Mặc dù có nhiều thuận lợi, nhưng việc quản lý hệ thống chiếu sáng đô thị còn nhiều khó khăn thách thức, ảnh hưởng đến sự phát triển của hệ thống chiếu sáng đô thị, trong đó có nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan.
Tính chất quan trọng của hệ thống chiếu sáng đô thị
Chúng ta biết rằng, hệ thống chiếu sáng đô thị là một phần không thể thiếu của cấu trúc đô thị ngày nay, nó có vai trò quan trọng đối với đời sống con người. Chiếu sáng đô thị không chỉ đáp ứng nhu cầu an toàn giao thông, an ninh trật tự, mà còn tạo ra sự hấp dẫn của không gian đô thị về đêm, khuyến khích người dân hăng hái tham gia mở rộng nhiều hoạt động kinh tế nhằm khai thác tiềm năng lợi thế đặc trưng của từng đô thị.
Ánh sáng tác động tích cực đến tổng thể kiến trúc của các thành phố, cũng cố các nguyên tắc thiết kế đô thị, nâng cao giao tiếp văn hóa, khuyến khích giao tiếp xã hội, cải thiện hình ảnh đô thị, làm thay đổi sâu sắc tập quán sinh hoạt của người dân.
Sự phát triển nhanh chóng của hệ thống chiếu sáng đô thị những năm gần đây đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật như: hầu hết các tuyến đường chính của thành phố Hồ Chí Minh đã được chiếu sáng bằng các bộ đèn HPS hiệu suất cao, đèn hai cấp công suất, đèn LED, đảm bảo an toàn giao thông, an ninh đô thị. Nhiều công trình kiến trúc được chiếu sáng mặt ngoài lộng lẫy, làm đẹp thêm cho thành phố về đêm, thể hiện tính hiện đại, văn minh đô thị, góp phần vào sự phát triển chung của thành phố.
Tình hình quy hoạch hiện nay
Mặc dù có nhiều thuận lợi, nhưng việc quản lý hệ thống chiếu sáng đô thị còn nhiều khó khăn thách thức, ảnh hưởng đến sự phát triển của hệ thống chiếu sáng đô thị, trong đó có nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan.
Tình hình chung cả nước hiện nay đa phần chưa lập quy hoạch chiếu sáng đô thị được duyệt, chỉ có khoảng 3 đô thị (Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ) lập quy hoạch chiếu sáng hoặc chỉ có nội dung quy hoạch chiếu sáng trong đồ án quy hoạch đô thị. Cũng chính vì như vậy nên không có kế hoạch đầu tư trung hạn, dài hạn để có danh mục đầu tư, nguồn vốn đầu tư mà chỉ có kế hoạch hàng năm, vì thế không chủ động được triển khai thực hiện các công trình chiếu sáng công cộng, chỉ giải quyết được yêu cầu sử dụng tạm thời, chưa mang tính chiến lược, lâu dài và bền vững.
Cơ chế chính sách còn nhiều bất cập, chưa thống nhất, không đồng bộ, đầu tư phát triển lĩnh vực chiếu sáng đô thị còn manh mún và thực tế nhiều dự án, công trình chiếu sáng đô thị chủ yếu vẫn chỉ được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước. Có một số nơi đã thực hiện thu hút các tổ chức, cá nhân và các thành phần kinh tế tham gia để tham gia đầu tư lĩnh vực chiếu sáng đô thị nhưng chưa hiệu quả, chưa đồng bộ, thiếu tính thẩm mỹ, thiếu kiểm soát có nguy cơ ô nhiễm ánh sáng.
Sự cần thiết của Chương trình phát triển hệ thống chiếu sáng đô thị
Thành phố Hồ Chí Minh với đặc thù là thành phố đông dân nhất Việt Nam, là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật, dịch vụ du lịch,… là thành phố đang được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước. Hệ thống chiếu sáng đô thị được các cấp chính quyền thành phố quan tâm đầu tư với yêu cầu kỹ thuật, quản lý, kinh tế đặt ra là hiện đại, tiên tiến, chính xác, nhanh chóng, ổn định, an toàn và hiệu quả…
Hệ thống chiếu sáng đô thị hiện nay chỉ mới đáp ứng cơ bản về đảm bảo an toàn giao thông. Chiếu sáng đô thị còn phải đảm bảo an ninh trật tự xã hội, còn phải mang tính nghệ thuật cao. Chiếu sáng đô thị phải được bố trí phù hợp khiến người dân cảm thấy an tâm, an toàn khi đi lại khi trời tối. Nó kích thích mọi người rời khỏi nhà để hoạt động cộng đồng ngoài trời hoặc sử dụng phương tiện công cộng vào ban đêm, một tiềm năng rất lớn để phát triển thương mại, du lịch cho thành phố.
