Dư luận và giới chuyên gia luôn mổ xẻ về nguyên nhân Hà Nội ngập sau những cơn ‘đại hồng thủy’. Có người thì cho rằng, cơ sở hạ tầng yếu kém; có ý kiến thì đổ cho công tác quy hoạch…
Vấn đề ngập lụt “phố thành sông” luôn có tính thời sự và thu hút sự quan tâm của người dân Hà Nội. Mỗi lần mưa lớn không những gây cản trở đi lại, sinh hoạt mà còn thiệt hại lớn về vật chất. Đã từ lâu, mỗi lần xảy ra sự cố ngập, nhiều người vẫn định kiến và mặc nhiên cho rằng, lỗi là của chính quyền, nhà quản lý.
Trên thực tế, việc ngập lụt luôn có nhiều yếu tố khách quan, chủ quan; trong đó, có cả những yếu kém của các cấp chính quyền. Tuy nhiên, cần nhìn nhận khách quan, nhiều chiều, có như vậy thì vấn đề mới được giải quyết mang tính lâu dài.
TTXVN xin giới thiệu loạt hai bài viết về “Giải pháp chống ngập cho Hà Nội”.
Bài 1: Vì sao nội thành Hà Nội ngập?
Dư luận và giới chuyên gia luôn mổ xẻ về nguyên nhân Hà Nội ngập sau những cơn “đại hồng thủy”. Có người thì cho rằng, cơ sở hạ tầng yếu kém; có ý kiến thì đổ cho công tác quy hoạch… Vậy Hà Nội đã làm những gì cho những điều nói trên và thực trạng hệ thống thoát nước của Hà Nội ra sao?
Đâu là nguyên nhân?
Những ai đã sinh sống ở Hà Nội liên tiếp trong nhiều giai đoạn có thể cảm nhận rằng, lâu nay Hà Nội rất ít ngập lụt, có chăng chỉ là ngập cục bộ trên một số tuyến đường. Nhưng gần đây, đặc biệt là trong tháng 5, tháng 6 vừa qua, thành phố đã phải hứng chịu nhiều đợt ngập sâu, trên nhiều tuyến phố, khiến nhiều xe máy, ô tô hư hỏng, gây xáo trộn đáng kể đời sống nhân dân.
Trước tiên, xin đề cập đến nguyên nhân khách quan, là do biến đổi khí hậu phức tạp, gần đây có những trận mưa lớn, bất thường, trái mùa không theo quy luật ập xuống bất ngờ, hàng chục năm qua mới diễn ra một lần.
Điển hình như trận mưa ngày 29/5 và ngày 13/6, do lượng mưa quá lớn trên diện rộng, vượt công suất thiết kế (hệ thống cống 70mm/h).
Những đợt này, lượng mưa phổ biến trên 100mm, riêng địa bàn quận Tây Hồ trên 160mm, quận Cầu Giấy 180mm nên nhiều khu vực trên địa bàn ngập từ 20-40 cm, có vị trí trên 50cm. Vì lượng mưa vượt cao quá mức so với thiết kế nên nước tiêu thoát không kịp.
Trận mưa lớn khiến phố Phạm Hùng nước ngập sâu. Ảnh: TTXVN phát
Một nguyên nhân cơ bản nữa, hiện nay hệ thống thoát nước Hà Nội đang yếu nhất đấy là rất thiếu các hồ điều hòa để phân chia nước, giảm áp lực cho hệ thống đường ống. Bên cạnh đó, mật độ các miệng cống hút nước từ mặt đường xuống cống ngầm còn chưa cao. Theo Sở Xây dựng Hà Nội, tỷ lệ miệng ga thu nước này cần được đánh giá để bổ sung thêm, phù hợp với công suất của ống cống ngầm.
Một nguyên nhân nữa là hệ thống thoát nước Tả Nhuệ và Hữu Nhuệ chưa được đầu tư đồng bộ, dẫn tới việc đẩy nước từ con sông này về kênh La Khê để cấp nước cho nhà máy bơm tiêu thoát nước Yên Nghĩa chưa kịp thời.
Ngoài ra, nguyên nhân chủ quan rất lớn nữa là sự quản lý thiếu sâu sát, chưa chặt chẽ của các quận huyện đối với hệ thống thoát nước. Nhiều nơi được đầu tư đồng bộ, nhưng vẫn để tình trạng xả rác, vật liệu xây dựng bừa bãi. Thậm chí có nơi, người dân lấn chiếm vỉa hè kinh doanh buôn bán, cố tình bịt miệng cống để tránh mùi hôi thối bốc lên.
