đảm bảo khả năng thu hồi vốn và hiệu quả của nhà đầu tư. Việc tiếp cận đất đai thực hiện dự án còn khó khăn do không có quỹ đất sạch, chưa hỗ trợ tốt cho doanh nghiệp trong việc giải phóng mặt bằng nhanh, giao đất sạch và đầu tư các công trình ngoài tường rào như đường, điện, nước… kịp thời theo tiến độ dự án.

Đa dạng hóa nguồn lực đầu tư

Nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập trong huy động nguồn lực cho công tác bảo vệ môi trường, tỉnh Kiên Giang ưu tiên kêu gọi đầu tư xã hội hóa năm 2022 – 2025 và định hướng đến 2030, phấn đấu đến năm 2030, tối thiểu 50% các dự án đầu tư xã hội hóa trên địa bàn tỉnh.

Để đảm bảo mục tiêu đề ra, tỉnh đẩy mạnh xã hội hóa với sự tham gia của các thành phần kinh tế tư nhân, đóng góp mọi nguồn lực tài chính, nguồn lực con người, nguồn lực khoa học và công nghệ tiên tiến vào các hoạt động bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh; Xây dựng các cơ chế chính sách để hỗ trợ các tổ chức, cá nhân tham gia các hoạt động xã hội hóa bảo vệ môi trường đảm bảo đứng vững trong thời gian đầu cũng như đảm bảo lợi ích hợp pháp trong quá trình triển khai thực hiện.

Đồng thời, nâng cao ý thức trách nhiệm, nghĩa vụ của cá nhân, tổ chức trong bảo vệ môi trường, sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường, tăng cường xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường, đặc biệt là trong công tác thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt.

Trong xử lý chất thải rắn, ưu tiên cho các dự án lớn tập trung, trọng điểm, đảm bảo tính khoa học, hiệu quả kinh tế với khoảng cách thu gom rác thải sinh hoạt trung bình khoảng 30 km, xa nhất là 50 km, có tính bên vững lâu dài từ 30 – 50 năm.

Xây dựng từ 01 đến 02 “Khu liên hợp xử lý chất thải tổng hợp – Đốt rác phát điện” được coi là một khu kinh tế tái chế, xử lý tất cả các loại chất thải với diện tích đất đủ rộng từ 30 – 50 ha/khu, đảm bảo tầm nhìn quy hoạch cho 30 năm hoặc 50 năm, tạo “vành đai cây xanh”, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Trương Anh Sáng

(Theo Môi trường và Đô thị điện tử)

nh: Xã hội hóa bảo vệ môi trường, phòng ngừa, ngăn chặn và giảm thiểu ô nhiễm môi trường.