Nhận thấy tầm quan trọng của chiếu sáng đô thị đối với cuộc sống con người và sự phát triển của thành phố, chính quyền Thành phố, các ngành chức năng nghiên cứu và phân tích những vấn đề căn cơ cần giải quyết, đề xuất các giải pháp đột phá về thu hút các nguồn lực xã hội tham gia vào việc đầu tư, duy trì và phát triển hệ thống chiếu sáng đô thị một cách có chiến lược, góp phần nâng cao chất lượng sống cửa người dân.
Do đó, Thành phố Hồ Chí Minh xây dựng Chương trình phát triển hệ thống chiếu sáng đô thị Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn từ 2020 – 2030, để định hướng phát triển hệ thống chiếu sáng đô thị của Thành phố, góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, phát triển kinh tế xã hội của Thành phố.
Nội dung chính nổi bật của Chương trình:
Định hướng phát triển
Xây dựng hệ thống chiếu sáng đô thị thông minh, hoạt động, chiếu sáng đô thị đảm bảo đầy đủ các yêu cầu định lượng, chất lượng chiếu sáng và có thể điều khiển được, ngoài ra còn được kết nối với các hệ thống thông minh khác nhằm đảm bảo một số yêu cầu đặt ra của không gian được chiếu sáng, đảm bảo cho đô thị sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả và phát triển bền vững. Đảm bảo cung cấp chất lượng ánh sáng tốt hơn, an toàn giao thông được cải thiện mà còn tiết kiệm chi phí điện năng, giảm thải khí CO2 gây hiệu ứng nhà kính, góp phần bảo vệ môi trường, xây dựng đô thị văn minh, hiện đại. Hệ thống chiếu sáng đô thị hiện hữu và xây dựng mới phải được cải tạo và xây dựng theo hướng chiếu sáng thông minh được quản lý và điều hành từ Trung tâm điều khiển chiếu sáng đô thị Thành phố. Chiếu sáng thông minh của thành phố phải có những tính năng chủ yếu sau: Có khả năng kết nối đồng bộ để quản lý, giám sát, điều khiển từ xa tất cả các thiết bị chiếu sáng như Chiếu sáng các công trình giao thông đô thị, Chiếu sáng không gian công cộng trong đô thị, Chiếu sáng mặt ngoài các công trình trong đô thị, Chiếu sáng khuôn viên công trình do các tổ chức, cá nhân sở hữu, quản lý và sử dụng, Chiếu sáng trang trí và chiếu sáng khu vực phục vụ lễ hội khi có yêu cầu của thành phố. Có khả năng tích hợp các cảm biến liên quan đến chiếu sáng và các lĩnh vực khác để thu thập các thông tin trong thành phố. Có khả năng tương tác với các nền tảng thông minh khác của đô thị thông minh. Đảm bảo vận hành ổn định, hiệu quả trong quản lý, tiết giảm năng lượng,đảm bảo cung cấp ánh sáng đúng, đủ cho địa điểm và thời gian phù hợp, làm tăng mức độ an toàn cho người dân thành phố. Giúp người dân cảm thấy an toàn và tự hào khi được sống trong lòng thành phố.
Chuyển đổi sang bộ đèn chiếu sáng thông minh để tiết giảm năng lượng, nâng cao chất lượng chiếu sáng, đảm bảo an toàn giao thông, mỹ quan đô thị. Ưu tiên cho các tuyến đường trục chính đô thị, khu vực.
Chỉnh trang hạ ngầm lưới đèn chiếu sáng đồng bộ với các hạ tầng khác để đảm bảo mỹ quan đô thị.
Chuyển đổi hệ thống chiếu sáng ngõ hẻm theo chuẩn chung của thành phố để đảm bảo đảm an ninh, trật tự, văn minh tại khu vực dân cư.
Hình thành các trục đường chiếu sáng mang đậm bản sắc văn hóa, lịch sử thành phốnhằm thúc đẩy vui chơi giải trí, giao lưu văn hóa đặc biệt là các hoạt động kinh tế về đêm như trục đường chiếu sáng kết nối các chợ truyền thống, trục đường chiếu sáng kết nối các di tích văn hóa kiến trúc lịch sử, trục đường chiếu sáng trên các kênh rạch, sông Sài Gòn.
