Cầu Long Biên hơn “100 tuổi” với nhiều dấu hiệu xuống cấp “tiếp tục” được lên kế hoạch nghiên cứu, cải tạo. Vẫn là câu chuyện cải tạo đi cùng bảo tồn, giữ giá trị lịch sử, hướng đến phát triển du lịch Thủ đô.
2 lần “thủng mặt” trong tháng 5
Cầu Long Biên là 1 trong 3 tuyến huyết mạch của ngành Đường sắt (gồm tuyến Hà Nội – Đồng Đăng, Hà Nội – Hải Phòng và Hà Nội – Lào Cai). Hiện, cầu Long Biên được xếp vào loại yếu nhưng hằng ngày vẫn phải “gánh” trên mình hàng chục nghìn lượt phương tiện qua lại.
Ngày 4/5 vừa qua, cầu Long Biên phần đường dành cho người đi bộ bị gãy một tấm đan, tạo thành một lỗ thủng to, khoảng rộng có thể lọt một người lớn. Qua đó, nhìn thấy cả các bộ phận, kết cấu cầu phía bên dưới. Ngay sau khi phát hiện, sự cố được cơ quan chức năng nhanh chóng được khắc phục.
Tiếp đó, khoảng 10 giờ ngày 28/5, khi một xe ba gác qua cầu Long Biên đến đoạn qua bãi giữa do chở nặng cồng kềnh đã gây ra một lỗ thủng to có đường kính khoảng 60x80cm.
Sau khi tiếp nhận thông tin, Đội Quản lý cầu Long Biên đã ra khắc phục, lắp tấm đan, khoảng 12 giờ cùng ngày hoàn thành, các phương tiện lưu thông qua bình thường.
Như vậy, chỉ trong tháng 5/2022, cầu Long Biên đã xảy ra 2 vụ sập tấm đan trên lối đi dành cho người đi bộ và mặt đường bộ dành cho xe máy, xe thô sơ lưu thông.
Thứ trưởng Bộ GTVT – Nguyễn Ngọc Đông đã yêu cầu Cục Đường sắt Việt Nam, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam thực hiện ngay các biện pháp bảo đảm an toàn cầu Long Biên sau hai vụ sập tấm đan trên cầu trong tháng 5/2022.
Dừng “gánh” đường sắt
Phương tiện lưu thông hàng ngày qua cầu Long Biên. |
UBND TP Hà Nội vừa quyết định thành lập Tổ chuyên gia triển khai dự án “Hỗ trợ nghiên cứu, cải tạo cầu Long Biên”. Dự án được Chính phủ Pháp tài trợ do ông Đỗ Việt Hải – Phó Giám đốc Sở Giao thông – Vận tải Hà Nội làm tổ trưởng. Tham gia với tổ công tác có đại diện các Sở, ngành thành phố liên quan và Hội kiến trúc sư (KTS) Việt Nam, Hội KTS Hà Nội cùng các chuyên gia.
Ông Trần Đăng Hải – Trưởng phòng Kết cấu hạ tầng (Sở GTVT Hà Nội) cho biết, quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bộ GTVT đang bàn giao hồ sơ các tuyến đường sắt theo quy hoạch cho Hà Nội.
Trong đó, có tuyến đường sắt đô thị Ngọc Hồi – Yên Viên liên quan đến cầu Long Biên. Sau khi bàn giao, Hà Nội sẽ phối hợp với Bộ GTVT tiếp tục nghiên cứu tuyến này, khi đó sẽ rõ định hướng ra sao với cầu Long Biên hiện hữu.
Theo ông Hải, với đường sắt quốc gia sẽ không đi qua cầu Long Biên, dừng tại khu vực đường sắt đầu mối Ngọc Hồi. Tại Ngọc Hồi là đầu mối của 3 tuyến đường sắt: Bắc – Nam, đường sắt tốc độ cao và đường sắt đô thị.
“Ngay cả khi đã hoàn thành xong tuyến đường sắt đô thị Ngọc Hồi – Yên Viên, hay làm xong các cầu mới bắc qua sông Hồng thì cầu Long Biên vẫn có ý nghĩa quan trọng.
Vừa phục vụ người dân hai bên đầu cầu, vừa phục vụ nhu cầu tham quan, du lịch của du khách trong và ngoài nước đến Thủ đô. Do đó, cần thiết phải đầu tư bảo tồn cầu…”, ông Trần Đăng Hải nhấn mạnh.