Mặc dù ngập lớn, nhưng có thể thấy chỉ sau 2 giờ đồng hồ sau mưa, nước đã rút, giao thông trở lại hoạt động. Để được như vậy, các đơn vị thoát nước đã huy động 100% nhân lực, thiết bị ứng trực mở ga, bơm tiêu thoát nước; tổ chức ứng trực thực hiện tua vớt rác, mở miệng cống thu nước vào hệ thống; sử dụng bơm di động, hệ thống phản lực tạo áp tăng cường thoát nước; mở cửa trữ nước hồ điều hòa; vận hành bơm 100% công suất để rút ngắn thời gian và mức độ úng ngập trên địa bàn.
Thực trạng hệ thống thoát nước
Theo Quy hoạch Thoát nước Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 725/QĐ-TTG ngày 10/5/2013, hệ thống thoát nước khu vực nội thành Hà Nội được chia thành 4 lưu vực: Tô Lịch, Tả sông Nhuệ, Hữu sông Nhuệ, Long Biên.
Đến nay hệ thống thoát nước Hà Nội đã được đầu tư xây dựng hoàn chỉnh theo quy hoạch đối với khu vực: sông Tô Lịch, sông Lừ, sông Sét và sông Kim Ngưu với diện tích 77,5 km2 thuộc địa bàn 8 quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Tây Hồ.
Điển hình là cụm công trình đầu mối Yên Sở bao gồm trạm bơm Yên Sở 90m3/s cùng hệ thống kênh mương, hồ điều hòa; với thiết kế cường độ mưa 310mm/2ngày cho toàn bộ hệ thống và 70mm/h đối với hệ thống cống.
Phố Bạch Mai ngập sâu tối 13/6. Ảnh: Hoàng Hiếu – TTXVN
Bên cạnh đó còn một số khu vực khác là các trạm bơm chính: Bắc Thăng Long 20m3/s, Cầu Đông Trù 2m3/s, Đồng Bông 1-16m3/s, Đồng Bông 2-12 m3/s, Cổ Nhuế 12 m3/s, Cầu Bươu 5m3/s…; 5 nhà máy, trạm xử lý nước thải (Yên Sở, Kim Liên, Trúc Bạch, Hồ Bẩy Mẫu, Hồ Tây, tổng công suất trung bình năm khoảng 235.000 m3/ngày.
Còn lại các khu vực khác như: Tả sông Nhuệ, Hữu sông Nhuệ, Khu vực Long Biên, các quận Hà Đông, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm chưa được đầu tư xây dựng đồng bộ theo quy hoạch.
Chẳng hạn như: trạm bơm Liên Mạc (170m3/s), trạm bơm Gia Thượng, Cự Khối (tổng công suất 65m3/s); hiện đang đầu tư Trạm bơm Yên Nghĩa 120m3/s chưa hoàn thiện thi công kênh dẫn La Khê; nhà máy xử lý nước thải Yên Xá 270.000m3/ngày và hệ thống thu gom nước thải nhưng chưa hoàn thiện; sông Nhuệ chưa được cải tạo, nạo vét và kè sông là những nguyên nhân chính chưa đảm bảo thoát nước cho thành phố.
Hiện nay, trên địa bàn Hà Nội có 6 nhà máy, trạm xử lý nước thải đã được đầu tư xây dựng và đưa vào vận hành chủ yếu tập trung tại vùng đô thị trung tâm phía Nam sông Hồng – Lưu vực sông Tô Lịch và một phần lưu vực Tả Nhuệ.
Thời gian qua, thành phố đã cố gắng khắc phục tình hình úng ngập tại một số vị trí như: xóa bỏ 5 điểm úng ngập trong các năm 2020, 2021 tại Thanh Đàm; Trường Chinh; Giải Phóng; Đội Cấn; Phạm Văn Đồng. Do các dự án đã triển khai hoàn thành đã phát huy hiệu quả thoát nước.
Công nhân xí nghiệp thoát nước số 3 đã có mặt tại các điểm ngập sâu phố Bạch Mai. Ảnh: Hoàng Hiếu – TTXVN
Nguyễn Văn Cảnh/TTXVN
Theo Bnews
Ảnh: Trận mưa lớn ngày 13/6/2022 khiến phố Phạm Hùng – Trần Bình ngập sâu làm nhiều phương tiện giao thông xảy ra tình trạng chết máy. Ảnh: TTXVN phát
Xem bài viết gốc tại đây:
https://bnews.vn/chong-ngap-cho-ha-noi-bai-1-vi-sao-noi-thanh-ha-noi-ngap/248734.html