Chiếu sáng các công trình giao thông đô thị: Bảo đảm các chức năng về chiếu sáng, định vị, dẫn hướng cho các đối tượng tham gia giao thông hoạt động an toàn về ban đêm, các chỉ tiêu định lượng, chất lượng chiếu sáng bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật về chiếu sáng đô thị quy định cho từng loại công trình giao thông.Xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo các công trình giao thông phải được xây dựng đồng bộ với các công trình chiếu sáng đô thị.Phù hợp yêu cầu của quy hoạch đô thị, quy hoạch chiếu sáng đô thị, có tính thẩm mỹ, phù hợp với không gian kiến trúc và cảnh quan môi trường xung quanh.Bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật, đáp ứng yêu cầu chỉ dẫn và khả năng phát hiện kịp thời chướng ngại vật trong hầm, bảo đảm an toàn, phòng, chống cháy nổ và có nguồn sáng dự phòng. Điều khiển thông minh tiết giảm ánh sáng theo lưu lượng hoặc theo nhu cầu để giảm mức tiêu thụ năng lượng và giảm thiểu ô nhiễm ánh sáng vào ban đêm ảnh hưởng đến sức khỏe con người, đặc biệt là ánh sáng chiếu trực tiếp vào nhà dân (Light trespass) và độ chói lóa (Direct glare).
Đối với chiếu sáng không gian công cộng trong đô thị: Các khu vực vui chơi công cộng, các quảng trường, công viên, vườn hoaviệc chiếu sáng phải đảm bảo độ rọi ngang trung bình theo quy định. Phải hài hòa giữa các yếu tố cảnh quan như cây xanh, thảm cỏ, bồn hoa, mặt nước với các công trình kiến trúc, tượng đài, đài phun nước và các công trình khác. Sử dụng ánh sáng dịu để tạo nét đẹp về đêm nhưng vẫn đảm bảo độ sáng cho phép. Sử dụng đèn ánh sáng vàng theo tiêu chuẩn kết hợp với đèn hắt viền chân. Đảm bảo các yếu tố trang trí, mỹ quan và phù hợp với không gian kiến trúc và cảnh quan môi trường xung quanh. Sử dụng chiếu sáng thông minh, chỉ hoạt động khi có người tham quan, vui chơi tại công viên; Các bờ sông, đặc biệt là sông Sài Gòn, phải được thiết kế hệ thống chiếu sáng trang trí, tạo sự lung linh huyền ảo về đêm, bổ sung thêm điểm du lịch, thưởng ngoạn về đêm cho khách du lịch khi đến Thành phố.
Đối với chiếu sáng mặt ngoài các công trình trong đô thị: Đối với chiếu sáng các công trình kiến trúc, xây dựng: Các tòa nhà cao cấp 1 hoặc cấp đặc biệt, cầu bắt qua sông Sài Gòn phải được thiết kế hệ thống chiếu sáng kiến trúc hài hòa với chiếu sáng khu vực; Đối với chiếu sáng các công trình di tích lịch sử, văn hóa, thể thao:Phải được xem xét lựa chọn để thực hiện chiếu sáng mỹ thuật mặt ngoài của từng công trình (theo danh sách công trình xếp hạng di tích). Phương án chiếu sáng mỹ thuật phải đảm bảo việc tôn tạo vẻ đẹp kiến trúc tổng thể của tòa nhà bao gồm cả chiếu sáng cây xanh và chiếu sáng lối đi của tòa nhà. Chiếu sáng phải khắc họa chi tiết đặc thù của từng công trình, tập trung chiếu sáng cho các cột, hoa văn phù điêu đắp nổi, vòm cửa, mái ngói, đường viền… tạo sự nổi bật các đối tượng này về đêm. Tạo ra các điểm nhấn và độ sâu kiến trúc công trình, làm nổi bật nhưng hài hòa, không tách biệt tòa nhà so với môi trường xung quanh. Tạo sự tương phản sáng tối và tương phản màu sắc tự nhiên, đồng thời tạo ra nét hài hòa cho toàn thể khu vực công trình được chiếu sáng. Chế độ hoạt động phải thiết lập nhiều kịch bản như: ngày bình thường, ngày cuối tuần, ngày lễ hội.