Theo quyết định của Hà Nội, Tổ chuyên gia có trách nhiệm phối hợp với Đại sứ quán Pháp đề xuất và triển khai các hoạt động nghiên cứu cải tạo cầu Long Biên.
Đồng thời, xây dựng nội dung dự án “Hỗ trợ nghiên cứu, cải tạo cầu Long Biên” làm cơ sở để Sở GTVT Hà Nội báo cáo UBND thành phố. Qua đó, thực hiện các thủ tục tiếp nhận, triển khai dự án hỗ trợ kỹ thuật theo quy định về quản lý nguồn vốn ODA và các quy định pháp luật liên quan.
3 vấn đề quan tâm
Đồng tình với quyết định thành lập Tổ chuyên gia triển khai dự án “Hỗ trợ nghiên cứu, cải tạo cầu Long Biên”, Kiến trúc sư (KTS) Phạm Thanh Tùng – chuyên gia kiến trúc đô thị lưu ý, phải đáp ứng 3 vấn đề cần quan tâm.
Trước tiên, Hà Nội phải khẳng định cầu Long Biên là di sản đô thị của Hà Nội. “Theo luật, hiện cầu Long Biên chưa nằm trong danh mục di sản nhưng đối với lịch sử và người dân Thủ đô, chính quyền thành phố có trách nhiệm coi đây là một di sản đô thị Hà Nội, gắn bó với phát triển Thủ đô. Đồng thời, hoàn thành các thủ tục để cầu Long Biên là di sản cấp quốc gia…”, KTS Phạm Thanh Tùng nói.
Theo KTS chuyên gia kiến trúc đô thị Phạm Thanh Tùng, cầu Long Biên đã không còn chức năng là giao thông đường sắt sau khi tuyến đường sắt được dịch chuyển sang vị trí khác. Cầu Long Biên hiện chỉ còn chức năng là cầu đô thị.
“Vì vậy, cải tạo cầu Long Biên có thể là phương án có thể là tháo dời, sau đó nâng cao độ nhưng phải đáp ứng tiêu chí khoa học công nghệ cho phép. Hoặc có thể trả lại nguyên trạng ban đầu từ nhịp cầu Long Biên (hình con rồng), biến cầu trở thành cầu đường sắt đô thị nhưng giữ lại đoạn ga (2 bên cầu – PV) để làm du lịch và phát triển 2 bên chỉ dành cho xe đạp, xe máy, đi bộ…”, KTS Phạm Thanh Tùng hiến kế.
KTS chuyên gia kiến trúc đô thị Phạm Thanh Tùng cũng đưa ra phương án giữ nguyên hiện trạng (kể cả chứng tích chiến tranh) bảo tồn nhưng phải gia cố cho vững chắc cầu Long Biên.
“Với phương án này, cầu Long Biên tham gia vào phát triển du lịch Thủ đô. Tuyệt đối, không nên phá bỏ cầu Long Biên hay xây thêm cầu Long Biên thứ 2 bởi sẽ gây lãng phí.
Hà Nội cần xác định là cầu đô thị không còn chức năng gánh đường sắt quốc gia thì hội đồng nghiên cứu gắn kết cùng quy hoạch 2 bờ sông Hồng đã được phê duyệt.
Qua đó, tạo lên không gian văn hóa du lịch cảnh quan khu vực cầu Long Biên. Ngoài ra, cầu Long Biên là di sản văn hóa biểu tượng Hà Nội của một giai đoạn…”, KTS chuyên gia kiến trúc đô thị Phạm Thanh Tùng nhấn mạnh.
Với góc độ phát triển du lịch Thủ đô, KTS Phạm Thanh Tùng cho rằng, cầu Long Biên có thể trở thành phố đi bộ khi kết nối với các tuyến phố đi bộ khác của nội đô vào ngày thứ 7 Chủ nhật.
Đăng Chung – Báo GD&TĐ
Theo Giáo dục & Thời đại
Ảnh: Cầu Long Biên qua thời gian đã có biểu hiện xuống cấp cần cải tạo, tu bổ.
Xem bài viết gốc tại đây:
https://giaoducthoidai.vn/cau-long-bien-nam-cho-duoc-bao-ton-post598755.html