Đất quê đấu giá cao ngất ngưởng rồi bỏ cọc

Các thửa đất tại Quảng Trị được giới đầu cơ đấu giá cao gấp 2-3 lần so với giá khởi điểm nhưng cuối cùng ‘quay xe’ bỏ cọc.

Khoảng hai năm trở lại đây, giá đất tại tỉnh Quảng Trị tăng mạnh do giới đầu cơ tạo sốt ảo để lướt sóng kiếm lời. Khu vực quanh các dự án giao thông, du lịch, sân bay… xuất hiện tình trạng sốt đất bất thường. Những lô đất trước đây không ai muốn mua dù chỉ 400-600 triệu đồng/lô nay được thổi giá lên đến 2-3 tỉ đồng/lô.

Chỉ 5/46 người trúng đấu giá nộp tiền

Đặc biệt, các phiên đấu giá ở các huyện của tỉnh Quảng Trị, giá đất được đấu trúng có mức cao kỷ lục. Tuy nhiên, do thị trường bất động sản (BĐS) tại địa phương bắt đầu hạ nhiệt, ngân hàng thắt chặt các khoản vay về nhà đất… nên người trúng đấu giá liên tục bỏ cọc. Điều này cho thấy hầu hết người mua là giới đầu cơ chứ không có nhu cầu ở thực. Họ tham gia đấu giá chỉ để tạo sóng, sau đó bán lại kiếm lời.

Ông Trần Hoài Linh, Phó Chủ tịch UBND huyện Cam Lộ, cho biết cơ quan này vừa ban hành quyết định hủy “kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng 11 lô đất tại thị trấn Cam Lộ và xã Cam Tuyền” do quá thời hạn mà khách hàng không nộp đủ tiền theo quy định.

Tại thị trấn Cam Lộ có năm lô đất, còn xã Cam Tuyền có sáu lô đất. Đây là những lô đất đã được UBND huyện Cam Lộ phê duyệt kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng đất trong đợt 3 năm 2022 với giá đấu trúng gần 18 tỉ đồng.

Cụ thể, trong năm lô đất ở thị trấn Cam Lộ có bốn lô diện tích 260 m2, giá khởi điểm hơn 1,7 tỉ đồng và giá đấu trúng là hơn 2,4 tỉ đồng. Một lô còn lại diện tích 255 m2, giá khởi điểm hơn 1,8 tỉ đồng và được trúng đấu giá hơn 2,7 tỉ đồng. Trong khi đó, sáu lô đất tại xã Cam Tuyền có diện tích 400-500 m2, giá khởi điểm 250-300 triệu đồng và đều được trúng đấu giá với mức cao hơn giá khởi điểm khoảng ba lần.

Tại huyện Gio Linh, đầu năm 2022, UBND huyện tổ chức đấu giá quyền sử dụng 46 lô đất với tổng diện tích hơn 14.200 m2. Thời điểm đấu giá, số tiền trúng đấu giá của 46 lô đất là hơn 62,3 tỉ đồng, trong đó có nhiều lô được mua với giá cao gấp 3-4 lần so với giá khởi điểm.

Tuy nhiên, đến hạn hoàn thành nghĩa vụ tài chính thì chỉ có năm người nộp đủ tiền. 41 lô còn lại, người trúng đấu giá không hoàn thành nghĩa vụ tài chính nên huyện đã ra quyết định hủy kết quả trúng đấu giá.

Thổi giá tạo sốt ảo rồi buông tay

Hồi tháng 3, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Lê Đức Tiến đã ký công văn gửi các cơ quan, đơn vị về việc đánh giá và kiểm soát nguy cơ xảy ra bong bóng BĐS và tăng cường quản lý thị trường trên địa bàn.

Theo đó, ghi nhận thời gian qua thị trường BĐS ở Quảng Trị còn tồn tại một số hạn chế, một số tổ chức, cá nhân chưa tuân thủ các quy định.

Cụ thể như tại khu vực dự kiến thực hiện các dự án khu dân cư, khu đô thị, khu kinh tế, khu công nghiệp… ở vùng nông thôn đã xuất hiện các hoạt động đầu cơ BĐS gây sốt ảo. Thậm chí có hiện tượng thổi giá làm cho giá trị khu đất không đúng với giá thực tế.

Bên cạnh đó có dấu hiệu nhà đầu tư tổ chức huy động vốn chuyển nhượng chưa đúng quy định của pháp luật, thổi phồng để quảng cáo, rao bán khi chưa đầy đủ thủ tục và chưa đầu tư cơ sở hạ tầng cho dự án.

Ông Hoàng Tân Cương, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng và phát triển quỹ đất huyện Cam Lộ, xác nhận việc các cá nhân bỏ cọc sau khi trúng đấu giá không phải lần đầu xảy ra nhưng đợt vừa rồi có số lượng bỏ cọc nhiều nhất từ trước đến nay.

Một giám đốc công ty BĐS tại huyện Gio Linh cho rằng một phần nguyên nhân người đấu giá bỏ cọc là do thị trường đang hạ nhiệt, giá đất nền giảm và không có người mua. Ngoài ra, các ngân hàng rà soát, thắt chặt việc cho vay cũng gây khó khăn cho người mua đất.

“Đấu giá cao ngất ngưởng là chiêu thức của nhà đầu tư. Ví dụ trước đó, họ đã thu mua nhiều lô đất ở quanh khu vực đấu giá rồi tham gia đấu giá với giá cao để thổi giá đất xung quanh đó lên. Bán được các lô đất xung quanh, họ bỏ luôn cọc của lô đất trúng đấu giá” – vị này lý giải.

Áp lực tài chính khiến giới đầu tư bỏ cọc

Trao đổi với báo Pháp Luật TP.HCM, ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Trị, cho biết hai năm dịch COVID-19 khiến các hoạt động kinh doanh khó khăn, nhiều người dân chọn đầu tư vào BĐS, tài chính ngân hàng, trái phiếu.

Đầu quý II-2022, các hoạt động sản xuất, kinh doanh phục hồi. Qua rà soát thị trường, địa phương phát hiện một số bất cập như có hiện tượng đầu cơ, găm hàng để trục lợi… Sau khi thị trường được kiểm soát chặt, giới đầu cơ bị áp lực tài chính nên mới xảy ra tình trạng bỏ cọc nhiều.

“Trước thực trạng đó, trước hết chúng tôi kiến nghị với trung ương trong lúc Luật Đất đai chưa sửa đổi, Luật Kinh doanh, Luật Đấu thầu… còn nhiều khoảng trống về pháp lý thì cần rà soát các văn bản quy phạm pháp luật, cần những thông tư để chấn chỉnh. Luật Đấu thầu phải chặt chẽ hơn, người bỏ cọc khi đấu thầu ngoài việc mất tiền cọc còn phải chịu những trách nhiệm khác về hồ sơ năng lực và có chế tài phù hợp.

Về phía địa phương, cần tuyên truyền về quy hoạch, thị trường cũng như công bố công khai hết quy hoạch để người dân biết, nhằm minh bạch thông tin, xác định giá trị BĐS sát với thị trường” – ông Đồng nói.

Nguyễn Do – Báo PLO.VN

Theo PLO.VN

Ảnh: Các lô đất được đấu giácao ngất ngưởng rồi bỏ cọc ở xã Gio Sơn. Ảnh: HT

Xem bài viết gốc tại đây:

https://plo.vn/dat-que-dau-gia-cao-ngat-nguong-roi-bo-coc-post686796.html