Chiếu sáng khuôn viên công trình do các tổ chức, cá nhân sở hữu, quản lý và sử dụng:phải được thiết kế hệ thống chiếu sáng kiến trúc hài hòa với chiếu sáng khu vực. Chiếu sáng quảng cáo, trang trí và chiếu sáng khu vực phục vụ lễ hội: Đối với hệ thống chiếu sáng quảng cáo: không được có độ chói quá lớn theo hướng nhìn của các phương tiện giao thông cơ giới, gây hiện tượng chói lóa, làm mất an toàn giao thông. Không sử dụng đèn có ánh sáng lòe lẹt, phản cảm, vị trí đặt để cùng tầm cao với hướng nhìn. Chiếu sáng phương tiện quảng cáo ngoài trời phải phù hợp với khu vực được chiếu sáng, đảm bảo an toàn, phòng chống cháy nổ, không được làm ảnh hưởng đến các hoạt động giao thông và các hoạt động khác của đô thị. Phù hợp theo Quy chuẩn Kỹ thuật Quốc gia về Xây dựng và lắp đặt phương tiện quảng cáo ngoài trời; Đối với hệ thống chiếu sáng khu vực phục vụ lễ hội:Lễ hội sự kiện là mang tính rực rỡ đầy sắc màu, có chủ đề, do đó chiếu sáng lễ hội phải tạo vẻ rực rỡ muôn màu nơi không gian chiếu sáng. Bên cạnh đó phải chú trọng việc chiếu sáng đảm bảo an ninh trật tự tại khu vực lễ hội. Chiếu sáng lễ hội thực hiện trong một thời gian ngắn do đó phương án chiếu sáng phải thuận tiện trong quá trình thi công, lắp đặt và tháo dỡ.
Quan điểm phát triển
Chương trình Phát triển hệ thống chiếu sáng đô thị Thành phố Hồ Chí Minh phải gắn với đề án Xây dựng thành phố Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh, phù hợp với Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội của Thành phố, Quy hoạch chung xây dựng thành phố một cách bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Phát triển hệ thống chiếu sáng đô thị gắn liền với phát triển đô thị, đảm bảo an toàn giao thông và an ninh trật tự; nâng cao chất lượng cuộc sống và đảm bảo văn minh đô thị; góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Phát triển hệ thống chiếu sáng đô thị kết hợp cải tạo với xây dựng mới, đồng bộ với hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị. Nghiên cứu, áp dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, nhất là việc khai thác, sử dụng các nguồn năng lượng mới, tái tạo trong hoạt động chiếu sáng đô thị nhằm tiết kiệm và nâng cao hiệu quả sử dụng điện – năng lượng và bảo vệ môi trường.
Khuyến khích các tổ chức, cá nhân thuộc các thành phần kinh tế trong và ngoài nước tham gia đầu tư, sản xuất và sử dụng các sản phẩm chiếu sáng hiệu suất cao tiết kiệm điện.
Nhiệm vụ
Giai đoạn 2020 – 2025: Lập quy hoạch chiếu sáng đô thị trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh; Ban hành văn bản quy phạm pháp luật về quản lý chiếu sáng đô thị; Xây dựng phần mềm và ban hành giao thức về điều khiển hệ thống chiếu sáng đô thị; Xây dựng quy định về xã hội hóa kêu gọi đầu tư phát triển hệ thống chiếu sáng đô thị.
Hoàn thành hạ ngầm toàn bộ đường dây cấp điện và thay thế đèn LED của hệ thống chiếu sáng đô thị tại Khu trung tâm thành phố Hồ Chí Minh.
Giai đoạn 2026 – 2030: Xây dựng hoàn chỉnh và đưa vào vận hành Trung tâm quản lý và điều hành hệ thống chiếu sáng đô thị; Hoàn thành việc hạ ngầm toàn bộ đường dây cấp điện và thay thế đèn LED của hệ thống chiếu sáng đô thị của thành phố Hồ Chí Minh;
Chỉ tiêu phát triển hệ thống chiếu sáng đô thị đến năm 2030:
Chỉ tiêu thực hiện giai đoạn 2020 – 2025: Hàng năm chuyển đổi từ 15-20% đèn chiếu sáng hiện hữu thành đèn chiếu sáng thông minh; Hàng năm chuyển đổi khoảng 20% đèn chiếu sáng ngõ hẻm sang đèn chiếu sáng giao thông theo chuẩn chung của thành phố, đảm bảo đến năm 2025 các đèn ngõ hẻm đạt chuẩn theo chuẩn chiếu sáng chung của toàn thành phố. Thực hiện 100% hạ ngầm đường dây cấp điện và thay thế đèn LED tại Khu Trung tâm thành phố Hồ Chí Minh.
Xây dựng Trung tâm quản lý và điều hành hệ thống chiếu sáng đô thị để thực hiện việc quản lý và điều hành hệ thống chiếu sáng tại Khu Trung tâm thành phố Hồ Chí Minh. Thực hiện chiếu sáng mỹ thuật các công trình bảo tồn di tích lịch sử, văn hóa và chiếu sáng trang trí cho một số trục đường quan trọng trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.
Xây dựng chính sách xã hội hóa nhằm huy động, khai thác tối ưu mọi nguồn lực xã hội để tham gia đầu tư phát triển hệ thống chiếu sáng đô thị trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.
Chỉ tiêu thực hiện giai đoạn 2026 – 2030: Thực hiện 100% hạ ngầm đường dây cấp điện và thay thế đèn LED tại các khu vực còn lại của thành phố Hồ Chí Minh; Mở rộng Trung tâm quản lý và điều hành hệ thống chiếu sáng đô thị để thực hiện việc quản lý và điều hành hệ thống chiếu sáng tại khu vực còn lại trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh; Thực hiện chiếu sáng mỹ thuật các công trình bảo tồn di tích lịch sử, văn hóa còn lại trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh; Thực hiện chiếu sáng trang trí cho một số trục đường quan trọng còn lại trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.
Các nhóm giải pháp
Lập quy hoạch chiếu sáng đô thị trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh: Đánh giá hiện trạng về hệ thống chiếu sáng đô thị bao gồm: nguồn cung cấp điện, lưới điện, nguồn sáng, tình hình tiêu thụ điện năng; tình hình tổ chức và hệ thống chiếu sáng đô thị trên địa bàn thành phố, bao gồm: chiếu sáng các công trình giao thông; chiếu sáng không gian công cộng; chiếu sáng mặt ngoài công trình; chiếu sáng quảng cáo, trang trí và chiếu sáng khu vực phục vụ lễ hội. Xác định các chỉ tiêu chiếu sáng cho các đối tượng được chiếu sáng; dự báo nhu cầu điện năng cho chiếu sáng.Trên cơ sở hiện trạng, có đánh giá cụ thể, xác định trách nhiệm của các đơn vị có liên quan, từ đó đưa nhiệm vụ cụ thể và xây dựng quy hoạch chiếu sáng đô thị theo hướng tạo ra nhiều không gian tổng thể khác nhau theo từng khu vực của thành phố (05 khu vực) nhưng vẫn hài hòa với không gian chung của thành phố, những không gian tổng thể này phù hợp với chức năng về kinh tế, xã hội, văn hóa,… tạo ra nét đặc trưng riêng của thành phố Hồ Chí Minh.
Ban hành văn bản quy phạm pháp luật về quản lý chiếu sáng đô thị: Căn cứ quy định hiện hành, tham mưu quy định về Quản lý chiếu sáng đô thị trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh trình Ủy ban nhân dân Thành phố ban hành; Quy định chung những vấn đề liên quan đến công tác quản lý, vận hành duy tu bảo dưỡng và đầu tư xây dựng hệ thống chiếu sáng đô thị trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh, quy định trách nhiệm các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan chiếu sáng đô thị, bao gồm: chiếu sáng các công trình giao thông; chiếu sáng không gian công cộng; chiếu sáng mặt ngoài công trình; chiếu sáng quảng cáo, trang trí và chiếu sáng khu vực phục vụ lễ hội.
Đào tạo, phát triển nguồn nhân lực về quản lý, vận hành hệ thống chiếu sáng đô thị: Bổ sung giải pháp đào tạo, phát triển nguồn nhân lực về quản lý, vận hành hệ thống chiếu sáng đô thị; Tổ chức đào tạo nâng cao trình độ quản lý cho đội ngũ công chức quản lý nhà nước lĩnh vực chiếu sáng đô thị và đội ngũ viên chức quản lý trực tiếp hệ thống chiếu sáng đô thị; Xây dựng các kế hoạch ngắn hạn 01 năm trở xuống, trung hạn từ 01 năm trở lên đến 03 năm và dài hạn từ 03 năm trở lên.
Xây dựng phần mềm và ban hành giao thức về điều khiển hệ thống chiếu sáng đô thị: Nghiên cứu xây dựng phần mềm và giao thức để điều khiển hệ thống chiếu sáng đô thị. Phần mềm điều khiển hệ thống chiếu sáng đô thị phải đảm bảo tương thích và kết nối với phần cứng theo giao thức được công bố rộng rãi; Hoàn chỉnh phần mềm có thể điều khiển đến từng tủ điều khiển, đến từng đèn chiếu sáng đồng thời là việc xây dựng định mức, đơn giá về quản lý, vận hành duy tu bảo dưỡng phần mềm và công tác quản lý vận hành hệ thống chiếu sáng đô thị. Xây dựng chính sách quy định về xã hội hóa, kêu gọi đầu tư phát triển hệ thống chiếu sáng đô thị: Nhằm huy động, khai thác tối ưu mọi nguồn lực xã hội để tham gia đầu tư phát triển hệ thống chiếu sáng đô thị theo hình thức đối tác – công tư (PPP) và các hình thức đầu tư khác phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội của thành phố; Các dự án phát triển hệ thống chiếu sáng đô thị về: Ứng dụng công nghệ IoT (Internet Of Things) trong quản lý chiếu sáng đô thị; Cải tạo chuyển đổi từ đèn HPS (High Pressure Sodium) cao áp Sodium hay đèn cao áp Natri thành đèn LED kết hợp ngầm hóa đường dây cấp điện của hệ thống chiếu sáng đô thị.
Hoàn thành hạ ngầm toàn bộ đường dây cấp điện và thay thế đèn LED của hệ thống chiếu sáng đô thị: Trước tiên tập trung mọi nguồn lực, bao gồm cả vốn xã hội hóa và ngân sách thành phố để hoàn thành việc hạ ngầm toàn bộ đường dây cấp điện và thay thế đèn LED của hệ thống chiếu sáng đô thị tại Khu trung tâm thành phố Hồ Chí Minh bao gồm 13 quận, sau đó tiếp tục thực hiện để hoàn thành việc hạ ngầm toàn bộ đường dây cấp điện và thay thế đèn LED của hệ thống chiếu sáng đô thị tại khu vực còn lại. Hoàn thành vào năm 2030.
Chiếu sáng mỹ thuật kiến trúc các công trình bảo tồn: Lập chủ trương đầu tư công trình Ủy ban nhân dân Thành phố chấp thuận thực hiện chiếu sáng kiến trúc các công trình, chiếu sáng mỹ thuật các công trình bảo tồn di tích lịch sử, văn hóa và chiếu sáng trang trí cho một số trục đường quan trọng trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.
Xây dựng hoàn chỉnh Trung tâm quản lý và điều hành hệ thống chiếu sáng đô thị: Xây dựng Trung tâm quản lý và điều hành hệ thống chiếu sáng đô thị theo hướng ứng dụng công nghệ IoT (Internet Of Things) trong quản lý, hình thành hệ thống chiếu sáng đô thị thông minh. Đảm bảo hệ thống chiếu sáng đô thị được quản lý và điều hành từ trung tâm, đáp ứng được yêu cầu về giảm tiêu thụ năng lượng điện, điều chỉnh tăng giảm cường độ ánh sáng, cho phép điều khiển, giám sát đến từng bộ đèn và dự báo, lập kế hoạch bảo trì.
Thành phố đã xây dựng Chương trình phát triển hệ thống chiếu sáng đô thị thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2020 – 2030. Qua đó đã tháo gỡ những khó khăn của thành phố trong điều kiện chưa có quy hoạch chiếu sáng đô thị được duyệt, là cơ sở để triển khai xây dựng, xác định chỉ tiêu, nhiệm vụ và các giải pháp thực hiện, nhằm tạo sự đột phá, để phát triển hệ thống chiếu sáng đô thị thành phố đến năm 2030.
Chương trình là một trong những giải pháp trọng tâm của Thành phố trong thời gian tới, là cơ sở để Thành phố chỉ đạo các cơ quan có liên quan triển khai thực hiện các nhiệm vụ phát triển hệ thống chiếu sáng đô thị theo quy định hiện hành; thu hút các nguồn lực xã hội tham gia vào việc đầu tư, duy trì và phát triển hệ thống chiếu sáng đô thị một cách có chiến lược, góp phần nâng cao chất lượng sống của người dân.
Ths. Huỳnh Trí Dũng– Tổng Giám đốc
Ths. Nguyễn Huy Khương– TP Kỹ thuật
Công ty CP Chiếu sáng công cộng TPHCM